VPF chính thức có thương quyền các giải bóng đá

ANTĐ - Sáng nay 23-4, AVG đã ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng thương quyền bóng đá Việt Nam cho VPF.

Cuộc họp với sự tham dự của 3 bên, bao gồm bên A là Công ty Cổ phần Viễn thông & Truyền thông An Viên (AVG) do Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vũ làm đại diện, bên B là Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) do Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng làm đại diện và bên C là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) do Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng làm đại diện.

Để có thương quyền, VPF phải cam kết kiếm trên 50 tỷ/năm cho BĐVN (Ảnh Thuần Thư)

Sau khi trao đổi, thảo luận với mục tiêu tất cả vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, các bên thống nhất ký kết thực hiện các nội dung sau:

Điều 1. Bên A đồng ý thanh lý toàn bộ hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG đã giữa bên A và bên C trên cơ sở cam kết của bên B về việc khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu do bên B được ủy quyền tổ chức với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm (Năm mươi tỷ đồng một năm) kể từ năm 2013 trở đi để tăng nguồn thu cho bóng đá VN.

Bên B có trách nhiệm làm việc với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) để thực hiện việc phát hình rộng rãi phục vụ đông đảo người hâm mộ trên cơ sở tôn trọng những thỏa thuận của bên A với các đài này.

Điều 2. VFF và VPF ghi nhận đóng góp của AVG trong thời gian qua đã giúp nâng giá trị thương quyền truyền hình của bóng đá VN.

Điều 3. VPF cam kết sẽ làm tốt nhất để xây dựng, nâng cao chất lượng các giải bóng đá do Công ty được ủy quyền tổ chức.

Căn cứ các nội dung thống nhất trên đây, các bên sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật, của VFF để tạo điều kiện cho VPF có thể triển khai việc khai thác thương quyền truyền hình ngay từ vòng đấu thứ 15 của giải bóng đá chuyên nghiệp VN.

Biên bản thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hiệu lực khi các bên chính thức ký kết các văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá theo hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG.

VPF chính thức có thương quyền các giải bóng đá ảnh 2
VPF phải giữ nguyên mức AVG cam kết chia cho VTV và VTC là 70 %. (Ảnh Thuần Thư)

Trước đó ngày 21-4, trong công văn gửi VPF, AVG khẳng định sẵn sàng chuyển lại quyền khai thác thương quyền hiện tại AVG đang có theo hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG cho VPF mà không thu bất kỳ một khoản phí chuyển nhượng nào khi các điều kiện sau được thỏa mãn:

Thứ nhất: Do AVG chỉ là một bên trong hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG mà theo hợp đồng này việc chuyển nhượng hợp đồng phải được sự chấp thuận của VFF. Vì vậy, việc chuyển nhượng thương quyền từ AVG sang VPF nhất thiết phải được VFF đồng ý.

Thứ hai: Do AVG đã có văn bản cam kết với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) về việc chia sẻ 70% thương quyền truyền hình các giải bóng đá VN cho các đài này nên sau khi tiếp quản Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG, VPF cần giữ nguyên cam kết này. Các nội dung cụ thể sẽ do VPF và các đài này tự thỏa thuận với nhau.

Thứ ba: Do VPF đã đảm bảo với AVG là mỗi năm VPF sẽ đem lại cho bóng đá Việt Nam tối thiểu 50 tỷ đồng nên VPF cần thực hiện cam kết này bằng văn bản với VFF và AVG, vì sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.

Khi VPF đã đáp ứng các điều kiện trên, AVG sẽ không yêu cầu VPF bồi hoàn các khoản lỗ của AVG trong thời gian qua khi khai thác thương quyền truyền hình các giải bóng đá VN. Hơn thế nữa, AVG sẽ hỗ trợ VPF và VFF bằng cách sẽ là một thành viên giám sát việc thực hiện hợp đồng sau đây giữa VFF và VPF.

Biên bản công nhận VPF trở thành chủ sở hữu thương quyền các giải bóng đá do mình tổ chức

 

Ý kiến người trong cuộc:

Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ: “Về cơ bản, AVG đồng ý với kế hoạch của VPF nhưng vẫn phải xem xét lại một số vấn đề trước khi bàn giao chính thức. Nếu VPF cam kết thu về tối thiểu 50 tỷ đồng/năm, AVG sẽ ủng hộ tuyệt đối”.

Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: “Mọi chuyện đã diễn ra rất tốt đẹp. Hy vọng đây sẽ là bước tiến tốt cho Bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng phía VPF sẽ thực hiện đúng với những cam kết do mình đưa ra...”

Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng: “Hiện tại chúng tôi đang cố gắng sẽ đạt được con số 30 tỉ đồng trong thời gian còn lại của mùa giải năm nay. 50 tỉ là của mùa giải 2013. Cho đến thời điểm này đã có gần 10 doanh nghiệp đến đăng ký hợp tác với VPF...”

Diễn biến “cuộc chiến” bản quyền giữa VPF và AVG

*Ngày 8-12-2010, VFF bán độc quyền cho AVG với thời hạn 20 năm để đối tác này khai thác hình ảnh 4 giải đấu: V- League (Super League), hạng Nhất, Cúp QG, Siêu Cúp.
*Ngày 8-9-2011, bầu Kiên lên tiếng phản đối việc VFF ký hợp đồng có thời hạn 20 năm cho AVG, đồng thời yêu cầu VFF phải xem xét lại hợp đồng.
*Ngay sau lễ ra mắt VPF ngày 14-12, bầu Kiên tuyên bố VPF sẽ đàm phán lại hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG.
*Ngày 23-12-2011, VPF gửi công văn đề nghị đàm phán với AVG về những vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình. Nhưng cuộc họp đã không diễn ra do lãnh đạo AVG bận đi công tác.
*Ngày 28-12-2011 AVG tuyên bố chỉ nhấp nhận đàm phán với VFF, đơn vị đã ký hợp đồng với AVG.
*Ngày 29-12-2011, Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên ký công văn cho phép VTV và các đơn vị trực thuộc truyền hình trực tiếp cả 4 giải đấu.
*Ngày 16-2-2012, Bộ Tư pháp và Thanh tra Bộ VH-TT-DL khẳng định hợp đồng VFF ký với AVG diễn ra đúng luật. Trước phán quyết này, lãnh đạo VPF tuyên bố sẽ theo đuổi “cuộc chiến” đến cùng.
*Tháng 3-2012, AVG bất ngờ đưa ra quyết định chia sẻ 70% bản quyền cho hai đài truyền hình lớn là VTV và VTC theo tỷ lệ 40 - 30- 30.
*Ngày 14-4-2012, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên tuyên bố rút đơn kiện sau khi thống nhất được những khúc mắc với AVG.

*Ngày 20-4-2012, VPF cho biết đã có được quyền khai thác thương quyền bóng đá từ AVG mà không phải trả một đồng chuyển nhượng nào cho đơn vị này.

*Ngày 23-4-2012, AVG chính thức ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng thương quyền bóng đá cho VPF.