VPF đề nghị mua lại bản quyền của AVG: Bí mật được hé lộ

ANTĐ - Chấp thuận nhượng lại bản quyền truyền hình trong 3 năm cho VPF đồng nghĩa AVG xuống nước trước “đối thủ” trong cuộc chiến bản quyền truyền hình. Điều này chỉ xảy ra nếu nó mang lại lợi ích cho các bên.

Nụ cười “bầu” Kiên

Khi “cuộc chiến” bản quyền truyền hình còn chưa xác định người thắng cuộc, người ta đã thấy Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cười rất tươi sau cuộc thương lượng với AVG.  Lạ hơn ở chỗ, tại cuộc gặp đó, VPF gần như không đả động đến bản hợp đồng ký với VFF, mà chỉ yêu cầu AVG nhượng lại bản quyền truyền hình 3 năm (2012-2014) với giá 70 tỷ đồng/3 năm, đồng thời yêu cầu VTV được truyền hình nhiều nhất trên các kênh quảng bá để phục vụ cho người hâm mộ.

Trước đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên khẳng định trên báo chí, VPF sẽ làm ăn có lãi ngay tại mùa giải 2012 nhưng bằng cách nào thì… “xin không tiết lộ”. Bí mật dần được giải mã khi các điều khoản trong biên bản ghi nhớ mà VPF ký với VTV dần được hé lộ.

Theo đó, VTV sẽ mua lại bản quyền với giá 76 tỷ/3 năm, cộng lũy tiến 15% mỗi năm. Theo tiết lộ của lãnh đạo VTV thì lý do chấp nhận “giá trên trời” đó là vì VPF hứa sẽ kêu gọi quảng cáo từ các đội bóng trong 15 phút nghỉ giữa mỗi trận (ước tính mỗi năm thu về 30 tỷ đồng). VTV sẽ lấy số tiền này trả cho VPF, còn VPF sẽ trả cho các CLB theo phần trăm cổ đông. Như vậy, VTV không phải “mất không” tiền mua bản quyền như các năm trước, trái lại còn có lãi, VPF cũng có khoản lãi nhất định, còn các ông chủ đội bóng vừa quảng bá được thương hiệu của mình trên truyền hình, vừa có nguồn thu từ tiền bản quyền VPF chia lại. Điều này đồng nghĩa, nếu thỏa thuận trên có hiệu lực cả VPF, VTV lẫn các CLB đều có lợi và nó chỉ xảy ra khi AVG - đơn vị hiện nắm toàn quyền thương quyền trong 20 năm, chấp thuận đề nghị nhượng lại bản quyền truyền hình trong 3 năm cho VPF.

AVG sẽ gật đầu?

Sau khi VPF có công văn xin chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bên “bảo đảm Giải bóng đá quốc gia được các đài truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân”. Điều này khiến chính AVG rơi vào thế khó, bởi không thể độc quyền phát sóng, trong khi vừa phải bỏ thêm tiền để sản xuất sau đó thậm chí phải “biếu không” các đài khác để đảm bảo số trận đấu được phủ sóng rộng rãi trên sóng truyền hình như chỉ đạo của Thủ tướng. Là một đơn vị kinh doanh, chắc hẳn AVG sẽ không chấp nhận “làm không công” như vậy, nhưng cũng không thể độc quyền phát sóng. Bởi người Việt muốn xem bóng đá Việt lại phải bỏ tiền mua đầu thu, đóng tiền phí mới được xem, trong khi chất lượng giải lại thấp… hẳn sẽ bị dư luận bức xúc, điều này đồng nghĩa với tiêu chí ban đầu là quảng bá thương hiệu mà AVG đặt ra bị phá sản.

Ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhiều khả năng AVG sẽ gật đầu với đề nghị của VPF. Ít nhất là sau khi nhượng lại bản quyền trong 3 năm, AVG sẽ “nhẹ gánh” hơn khi không phải lo ngay ngáy việc sản suất phát sóng các trận đấu, lại có nguồn thu lớn 70 tỷ/3 năm (gấp 3-4 lần số tiền “vốn” bỏ ra khi mua lại từ VFF), trong khi về lý, họ vẫn là đơn vị nắm quyền quyết định thương quyền các giải bóng đá Việt Nam trong 20 năm.