VPF ồn ào, VTV im lặng

ANTĐ - Những tranh cãi về vấn đề bản quyền đã đi sang một hướng mới sau khi VPF và AVG gặp nhau thảo luận tìm hướng giải quyết, đồng thời đại diện của VPF tuyên bố đã ký được bản ghi nhớ về hợp đồng bản quyền truyền hình với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với giá 76 tỉ đồng. Thông tin này mới chỉ được VPF nói ra, còn bên kia vẫn im lặng chưa chính thức xác nhận.

Mọi quyết định phải vì lợi ích của người hâm mộ

Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, trong buổi làm việc với Chủ tịch HĐQT AVG Phạm Nhật Vũ ngày 21-2, ông Kiên nêu mong muốn của VPF là AVG sang ngang hợp đồng bản quyền mà VFF ký với AVG có giá 6 tỉ đồng/năm, lũy tiến tăng 10% cho VPF để VPF bán lại cho Đài truyền hình Việt Nam với giá thấp nhất là 70 tỉ đồng trong 3 năm. Số tiền thu được từ tiền bán bản quyền sẽ được các câu lạc bộ đầu tư để phát triển đội bóng. Thông tin này còn được Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức nói mạnh là hợp đồng bản quyền mới có giá 70, thậm chí 100 tỉ đồng. Ai nghe cũng thấy bất ngờ nếu so sánh với con số 6 tỉ đồng một năm, ba năm tròm trèm cũng chỉ được 21, 22 tỉ đồng mà VFF bán cho AVG.

Nhưng sự thực liệu có phải như thế không? Liệu các CLB có nhận được miếng bánh lợi nhuận bản quyền truyền hình hấp dẫn và nhiều như thế không? Điều này vẫn chưa biết bởi đến nay, chưa có đại diện nào của VTV công khai tuyên bố là VTV và VPF đã ký bản ghi nhớ thỏa thuận rằng VTV mua bản quyền ba giải đấu Vô địch quốc gia, hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia của VPF với giá 76 tỉ đồng. Điều này thật sự lạ và mọi người có thể đặt câu hỏi về tính minh bạch về giá trị thật của hợp đồng (khi VPF đủ tư cách pháp lý).

Lạ là ở chỗ, trong khi VPF ồn ào về “hợp đồng bom tấn” và rất hoan hỉ hài lòng này thì VTV vẫn cứ im hơi lặng tiếng. Trong việc mua - bán, kinh doanh thì phải thuận mua vừa bán, hai bên phải hài lòng và vui vẻ khi đạt được sự đồng thuận. Nhưng ngược lại sự vui vẻ của VPF thì người ta thấy sự “không bình thường” từ phía VTV. Là Đài truyền hình quốc gia có uy tín nhất trong số các đài truyền hình hiện nay, VTV hoàn toàn có quyền đưa ra những yêu cầu nhất định và mặc cả cái giá phải chăng khi mua bản quyền truyền hình các giải bóng đá quốc gia.

Nói vậy là bởi, hai năm trước 2010, 2011, VTV chỉ phải mất 3,9 tỉ đồng cho việc mua bản quyền truyền hình các giải đấu cho cả một mùa, thì năm nay họ bỏ ra 76 tỉ để mua. Nhẩm ra thấy mức giá đó cao hơn 6 lần so với năm ngoái. VTV sẽ lấy tiền ở đâu để mua bản quyền? VTV có thực sự dám bỏ ra số tiền nhiều như vậy hay không khi đây là đài quốc gia, 100% ngân sách là của nhà nước. Việc thông qua số tiền lớn như vậy để mua bản quyền liệu có dễ dàng không?

Chưa biết thực hư bản ghi nhớ và có thể sẽ là hợp đồng chính thức sắp tới ra sao, nhưng trả lời báo chí về bản ghi nhớ thỏa thuận này, ông Nguyễn Thành Lương - Phó TGĐ Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: “VTV có 15 phút quảng cáo giữa các trận bóng đá. Nếu VPF có thể tạo được sự đồng thuận để ông chủ các đội bóng quảng cáo trên VTV, thì con số đó không chỉ dừng ở trên 70 tỷ đồng/3 năm, mà có thể nhiều hơn thế chứ. VTV chỉ đứng trung gian, dùng tiền của các đội bóng trả lại cho họ chứ cũng không lợi nhuận gì”.

Như vậy, có thể hiểu, VTV không lấy tiền ngân sách của nhà nước đi mua bản quyền mà tiền đó sẽ do các CLB đóng tiền quảng cáo hàng năm cho VTV và VTV sẽ trả lại cho các CLB tiền phí mua bản quyền. Như vậy, bài toán đặt ra là liệu các CLB sẽ có lãi không khi được VPF chia tiền bản quyền được bán với giá 76 tỉ đồng 3 năm? Tiền bản quyền được bán cho VTV khi thu về liệu có nhiều không để các CLB tái đầu tư? Cái đó không ai dám chắc, nhưng chỉ biết rằng, quảng cáo trên truyền hình rất đắt, cứ 10-15 giây đã “xơi tái” 20-40 triệu đồng (tùy khung giờ). Một năm nếu phải ký vài chục shot quảng cáo thì sẽ mất rất nhiều.

Trong khi hợp đồng với AVG khá rõ ràng dù con số 6 tỉ/mùa nếu so với 76 tỉ ba mùa (mỗi mùa 25,3 tỉ đồng) thì quá chênh lệch nhưng các CLB được ăn “tiền tươi thóc thật”. Với hợp đồng VFF ký với AVG hiện nay, mỗi năm các CLB sẽ có ít nhất 100 triệu tiền bản quyền, chưa kể 30% lợi nhuận bản quyền hàng năm sẽ được AVG chia lại cho VFF. Đây là con số vô hình bởi lợi nhuận cao hay không còn phụ thuộc vào chất lượng giải đấu, vào khả năng mời gọi quảng cáo.

Thêm nữa, nếu VTV hợp tác với AVG, họ sẽ được AVG chia lại 50% tiền quảng cáo mà họ khai thác được, trong khi mỗi trận đấu họ mua chỉ mất 30-35 triệu đồng/trận (nếu sản xuất), còn nếu tiếp sóng sẽ được AVG miễn phí.

Những điều đó cho thấy, VTV và VPF đang có những bất lợi nhất định nếu sở hữu bản quyền và hợp tác, trong khi việc AVG sở hữu bản quyền sẽ mang lại lợi nhuận tăng dần đều hàng năm cho VFF và các CLB. Không chỉ vậy, lợi nhuận mà AVG thu được sẽ được đơn vị này ủng hộ 100% cho các Liên đoàn và các hoạt động phát triển thể thao Việt Nam.