Vụ án làm thức tỉnh người Trung Quốc về mặt trái của các cơ sở cai nghiện Internet

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhóm 4 người điều hành một cơ sở cai nghiện Internet ở tỉnh Giang Tây đã bị kết án tù vì sử dụng các phương pháp điều trị bạo lực và vô nhân đạo đối với học viên. Phán quyết tạm khép lại vụ việc và thúc đẩy nhà chức trách siết chặt biện pháp quản lý các cơ sở cai nghiện Internet vốn rất phổ biến ở Trung Quốc thời gian gần đây.

Theo CNN, phán quyết được tòa án ở thành phố Nam Xương (tỉnh Giang Tây) đưa ra vào ngày 7-7-2020. Tòa án cho biết, Ngô Quân Báo, người sáng lập Học viện Dự Chương vào năm 2013, đã bị kết tội sử dụng các biện pháp trừng phạt quá nghiêm khắc mặc dù trường không được cấp phép chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Vị hiệu trưởng này và 3 giáo viên cũng nhận án tù vì tội tước đoạt quyền tự do của học sinh. Theo cáo trạng, 4 người nói trên đã biệt giam hơn 240 học viên trong 10 ngày trước khi các quan chức địa phương ra lệnh đóng cửa trường vào năm 2017.

Vụ án làm thức tỉnh người Trung Quốc về mặt trái của các cơ sở cai nghiện Internet ảnh 1Với số người dùng Internet đứng đầu thế giới, Trung Quốc cũng công nhận nghiện internet là một dạng rối loạn tâm thần 

Những liệu pháp cai nghiện Internet gây sốc

Thời kỳ xa xưa, Dự Chương Thư quán là một “lò luyện” cho các thí sinh thi tuyển làm quan thời phong kiến. Nó có lịch sử từ thế kỷ thứ 12 thời Nam Tống và đóng cửa vào năm 1898. Được xây dựng lại sau hơn 100 năm, bề ngoài, cơ sở này đặc biệt chú trọng đến rèn giũa cho trẻ em, như trẻ em bướng bỉnh, học kém, nghiện Internet và không thích học… thông qua võ thuật và nghiên cứu Nho giáo.

Tuy nhiên, trên thực tế, Dự Chương thời hiện đại giống như một nhà tù hơn là một trường học. Chuyên trang supChina.com có trụ sở tại New York cho hay, Học viện Dự Chương quảng cáo là cơ sở giúp đỡ học viên cai nghiện Internet bằng triết lý truyền thống của Trung Quốc. Nhưng theo tiết lộ của nhiều học viên cũ, ngôi trường này là nơi họ đã bị đánh đập, tra tấn và giam cầm.

Năm 2017, một số thanh thiếu niên từng theo học tại trường (hồi đó hầu hết dưới 18 tuổi) đã lên phương tiện truyền thông xã hội để vạch trần các phương pháp lạm dụng của các giáo viên, buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc điều tra. Trong một cuộc phỏng vấn với The Paper, một trong những nguyên đơn trong vụ án là học sinh trung học ở Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) kể lại rằng, vào ngày đầu tiên đến học viện, người hướng dẫn đã nhốt em trong phòng tối 1 tuần.

Những ngày sau, khi được thả ra, em đã phải chịu lao động rất nặng nhọc. Khoảng 3 tháng sau khi nhập học, học viên này đã cố tự tử bằng cách uống bột giặt. Cuối cùng, em đã được đưa về nhà vì phải vào bệnh viện điều trị. Các nạn nhân khác cũng kể rằng, học viện có khoảng 8 phòng tối và gần như ai mới đến đều phải ở đó khoảng 1 tuần.

Phòng nhỏ, sơn màu đen, không cửa sổ và không có gì ngoài chăn cùng một cái chậu để đi vệ sinh. Nếu chịu đựng được bước tôi luyện này, học viên được phép tham gia vào chương trình chính thức bao gồm thức dậy lúc 5h30 mỗi ngày để đọc sách. 

Học viện Dự Chương tuyên bố đã phát triển một hệ thống giáo dục toàn diện cho các học viên, bao gồm học tập nghiêm túc, lao động chân tay và trừng phạt nếu cần. Thực tế, bất kỳ ai vi phạm kỷ luật cũng bị phạt để không bao giờ lặp lại nữa. Vi phạm nhỏ có thể bị đánh bằng gậy gỗ, nhưng nếu phạm lỗi nghiêm trọng như hút thuốc, đánh nhau, hẹn hò, hoặc có ý định tự tử, học viên có thể bị phạt đòn bởi thanh thép to cỡ ngón tay.

Lựa chọn khó khăn của cha mẹ 

Nhiều phụ huynh Trung Quốc ngày nay hoặc nuông chiều, hoặc bỏ bê con cái của họ. Khi trẻ bắt đầu phản ứng lại, cha mẹ tìm đến các tổ chức như Dự Chương và tin rằng, nếu bỏ ra một số tiền thì những rắc rối sẽ được giải quyết, con cái họ sẽ ngoan trở lại.

Theo các nạn nhân, một khóa học 18 tháng tại học viện này mất khoảng 60.000 nhân dân tệ (tương đương 9.000 USD) và nếu quay lại sẽ được giảm học phí. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ gửi con đến những nơi như Dự Chương một phần vì họ đã tuyệt vọng, coi đó là giải pháp cuối cùng, nhưng cần thiết.

