Vụ bản quyền Ngoại hạng Anh: Coi chừng “gậy ông đập lưng ông”

ANTĐ - Phớt lờ lời “hiệu triệu” của VTV, rằng “các đài cùng mua hoặc cùng không mua”, K+ tự ý xé rào bằng việc “mượn tay” Canal Plus để giành quyền kinh doanh bản quyền giải Ngoại hạng Anh (EPL). Người hâm mộ vừa là nạn nhân trong cơn khát độc quyền, vừa nắm quyền quyết định đến sự thành bại trong thương vụ của K+.

K+ đối mặt nhiều rủi ro sau cơn khát “độc quyền”

“Đâm lao thì phải theo lao”

Đã có nhiều phân tích từ giới chuyên gia thẳng thắn chỉ ra, VTV một mặt “hiệu triệu” các đài khác cùng ngồi lại bàn bạc như một động thái “câu giờ”, mặt khác “tiếp tay” cho “đứa con” K+ tự do thương thảo với các đối tác để thỏa “cơn khát” độc quyền. Song tất cả đến nay vẫn chỉ dừng ở đồn đoán. Sự thật, K+ đã giành quyền khai thác bản quyền EPL trên lãnh thổ Việt Nam từ tay Canal Plus và như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Đỗ Quý Doãn thì theo luật K+ không sai và cũng không thể truy cứu trách nhiệm VTV.

Từ khi ra đời, K+ chưa bao giờ có lãi. Theo thông tin từ số liệu kiểm toán quốc tế, trung bình mỗi ngày K+ lỗ hơn 1 tỷ đồng. So với các đơn vị cùng kinh doanh truyền hình trả tiền, K+ là đơn vị chiếm thị phần nhỏ nhất (khoảng 400.000 thuê bao) song lại có cước phí cao nhất. Là đơn vị chiếm 51% cổ phần trong K+, song VTV đang tỏ ra hụt hơi với việc cứ mãi phải bù lỗ cho “đứa con” của mình. Về phần mình, trong những năm qua, K+ đã tiêu tốn khoản tiền khổng lồ vào việc xây dựng cơ sở vật chất, chi phí dịch vụ. Thế nên, độc quyền EPL là cách duy nhất để K+ duy trì “sự sống” và thoát nguy cơ sụp đổ. Dễ hiểu khi các đối tác nước ngoài kích hoạt chiến dịch chào mời, K+ chính là đơn vị tỏ ra sốt sắng nhất trong việc đàm phán để có trong tay bản quyền EPL. Hiện tại, K+ cơ bản đã có điều mình muốn với việc liên doanh Canal Plus hứa sẽ chuyển giao quyền khai thác EPL trên lãnh thổ Việt Nam. Song vấn đề lại nằm ở chỗ, phía Canal Plus vẫn chưa tiết lộ giá mua và số gói họ có trong tay. Chính sự mập mờ này khiến K+ có lý do để lo lắng, bởi chi phí 40 triệu USD bỏ ra là xác thực, rất khó để đơn vị này thu hồi vốn, chứ chưa nói đến chuyện sẽ bù số lỗ hơn 1.000 tỷ đồng kể từ khi thành lập. 

Kết cục nào cho K+?

Những khúc mắc xung quanh cuộc chuyển giao giữa Canal Plus và K+ sẽ phần nào được giải đáp tại cuộc họp Ban đàm phán mua bản quyền từ IMG dự kiến vào 26-2 tới. Song xét cho cùng, cuộc họp từng rất được kỳ vọng này sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa, bởi gần như chắc chắn Canal Plus đã sở hữu gói độc quyền ngày chủ nhật và các trận sớm ngày thứ 7 – gói giá trị nhất trong các gói bản quyền EPL, và sẽ chuyển giao cho K+. Về phần mình, K+ cũng gần như sẽ không chịu chia sẻ với các đài khác, bởi như vậy chẳng khác nào tự sát. Thứ mà các đài có thể vớt vát chính là các gói kém hấp dẫn còn lại. Thậm chí không loại trừ khả năng, nếu Canal Plus đã mua và chuyển giao toàn bộ các gói từ tay IMG cho K+, rất có thể những gói vớt vát nói trên sẽ được chia cho các đài thuộc “nhóm VTV” như K+, SCTV và các đài ngoài “nhóm VTV” hoặc phải chịu thiệt trong thương thảo chia sẻ hoặc đối mặt cảnh trắng tay.

Trở lại với con số 40 triệu USD mà Canal Plus thông báo phải bỏ ra để sở hữu bản quyền EPL (2013-2016). Dù mang danh chuyển giao, song chắc chắn nếu chấp nhận mua độc quyền, K+ sẽ phải chịu số tiền không thể thấp hơn. Và để tránh lỗ, K+ buộc phải tăng nhiều lần số lượng thuê bao hoặc phí thuê bao, hoặc cả hai. Song với giá cước đắt đỏ, người dân dần chuyển sang xu hướng xem EPL tại các quán Cà phê. phương án tăng lượng thuê bao gần như không thể. TGĐ K+ Cao Văn Liết thừa nhận trong bối cảnh kinh tế suy thoái, việc kinh doanh của nhiều đơn vị truyền hình trả tiền chứ không riêng gì K+ gặp khó khăn. Cách duy nhất để bũ lỗ chính là tăng phí thuê bao, và tất nhiên khi đó, người hâm mộ là nạn nhân. 

K+ đã tỏ ra khôn ngoan khi dùng cách “mượn” Canal+ đứng ra mua bản quyền sau đó nhượng lại để thoát búa rìu dư luận. Nhưng rốt cục, họ vẫn phải đối mặt với những chỉ trích, bị tẩy chay. Uy tín bị giảm thảm hại và giờ nếu bị người hâm mộ quay lưng, K+ coi như mất tất cả.