VPF "đè" lên luật?

ANTD.VN - Quyết định thành lập tiểu ban phân công trọng tài gồm 4 thành viên (3 người thuộc Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, 1 người thuộc Ban Trọng tài) của Hội đồng quản trị Công ty VPF đã vấp phải nhiều ý kiến phản biện.

Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức cho rằng lập ra tiểu ban này không giải quyết được gì, vì mấu chốt vấn đề trọng tài Việt Nam nằm ở vị trí Trưởng ban và chỉ có cách chức ông Nguyễn Văn Mùi mới hy vọng có thay đổi.

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải đánh giá động thái của VPF vẫn chỉ là cách làm nửa vời: “Suốt thời gian dài qua từ dư luận tới cầu thủ, đội bóng đều bất bình về công tác trọng tài. Vậy tại sao không thử thay ông Mùi để chọn một người mới đủ năng lực và uy tín lên thay, cải tổ lại Ban Trọng tài?”.

Dưới góc nhìn của mình, chuyên gia Trịnh Minh Huế chỉ ra quyết định lập tiểu ban của VPF chỉ là một trong vô số điều trái khoáy đã và đang tồn tại trong bóng đá Việt Nam.

Ông Huế dẫn chứng: “FIFA nghiêm cấm trọng tài, Ban Trọng tài phát biểu sau trận đấu hoặc có liên quan đến thi đấu nhưng thực tế chuyện này vẫn thường xuyên xảy ra ở V-League. Ban Trọng tài về nguyên tắc hoạt động độc lập nhưng trong thời gian dài, ông Trưởng ban lại có chân trong BTC giải lẫn Ban chấp hành VFF, mà đây là điều FIFA tuyệt đối cấm. Nay VPF muốn đưa 3 người của mình can thiệp vào việc phân công trọng tài vốn là đặc quyền của Ban Trọng tài, tiếp tục là một quyết định chẳng giống ai”.

Rất nhiều vấn đề đặt ra cho VFF lẫn VPF nếu tiểu ban nói trên ra đời, trong đó có việc phải trả lời công luận về quyết định đi ngược với nhiều luật, điều lệ, đồng thời phải giải tỏa thắc mắc: “Có tiểu ban phân công trọng tài đồng nghĩa Ban Trọng tài không còn tác dụng thì nên giữ hay bỏ?”.

Mục đích của VPF khi lập tiểu ban này là để phá bỏ “lợi ích nhóm” chi phối tới việc phân công trọng tài, đảm bảo tính minh bạch, công tâm trong các tiếng còi trên sân cỏ V-League. Có điều, cách làm của VPF “đè lên luật” rất khó thuyết phục người trong cuộc và trước mắt đã bị chính Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi “tố” phạm luật.