Vụ ầm ĩ giữa cô giáo Lê Na và học viên: Tới lúc cần sự khách quan dư luận!

ANTĐ - Dịp cuối tuần này, cư dân mạng trong nước được phen “sôi sục” khi chứng kiến video to tiếng giữa cô giáo Phạm Nguyễn Lê Na (thuộc Trung tâm Anh ngữ Lê Na) với 2 học viên vì bất đồng trong chương trình học. Thế nhưng, trong hoàn cảnh đó, người ta mới thấy vai trò quan trọng của thông tin khách quan và đánh giá khách quan, thay vì đổ hết trách nhiệm và sự chỉ trích vào “cô giáo Bọ Cạp”.

Dưới đây là video đầy đủ của sự việc:

Vụ việc đáng tiếc nói trên trở nên ầm ĩ chủ yếu do sự lan truyền trên mạng xã hội Facebook và mạng chia sẻ video YouTube. Ở đó, người ta không dễ để tìm được sự khách quan, trung thực trong việc cung cấp thông tin, cũng như trong khả năng nhìn nhận, đánh giá của người xem.

Ban đầu, nhiều người tỏ ra bất ngờ và thậm chí “hào hứng” chứng kiến một cô giáo nổi xung, tự xưng mình là “sinh ở cung Bọ Cạp” và sẽ có biện pháp xử lý đích đáng đối với những học viên thiếu tôn trọng cô. Sau đó, như một phản xạ tự nhiên, phần đông dư luận đặt cô giáo này vào vai trò là “người dạy chữ” để đòi hỏi sự chuẩn mực ở lời ăn tiếng nói, cách cư xử… Và đương nhiên, khi chứng kiến cách gọi “mày tao”, cùng chất giọng “tông cao” của cô giáo thì “dư luận” – gồm rất nhiều người chỉ vừa mới biết đến nhân vật trong clip – đã lập tức “ném đá” dữ dội, rằng “Là cô giáo thì phải…”, hay “Đừng vơ đũa cả nắm với cung Bọ Cạp…”

Thông tin từ mạng xã hội chỉ thực sự có giá trị khi đảm bảo được yếu tố khách quan

Nhưng nếu bình tâm suy xét, đơn giản có thể chỉ là xem kỹ lại toàn bộ nội dung clip đầy đủ về màn tranh cãi, thì người ngoài cũng sẽ có nhận định khách quan hơn cho mình.

Trong đó, các học viên xuất hiện trong clip cũng… không phải “tay vừa”. Họ quyết liệt đeo bám, và khi cảm thấy không giải quyết được thì học viên nam đã xông vào giật nhàu tờ giấy trong tay cô giáo Lê Na. Nếu không có sự can thiệp của những học viên khác tại đó thì không biết sự việc sẽ còn diễn biến theo chiều hướng xấu như thế nào (khi học viên không kiềm chế được bản thân).

Vụ ầm ĩ giữa cô giáo Lê Na và học viên: Tới lúc cần sự khách quan dư luận! ảnh 2Ban đầu học viên (bên phải) xông vào giằng co tờ giấy với cô giáo Lê Na (đứng giữa)...

....sau đó ở đoạn cuối clip, cô giáo này không còn giữ được bình tĩnh, xưng "tao" gọi "mày"
đối với học viên, đồng thời đe sẽ đến nơi học chính của học viên này, nói với hiệu trưởng nhằm mục đích "hạ hạnh kiểm loại học sinh vô học"

Nếu là một người bình thường trong hoàn cảnh đó, hẳn nhiều người sẽ không chịu được cách cư xử đầy tính xúc phạm như vậy đến từ một đối tượng có tuổi đời trẻ hơn mình nhiều. Và khi đó lại là một giáo viên - nghề nghiệp vốn "mặc định" được xã hội tôn trọng – thì sẽ càng khó khăn hơn để giữ bình tĩnh trước hành vi thách thức đó.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là cô giáo Lê Na “hoàn toàn đúng” trong sự việc rùm beng đã qua, nhưng rõ ràng, chúng ta không thể đổ hết trách nhiệm và sự chỉ trích lên người phụ nữ “cung Bọ Cạp” này.

Và quan trọng hơn nữa, qua sự việc nói trên, chúng ta mới thấy khi Facebook, YouTube trở thành… nguồn tin chính, trong khi người xem không đủ tỉnh táo và công tâm để đánh giá thì nhân vật chính xuất hiện trong những vụ lùm xùm “kiểu cô giáo Lê Na” sẽ còn phải nhận nhiều lời nhận xét ác ý và thậm chí bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ việc.

Bị truyền tải qua những "lăng kính méo mó", sự việc có thể hoàn toàn đổi trắng thay đen

Trước đó, câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra với ca sỹ Lệ Quyên khiến “người trong cuộc” phải sống trong sự chỉ trích khó tin của dư luận, trước khi tự đưa lời giải thích được nhiều người chấp nhận sau đó.

Ngoài ra, sự thiên kiến, phản ánh lệch lạc qua Facebook, YouTube… còn được thể hiện ngay trong vụ việc của cô giáo Lê Na khi ở một số “dị bản” clip đăng tải sau đó đã cắt bỏ đoạn học viên xông vào giật giấy trong tay cô giáo này, chỉ còn cảnh cô Lê Na cao giọng thể hiện sự giận dữ của mình. Nếu lần đầu xem những “dị bản” clip này, hẳn nhiều người sẽ càng đổ lỗi cho cô Lê Na hơn.

Hẳn chúng ta vẫn chưa quên một bộ phim Mỹ khá thú vị mới ra rạp gần đây: Siêu đầu bếp (Chef). Trong phim, bếp trưởng Carl Casper đã đánh mất tất cả, từ công việc tới danh tiếng, sau khi bị chê bai qua mạng xã hội Twitter. Anh đã không thể tìm được việc làm, chán nản mọi thứ, sau phút giây không kiềm chế và to tiếng với nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng. Khi clip quay cảnh cãi vã này phát đi, người bếp trưởng tài ba đã không thể cứu vãn được gì, trong khi, nhiều người đón nhận thông tin qua những nguồn tin thiếu khách quan như vậy thì luôn dễ dàng chỉ trích, mỉa mai “nhân vật chính”.

Nhưng một khi hiểu rằng phía sau một con người, một cuộc cãi vã, một video clip… luôn có một câu chuyện với đầy đủ tình tiết, thì có lẽ một người đủ lý trí sẽ không bao giờ vội vã kết luận và chỉ trích, cho tới khi biết được hết câu chuyện đó.