- Tình tiết chưa từng tiết lộ về vụ bắt cóc con tin đình đám nhất Đài Loan
- Kẻ bắt cóc 30 con tin ở Philippines ra hàng sau 9 tiếng gây náo loạn
Sự việc xảy ra cách đây 34 năm, khi chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất bùng phát |
Bay vào vùng chiến sự
Chuyến bay BA149 của British Airways rời khỏi đường băng tại Heathrow (London) vào 18h ngày 1-8-1990. Chiếc Boeing 747 trên đường đến Kuala Lumpur với 2 điểm dừng theo lịch trình bay: Điểm đầu tiên là ở thành phố Kuwait, điểm thứ hai ở Madras (Ấn Độ).
Barry Manners (khi đó 24 tuổi) lên chuyến bay cùng Anthony Yong để về thăm gia đình Yong ở Malaysia và tận hưởng một kỳ nghỉ hè đáng nhớ. Nhưng họ không hề biết rằng, chỉ trong vài giờ nữa cả 2 sẽ rơi vào vùng chiến sự và bắt đầu cuộc thử thách kéo dài hàng tháng trời. “Tôi đã không nghe tin tức vào ngày hôm đó. Đầu tiên tôi biết “có vấn đề” là qua tờ Independent. Ở trang 11 nhắc đến việc có quân đội ở biên giới. Nhưng tôi nghĩ mình đang ở trên máy bay của British Airways, nếu có điều gì không may xảy ra thì họ sẽ không hạ cánh” - ông Manners nhớ lại khi nói chuyện với trang KentOnline.
Trước đó chỉ vài tiếng, Iraq đưa quân vào Kuwait theo lệnh của Tổng thống Saddam Hussein để giành quyền kiểm soát giàu dầu mỏ trên Vịnh Ba Tư. Chỉ hơn 5 giờ sau khi rời London, 367 hành khách và 18 thành viên phi hành đoàn của chuyến bay BA149 chuẩn bị hạ cánh xuống vùng chiến sự. Máy bay hạ cánh ở Kuwait lúc 1h13 ngày 2-8 khi quân đội Iraq đang áp sát sân bay. Ông Manners nhớ rõ: “Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng sấm ở phía chân trời và không tin đó là một cuộc chiến tranh. Tôi nhìn thấy ánh chớp cùng tiếng nổ ở khoảng cách rất xa và nghĩ: Ồ, đó chỉ là một cơn giông”.
Sân bay vắng tanh và không thấy nhân viên nào. Đó là chuyến bay dân sự cuối cùng bởi tất cả các chuyến bay khác đã bị hủy hoặc chuyển hướng. Trong số hành khách trên chuyến bay, 30 người dự định kết thúc hành trình ở Kuwait và đã nhập cảnh, nhưng họ nhận ra hành lý của mình chưa được dỡ xuống. Phi hành đoàn và hành khách còn lại vẫn ở trên máy bay để chuẩn bị cho chặng tiếp theo. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị cất cánh lại, phi hành đoàn được thông báo sân bay sẽ đóng cửa trong 2 giờ. Ngay sau đó, máy bay của Iraq dội bom xuống đường băng. Phi hành đoàn đã ra lệnh sơ tán máy bay và hành khách nhanh chóng vào nhà ga. Chiếc máy bay bỗng nhiên bị phá hủy và vẫn chưa rõ trách nhiệm về vụ phá hoại.
Nữ tiếp viên Nicola Dowling (thứ hai từ phải sang, tóc ngắn) là một trong những con tin |
Những ngày tháng hãi hùng
Sự việc bất ngờ xảy ra vào sáng hôm đó chỉ là khởi đầu cho cơn ác mộng đối với hành khách và phi hành đoàn chuyến bay BA149. Đến 4h30 ngày 2-8, phi hành đoàn và hành khách đã được quân đội Iraq vận chuyển đến một khách sạn. Ngay sau thời điểm ấy, Mỹ phát động Chiến dịch Lá chắn sa mạc - bảo vệ Saudi Arabia và trục xuất lực lượng Iraq ở Kuwait. Về phần mình, Tổng thống Iraq Saddam Hussein yêu cầu Mỹ rút quân và đưa các hành khách cùng phi hành đoàn trên chuyến bay BA149 cũng như các công dân phương Tây khác đến các cơ sở quan trọng ở Kuwait và Iraq để làm “lá chắn sống” ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào.
Ông Barry Manners bị đưa lên một chiếc xe buýt đến Baghdad (Iraq). Nhiệt độ ở sa mạc vào tháng 8 năm đó là 50 độ C, xe buýt không có điều hòa mà chỉ mở cửa kính. Họ bị giữ tại một khách sạn ở Baghdad trong khoảng 1 tuần, sau đó được đưa đi nhiều nơi. Riêng ông Barry Manners bị đưa tới nơi giam giữ cuối cùng là đập Dukan, cách Baghdad khoảng 6 giờ xe chạy. Có lần, một viên chỉ huy say rượu đã chĩa súng vào đầu nhóm con tin nước ngoài và nói: “Barry Manners, khi người Mỹ đến, tôi sẽ giết anh trước”.
