VPF đã có điều mình muốn

ANTĐ - “Cuộc chiến” thương quyền các giải đấu trong nước giữa AVG-VFF và VPF đã kết thúc hơn 2 tháng qua với việc AVG chấp thuận “cho không” VPF. Song phải đến hôm qua 13-7, công ty này mới chính thức sở hữu thương quyền.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam - đơn vị nắm thương quyền các giải bóng đá Việt Nam, mới có công văn số 527 gửi công ty VPF hôm 13-7.

Công văn có đoạn: “Căn cứ Biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá theo Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG được ký giữa Công ty cổ phần Viễn thông & Truyền thông An Viên, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). VFF đồng ý giao quyền khai thác thương quyền truyền hình các giải bóng đá gồm: Giải bóng đá vô địch quốc gia - Eximbank 2012; Giải bóng đá hạng nhất quốc gia - Tôn Hoa Sen 2012; Giải bóng đá Cúp quốc gia - Nhựa Hoa Sen 2012; và trận Siêu cúp quốc gia 2012 cho Công ty VPF.

VPF từng tuyên bố có thể thu lời 500 tỷ/năm từ thương quyền các giải bóng đá Việt Nam

Trên thực tế, từ vòng đấu thứ 15, VPF đã được phép triển khai việc khai thác thương quyền truyền hình 4 giải đấu trên.

Trước đó theo cam kết với AVG, VPF phải đáp ứng 3 điều kiện:

1. Việc chuyển nhượng thương quyền từ AVG sang VPF phải được sự đồng ý của VFF, do AVG chỉ là một bên trong bản hợp đồng trên.

2. Do AVG đã thỏa thuận với VTV và VTC về việc chia sẻ 70% thương quyền truyền hình cho hai đài này nên sau khi tiếp quản hợp đồng, VPF cần giữ nguyên cam kết này.

3. VPF phải đảm bảo mỗi năm đem lại tối thiểu 50 tỷ đồng cho bóng đá VN từ bản quyền truyền hình các giải đấu.

Thời điểm này, 2 tiêu chí trên đã được VPF đáp ứng. Tuy nhiên còn tiêu chí cuối, dù lãnh đạo VPF đã nhiều lần đăng đàn khẳng định sẽ kiếm từ 50 đến 100 tỷ trong mùa giải đầu tiên từ thương quyền các giải bóng đá, xong vẫn phải chờ đến cuối mùa giải, khi Công ty này thông báo tổng kết thu chi mới có thể khẳng định có chấp hành đúng thỏa thuận với AVG hay không.

Song với việc kêu gọi được 10 thành viên (là các doanh nghiệp có lãi suất trên 1.000 tỷ/năm), lập thành Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam, có lẽ không khó để VPF hoàn thành cam kết.