Vụ án cha vợ chém chết con rể: Không cổ súy cho hành động giết người

ANTĐ - Liên quan đến vụ án cha vợ chém chết con rể xảy ra tại quận Gò Vấp, TP.HCM, hôm 14-5, 2 ngày qua, trên mạng xã hội, rất nhiều thành viên đã chia sẻ thông tin vụ việc, đồng thời bày tỏ sự cảm thông trước hành động bộc phát của hung thủ. Thế nhưng, dù là lý do gì đi chăng nữa thì việc tước đoạt đi sự sống của người khác đã vi phạm pháp luật, cần phải lên án.

Hành động sai lầm của người cha

Chiều 14-5, anh Tôn Thanh V. (SN 1982, trú tại quận Gò Vấp, TP.HCM) sau khi đi nhậu về, đứng trước nhà ông Nguyễn Văn Nam (SN 1958, trú tại hẻm số 27 đường số 3, phường 13, quận Gò Vấp) - là cha vợ của anh V., để chửi bới các thành viên gia đình vợ. Ông Nam có phản ứng, khuyên nhủ, nhưng không được. 

Lúc này chị Nguyễn Thị Ngọc D (SN 1987, là con ông Nam, là em vợ của V.) vừa đi làm về thì bị V. xô ngã. Không kiềm chế được ông Nam đã lấy 1 dao phay từ trong nhà chạy ra, tấn công đâm chém nhiều nhát vào đầu, vai khiến con rể tử vong tại chỗ. 

Sau khi gây án, ông Nam bình thản dùng xe gắn máy chở thi thể con rể thẳng đến trụ sở Công an phường 13, quận Gò Vấp, gần đó để đầu thú, khai báo toàn bộ hành vi phạm tội.

Theo người dân quanh đó, trong quá trình chung sống, V. thường xuyên chửi mắng, đánh đập vợ con, khiến người vợ phải bỏ về nhà cha mẹ ruột để ở. 

Thế nhưng mỗi lần say xỉn, V. lại quay về nhà cha mẹ vợ, la hét, chửi bới, thậm chí đe dọa giết cả gia đình vợ. Ông Nam cùng gia đình không dám phản kháng, cho đến khi xảy ra sự việc đau lòng trên.

Vụ án cha vợ chém chết con rể: Không cổ súy cho hành động giết người ảnh 1Sau khi ra tay sát hại con rể, ông Nam chở thi thể nạn nhân đến cơ quan Công an đầu thú

Ngay khi thông tin này được đăng tải, vụ án đã thu hút được sự quan tâm, chia sẻ của dư luận, tạo nên một làn sóng trên các trang mạng xã hội. Ở góc độ gia đình và là một người cha, ông Nam nhận được sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng mạng. 

Những người này cho rằng, hành động của ông Nam là do “tức nước vỡ bờ” hay “con giun xéo mãi cũng quằn”; là vì ông Nam xót con, thương cháu. Và bởi vậy, hành động sát hại anh V. của ông Nam được cho là “đáng thương hơn đáng trách”.

Tuy nhiên, ở góc độ xã hội, việc ông Nam tự cho mình quyền tước đoạt đi mạng sống của người khác là hành vi không thể chấp nhận được. 

“Lẽ ra ông nên khuyên con gái nên ra tòa li dị vì bị chồng bạo hành, toà sẽ giải quyết. Đằng này ông lại lạnh lùng ra tay sát hại con rể. Cuối cùng người thiệt thòi lại chính là ông, là con gái ông. Con gái ông vui được không khi chồng chết, cha ngồi tù? Chưa kể cháu ngoại của ông, còn nhỏ đã mất cha, mà người ra khiến cha nó chết lại chính là ông ngoại nó…”, thành viên Duy Hùng bày tỏ.

Cùng chung quan điểm này, facebooker Phạm Tú Anh viết: “Thương con cái nỗi gì khi vung dao chém người? Đó là thời khắc thú tính lên ngôi, máu điên không kiềm chế được. Thương con nỗi gì khi đẩy cho con cái tiếng cha chém chồng, phụ tử tương tàn muôn đời không rửa được? Thương cháu cái nỗi gì khi đoạt mạng cha nó?...”.

Facebooker Phạm Tú Anh cũng cho rằng, nếu thương con, ông Nam phải dạy cho con gái ông đủ thứ để đối phó với cuộc đời, phải làm chỗ dựa cho con khi thất bại trong hôn nhân, dạy con cách buông bỏ khi không thể. Đồng thời khẳng định: “Mạng sống là thứ bất khả xâm phạm, không ai được phép và không vì bất kỳ lý do gì mà một người được quyền tước đoạt mạng người kia”.

Nghi can Nguyễn Văn Nam

Với thành viên Gia Minh: “Dù kẻ xấu xa kia có ác đến đâu thì cũng không đến nỗi ghê rợn như Nguyễn Hải Dương hay những tên tội phạm nguy hiểm khác. Pháp luật có thể sẽ không trừng trị hết tất cả kẻ xấu, nhưng cũng không nên ra tay giết người như vậy”.

Thành viên Trịnh Ngọc Luân thì cho rằng, dù với bất kỳ lý do gì, thì việc ông Nam tự cho mình quyền tước đoạt mạng sống của anh V. là không thể chấp nhận được và dư luận cần phải lên án, không nên cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật này.

Bản án nào cho người cha lầm lỗi

Trao đổi với PV báo ANTĐ, luật sư Bùi Sinh Quyền – Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, mặc dù hành động của ông Nguyễn Văn Nam xuất phát từ tình thương yêu dành cho con cái, tuy nhiên, hành vi chém người của ông Nam xét cho cùng vẫn đã vi phạm pháp luật, là tội ác, cần phải xử lý.

Theo luật sư Quyền, trường hợp của ông Nam không thể được xem là thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết theo quy định tại điều 16 Bộ luật Hình sự 1999 hoặc phòng vệ chính đáng tại điều 15 Bộ luật Hình sự 1999 nên không loại trừ trách nhiệm hình sự. 

Tuy nhiên, cần lưu ý trạng thái tinh thần của ông Nam vào thời điểm đó, nếu có căn cứ cho thấy, hành vi phạm tội của ông Nam là do bị kích động mạnh từ hành vi của người con rể, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 95 Bộ luật Hình sự 1999: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. 

Luật sư Bùi Sinh Quyền – Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ, Đoàn luật sư TP Hà Nội

Theo đó, người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp không có căn cứ xác định ông Nam ra tay sát hại anh Tôn Thanh V. trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì nhiều khả năng ông Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 93 Bộ luật Hình sự về tội giết người.

Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999, luật sư Quyền cho biết, nếu có căn cứ cho thấy, hành vi phạm tội của ông Nam là do bị kích động mạnh từ hành vi của người con rể, thì theo điểm đ, khoản 1, điều 46 Bộ luật Hình sự 1999, đó sẽ là một tình tiết giảm nhẹ cho ông Nam. 

Ngoài ra, việc ông Nam sau khi sát hại anh Tôn Thanh V., đã đến cơ quan Công an để đầu thú, cũng là một căn cứ để xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm o, khoản 1, điều 46 Bộ luật Hình sự 1999.

Nếu thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, thì đó sẽ lại là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với ông Nam.

Và theo Điều 47 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về việc quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của điều luật thì: Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật; trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.

Cũng theo luật sư Quyền, dựa trên những thông tin hiện tại, nhiều khả năng, ông Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 95 Bộ luật Hình sự 1999: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Dù với bản án nào thì nỗi đau ông Nam để lại cho con, cháu cũng vô cùng nặng nề, đau xót, chưa biết khi nào nguôi.