“Cảnh sát địa phương sẽ không làm bất cứ điều gì. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi con ở đâu đó” - cha của một cựu học viên nói với tờ Tin tức Bắc Kinh. Điều đó cũng chỉ ra rằng, một số cha mẹ Trung Quốc vẫn chấp nhận sử dụng bạo lực để đưa con cái họ vào khuôn khổ, đúng như quan niệm “yêu cho roi cho vọt”.

Nhưng thay vì sự tiến bộ như những gì trung tâm đã hứa với các bậc phụ huynh, nhiều học viên tại Dự Chương rời học viện với dấu hiệu rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Nếu không được điều trị đúng cách, những đứa trẻ này sẽ khó có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về thời kỳ sống ở học viện ấy. Theo trang Sixthtone.com thuộc hãng truyền thông Shanghai United Media Group, một cựu học viên chia sẻ rằng, điều làm cho em tổn thương nhất không phải là sự hành hạ về thể chất. “Tôi suy sụp khi nói với cha tôi rằng tôi cần sự giúp đỡ và ông ấy gửi tôi vào trung tâm. Tôi cho bố mẹ xem ảnh về những vết bầm tím trên cơ thể, nhưng họ nói họ không hối hận vì thấy rằng tôi đã trở thành một người tốt hơn. Nhưng không phải thế, tôi vâng lời chỉ vì rất sợ”.

Đáng tiếc, Học viện Dự Chương chỉ là phần nổi của tảng băng vì các tổ chức tương tự có thể được tìm thấy trên khắp Trung Quốc. Quảng cáo về họ bề ngoài có thể khác nhau, nhưng các mô hình cốt lõi là như nhau. Hầu hết bọn họ đều tuyên bố sẽ cung cấp phương pháp điều trị hiệu quả cho thanh thiếu niên nghiện Internet với chi phí phù hợp, nhưng các bậc cha mẹ lại không biết hoạt động thực chất là thế nào. Nhưng cuối cùng, các bậc cha mẹ cũng đã hiểu rõ nội tình. “Tôi thực sự hối hận khi gửi con đến một nơi như thế này mà không tìm hiểu thêm. Thấy quảng cáo của họ là tôi đăng ký luôn” - một bà mẹ có con từng học ở Dự Chương nói và kêu gọi tất cả các học viện tương tự phải đóng cửa.

Vụ án làm thức tỉnh người Trung Quốc về mặt trái của các cơ sở cai nghiện Internet ảnh 2Học viên tại cơ sở cai nghiện Internet Dự Chương, tỉnh Giang Tây tập võ thuật hồi tháng 12-2013

Ranh giới mong manh giữa nghiêm khắc và lạm dụng

Cơ sở nói trên là một trong hàng trăm trung tâm cai nghiện Internet được mở trên khắp Trung Quốc trong suốt 10 năm qua. Trung Quốc luôn có số người dùng Internet lớn nhất thế giới, với hơn 850 triệu người, trong đó khoảng 200 triệu người dùng là từ 15 - 35 tuổi. Hệ lụy của nó là vào năm 2008, nước này cũng chính thức công nhận nghiện Internet là một dạng rối loạn tâm thần, từ đó các trại cai nghiện Internet ngày càng phổ biến. 

Nhưng gần đây, các cáo buộc về việc lạm dụng thể chất tại các cơ sở này ngày càng gia tăng. Vào năm 2014, một cô gái 19 tuổi đã tử vong ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) sau khi bị giáo viên tại một trung tâm cai nghiện đánh đập. Trong một sự việc chấn động dư luận khác, một trung tâm điều trị nghiện Internet ở Lâm Nghi (tỉnh Sơn Đông) do Dương Vĩnh Tân điều hành được phát hiện sử dụng liệu pháp sốc điện để chữa trị cho hơn 6.000 bệnh nhân trẻ. Tháng 1-2017, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra quy định nghiêm cấm mọi cá nhân hoặc tổ chức lạm dụng, ép buộc hoặc sử dụng các phương pháp bất hợp pháp để điều trị nghiện Internet ở trẻ vị thành niên, cũng như cấm gây tổn hại cho sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của trẻ vị thành niên. Có như vậy, trẻ em nước này mới được an toàn, thoát khỏi que thép, sốc điện và phòng tối. 

Theo CNN, những năm gần đây, nhà chức trách Trung Quốc cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp làm giảm chứng nghiện Internet. Vào tháng 11-2019, Bắc Kinh đã công bố lệnh giới nghiêm, cấm những người dưới 18 tuổi vào mạng từ 22h đến 8h hôm sau. Vào các ngày trong tuần, họ có thể chơi tới 90 phút và tối đa 3 giờ vào cuối tuần. Trước đó, vào tháng 5-2019, chính phủ nước này đã đưa ra một hệ thống chống nghiện Internet cho trẻ em bằng cách thêm “chế độ vị thành niên” vào 18 trang web video phổ biến, giới hạn thời gian sử dụng và nội dung của người dùng.

Phán quyết liên quan đến Hiệu trưởng và giáo viên Học viện Dự Chương ở Giang Tây đã khép lại vụ việc nổi lên năm 2017, cảnh tỉnh nhà chức trách về hoạt động lạm dụng bạo lực trong điều trị cho thanh thiếu niên nghiện Internet. Nhưng trong phiên tòa, bị cáo chính Ngô Quân Báo khẳng định rằng việc đưa học sinh vào nơi biệt giam là hợp pháp và ông ta cũng từ chối công khai xin lỗi tất cả các nạn nhân.