Bà Nicola Dowling (năm nay 57 tuổi, thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay BA149) đã nghĩ mình khó sống sót khi được đưa đến trại IBI ở Fahaheel (Kuwait) để làm “lá chắn sống”. Bà nói: “Họ dừng lại giữa sa mạc. Tất cả binh lính vây quanh xe buýt, chĩa súng vào cửa sổ. Tất cả các em bé đều ngừng khóc, chúng tôi đã nghĩ đây là khởi đầu của sự trả thù và mình sắp bị bắn. Nhưng may mắn thay, chúng tôi lại được đi tiếp”.
Tại trại IBI, bà Dowling mô tả là điều kiện giam giữ “kinh khủng” và “vô nhân đạo”. Nước và thức ăn hạn chế, đồng thời bệnh kiết lỵ thường xuyên bùng phát. Cha của bà Dowling (vốn là một cựu chiến binh) ở quê nhà đã lo lắng cho con gái tới mức viết thư gửi Thủ tướng Margaret Thatcher để hỏi xem liệu ông có thể đổi chỗ cho con hay không. Nhưng 2 tháng sau khi được thả và về nước, bà Dowling còn sốc hơn khi hãng hàng không buộc bà phải quay lại làm việc càng sớm càng tốt vì thiếu tiếp viên và phải tiếp tục bay đến Trung Đông. Người phụ nữ này bị dọa sa thải nếu không tuân thủ, nên đã quay lại vùng này mỗi tháng 1 lần trong 15 năm tiếp theo. “Nó không khác gì một hình thức tra tấn” - bà Dowling hiện đã nghỉ hưu nói.
Liên minh các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã giải phóng Kuwait vào năm 1991 trong Chiến dịch Bão táp sa mạc (còn được gọi là Chiến tranh vùng Vịnh lần 1). Vào ngày 28-8-1990, tất cả phụ nữ, trẻ em trong vụ bắt cóc con tin nói trên được phép rời đi. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao, tất cả các con tin đã được trở về vào giữa tháng 12-1990.
Chuyến bay British Airways 149 đã bị phá hủy sau khi hành khách và phi hành đoàn bị bắt giữ làm con tin |
Đi tìm công lý
Sau những gì đã trải qua, bị coi là “lá chắn sống”, bị bỏ đói, đánh đập, hãm hiếp và hành quyết giả… các con tin trên chuyến bay BA149 cảm thấy vẫn chưa được trả lời sau hơn 3 thập kỷ: Tại sao một máy bay dân sự lại được phép hạ cánh ở Kuwait khi quân đội Iraq tràn qua biên giới?
Phát biểu tại Hạ viện trong khi cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra, Thủ tướng lúc bấy giờ là bà Margaret Thatcher đã nhấn mạnh, giao tranh diễn ra sau khi máy bay hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Kuwait. Nhưng vào tháng 11-2021, Ngoại trưởng Anh Liz Truss lần đầu tiên xác nhận, vào lúc 0h ngày 2-8, Đại sứ Anh tại Kuwait đã chuyển thông tin tới Bộ Ngoại giao rằng, chiến tranh đã bắt đầu khi chuyến bay 149 đang bay, nhưng British Airways không được thông báo.
Công ty luật McCue Jury & Partners lập luận rằng, 94 hành khách và phi hành đoàn đã đệ đơn kiện dân sự lên Tòa án Tối cao ở London, nhằm vào Chính phủ Anh và British Airways, cáo buộc họ “cố tình gây nguy hiểm” cho dân thường. Đơn kiện cho rằng, Chính phủ Anh và hãng hàng không biết chiến tranh đã bắt đầu, nhưng vẫn cho phép chuyến bay dừng ở Kuwait. McCue Jury & Partners cho biết: “Tất cả những nguyên đơn đều bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần, hậu quả của chúng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay”. Ông Barry Manners, hành khách trên chuyến bay khẳng định: “Chúng tôi không được đối xử như những công dân mà như những “quân tốt” phục vụ lợi ích thương mại và chính trị”.
Công ty McCue Jury & Partners cho biết thêm, Chính phủ và British Airways biết cuộc chiến đã diễn ra khi máy bay đang ở trên không, nhưng không làm gì để chuyển hướng nó một cách an toàn. Công ty này nói có bằng chứng cho thấy chuyến bay còn “bí mật vận chuyển một đội đặc nhiệm tới chiến trường”. Ông Matthew Jury - quản lý của McCue Jury & Partners, cho biết: “Tính mạng, sự an toàn của thường dân đã bị Chính phủ Anh và British Airways đặt vào vòng nguy hiểm vì một hoạt động quân sự bí mật. Chúng tôi tin rằng cả hai đều đã che giấu và phủ nhận sự thật trong hơn 30 năm. Họ đã chứng kiến cảnh những đứa trẻ bị coi như “lá chắn sống”, nhưng họ vẫn làm và không thừa nhận điều gì. Các nạn nhân trên chuyến bay BA149 xứng đáng nhận được công lý. Phải có sự chịu trách nhiệm để xóa đi vết nhơ đáng xấu hổ này trong lương tâm của Vương quốc Anh”.