Vụ bê bối lãi suất ngân hàng chấn động nước Anh

ANTĐ - Việc hai quan chức cấp cao ngân hàng Barclays từ chức vì ngân hàng này thao túng lãi suất được xem là vụ bê bối lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay.

Vụ bê bối của ngân hàng Barclays khiến hệ thống ngân hàng Anh chao đảo

Giám đốc điều hành ngân hàng Barclays, ông Robert Diamond ngày  3-7 đã từ chức trước những áp lực chính trị và sức ép của các nhà đầu tư dồn lên ngân hàng lớn thứ hai ở Anh vì thao túng lãi suất cho vay liên ngân hàng London và lãi suất cho vay liên ngân hàng châu Âu.

Trước đó một ngày, Chủ tịch ngân hàng Barclays, ông Marcus Agius cũng đã tuyên bố từ chức vì bê bối này. Tuy nhiên, việc từ chức của ông Marcus Agius không làm giảm áp lực ngày càng gia tăng lên ông Robert Diamond vì ông này từng phụ trách đầu tư của Barclays trong thời gian xảy ra bê bối. Cả hai quan chức cấp cao của ngân hàng đều từ chức ngay trước khi phải ra điều trần trước Ủy ban Ngân khố Quốc hội. Ông Robert Diamond nói rằng ông từ chức vì áp lực dồn lên ngân hàng quá lớn có thể gây tổn hại đến ngân hàng và ông không muốn điều đó xảy ra. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói rằng đây là một quyết định đúng đắn đối với ngân hàng Barclays và cũng là một quyết định đúng đắn đối với đất nước bởi nước Anh cần một ngân hàng Barclays tập trung vào việc cho vay và đóng góp vào việc phục hồi nền kinh tế. Ông George Osborne cũng bày tỏ hy vọng đây là bước đầu tiên để tiến tới “văn hóa chịu trách nhiệm” trong ngành ngân hàng. 

Ngân hàng Barclays - một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới - tuần trước đã bị phạt 450 triệu USD vì tội thao túng lãi suất liên ngân hàng London. Lãnh đạo Barclays thừa nhận rằng, một số nhân viên giao dịch đã cố ý làm sai lệch tỷ lệ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng London, vốn được sử dụng để định giá khoảng 350 nghìn tỷ USD sản phẩm tài chính phái sinh và nhiều sản phẩm tài chính khác. Lãi suất thực mà các ngân hàng vay trên thị trường liên ngân hàng London vốn được là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ an toàn của một tổ chức tài chính. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng lớn đã khai báo thấp hơn thực tế khiến nhà đầu tư tưởng họ đang đầu tư tiền an toàn. 

Sau khi vụ bê bối ngân hàng Barclays bị phanh phui, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nước này sẽ mở một cuộc điều tra đối với hệ thống ngân hàng. Ngoài Barclays, hàng chục ngân hàng lớn khác trên thế giới như Citigroup, HSBC, RBS, UBS… cũng sẽ bị điều tra. Hiện nhà chức trách Anh tuyên bố trong vòng một tháng sẽ quyết định có đưa ra cáo buộc hình sự đối với các ngân hàng thuộc diện điều tra hay không.