VPF làm việc với AVG: Căng thẳng tạm chùng xuống

ANTĐ - Sau nhiều tháng tranh chấp, hôm nay 21-2, VPF và AVG đã có buổi làm việc chính thức đầu tiên, mà theo Chủ tịch HĐQT AVG - ông Phạm Nhật Vũ là “ba mặt một lời”, để giải quyết các vấn đề xung quanh bản quyền truyền hình.

Tổng cục TDTT hoan nghênh việc VPF ngồi lại với AVG để giải quyết khúc mắc

Tại cuộc gặp, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ tiếp tục khẳng định sẵn sàng đàm phán thỏa thuận với VPF khi công ty này có đủ điều kiện pháp lý và tôn trọng bản hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG. Về phần mình, VPF tiếp tục yêu cầu xem xét lại bản hợp đồng trên, theo hướng có lợi nhất cho bóng đá Việt Nam. Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên nêu ra 2 nguyên tắc: Một là, phải để VTV được truyền hình nhiều nhất trên các kênh quảng bá để phục vụ cho người hâm mộ. Hai là, số tiền phải nhiều hơn so với bản hợp đồng đã ký, nhằm tăng nguồn thu cho các CLB và tạo điều kiện cho BĐVN phát triển.

Trước đó, Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức từng khẳng định trước báo chí, rằng VPF đã ký biên bản ghi nhớ với Đài VTV với số tiền lên tới 76 tỷ/3 năm. Điều này đã được người đồng cấp Nguyễn Đức Kiên nhắc lại trong cuộc trao đổi vào chiều qua. “Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chúng tôi sẽ chính thức ký hợp đồng. Phạm vi bản hợp đồng sẽ dừng lại các giải thuộc VPF quản lý, không gồm các giải khác thuộc quản lý của VFF như ĐTQG”, ông Kiên nói.

Tại cuộc họp báo hôm 19-2, AVG tuyên bố sẵn sàng bỏ toàn bộ 100% lợi nhuận từ bản quyền truyền hình để chi cho VFF, các liên đoàn thể thao, quỹ hỗ trợ VĐV... Bày tỏ chính kiến về vấn đề trên, ông Kiên cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng ý với kế hoạch của AVG trên tinh thần vì sự phát triển của thể thao Việt Nam. Đóng góp là tốt nhưng cần phải xem mức đóng góp đó thế nào. Số tiền 6 tỷ (cộng lũy tiến 10%) mỗi năm mà AVG chấp thuận trả trong hợp đồng là quá ít, trong khi VPF khẳng định có thể trả cao hơn số đó gấp nhiều lần để bóng đá Việt Nam không phải chịu thiệt”.

Trên quan điểm này, VPF đề nghị hợp tác với AVG bằng việc mua lại bản quyền truyền hình với giá 70 tỷ đồng trong ba mùa giải (2012-2014). Phía AVG cho biết sẽ xem xét những đề nghị của VPF và trong vòng 7 ngày sẽ có câu trả lời. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, nhiều khả năng VPF sẽ kiến nghị các thành viên BCH VFF tổ chức Đại hội bất thường nhằm xem xét việc thay đổi các điều khoản, thậm chí là thanh lý bản hợp đồng với AVG. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên thì “đó là phương án cuối cùng và tôi mong rằng nó sẽ không xảy ra”.

Ngay sau buổi họp trên, Tổng cục TDTT đã tổ chức cuộc họp với đại diện VFF, VPF và AVG nhằm xem xét lại các vấn đề nóng của BĐVN, đồng thời xoa dịu căng thẳng giữa các bên. Tại cuộc họp, đại diện VPF đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục TDTT công tác tổ chức của các vòng đấu đã qua; đề nghị sớm duyệt Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp 2012 và đổi tên giải thành V-Super League; đồng thời xin thành lập Tiểu ban Kỷ luật và Ban Đạo đức. Sau khi nghe báo cáo, Tổng cục trưởng Vương Bích Thắng nhắc nhở VPF cần siết chặt an ninh giải hơn nữa, dập tắt tình trạng đốt pháo sáng và đặc biệt là không để VĐV mang băng zôn có nội dung đả kích, lời lẽ thiếu xây dựng… vào sân. “Về cơ bản, Tổng cục đồng ý với đề xuất thành lập Tiểu ban Kỷ luật và Ban Đạo đức nhưng cần tìm người đủ trình độ, phù hợp đảm trách. Về việc đổi tên giải, VPF cần làm văn bản giải trình để Tổng cục xem xét và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ chủ quản”, ông Thắng nói.

Một vấn đề khác được đặc biệt quan tâm đó là việc thông qua Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp mùa giải 2012. Thực tế suốt 6 vòng đấu qua, giải VĐQG và hạng Nhất vẫn phải sử dụng quy chế mùa giải cũ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi không đáng có giữa VFF và VPF trong việc gọi tên giải đấu. Trả lời vấn đề này, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết: “Trong tuần này, VFF sẽ lấy ý kiến các bên để sửa đổi, bổ sung trước khi trình Bộ VH-TT&DL duyệt. Hy vọng, quy chế mới sớm được thông qua và có thể áp dụng từ các vòng đấu tới”.

28-2, VFF bầu Tổng thư ký

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã bác bỏ thông tin VFF đã nhắm ông Dương Nghiệp Khôi nắm quyền TTK VFF. Hiện VFF mới nhận được ý kiến đề xuất của 16/23 ủy viên Ban chấp hành VFF. Trong đó, có 4 ứng viên nổi bật gồm các ông Ngô Lê Bằng (cựu HLV ĐTQG nữ), ông Phạm Ngọc Viễn (Phó Chủ tịch VFF), Dương Nghiệp Khôi (Phó TTK VFF) và Phan Anh Tú (TTK LĐBĐ Hà Nội). Ngày 28-2 tới, BCH VFF sẽ nhóm họp để giải quyết các vấn đề nóng của BĐVN, đặc biệt là việc bầu người nắm giữ 2 vị trí đang trống là TTK VFF và HLV ĐTQG. “Cơ hội vẫn chia đều cho tất cả song ứng viên nào nhận được nhiều đề xuất của BCH sẽ gần như chắc chắn được chọn”, ông Hỷ nói.