VPBank: Áp lực tăng trưởng và hành trình tăng vốn

ANTD.VN - Chỉ trong một thời gian ngắn, Ngân hàng VPBank gọi vốn “thần tốc” để chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc chơi lớn” trong thời gian tới.

VPBank: Áp lực tăng trưởng và hành trình tăng vốn ảnh 1

Thương vụ phát hành riêng lẻ 164 triệu cổ phiếu mới đây giúp Ngân hàng VPBank thu về 6.400 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây đã tăng vốn điều lệ của mình từ mức 14.059 tỷ đồng lên 15.706 tỷ đồng. Nguồn tiền tăng vốn trong đợt này được lấy từ thương vụ phát hành riêng lẻ 164 triệu cổ phiếu mới đây, với mức giá phát hành là 39.000 đồng/cổ phiếu (bằng với mức giá niêm yết khi lên sàn hồi tháng 8), giúp VPBank thu về 6.400 tỷ đồng.

Đây là lần thứ ba kể từ đầu năm nay “tân binh”  trên sàn chứng khoán tăng vốn. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác phải đau đầu tìm kiếm nguồn vốn, thì VPBank lại “nhanh tay” ghi nhận thêm 6.525 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng đầu năm, bổ sung cho con số 9.181 tỷ đồng vốn điều lệ vào cuối năm ngoái.

Giống như nhiều ngân hàng khác, VPBank đối diện với bài toán tăng vốn để đáp ứng các yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn theo Hiệp định Basell II, được quy định cụ thể trong Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước và dự kiến áp dụng thử nghiệm từ năm 2018 tới. Chuẩn hoạt động mới yêu cầu các ngân hàng phải tăng cường vốn của mình nếu muốn tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. Theo VPBank, số vốn này đủ để ngân hàng hoạt động trong vòng 3 năm tới.

Thực tế, ngoài nhu cầu vốn để đáp ứng quy định theo yêu cầu, VPBank buộc phải tìm kiếm nguồn vốn “mạnh và nhanh”, vì ngân hàng này đang ở trong chu kỳ tăng trưởng cao. Với tỉ suất lợi nhuận ở mức cao nhất trên thị trường, đặc trưng của VPbank là tập trung phát triển lĩnh vực cho vay nhiều rủi ro, bao gồm cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nên cần nhiều vốn hơn.

Bên cạnh việc gọi vốn cổ phần từ nhà đầu tư, VPBank còn tìm kiếm nguồn vốn từ các định chế tài chính khác. Trong năm 2016 và đầu năm 2017, VPBank đã được IFC và các bên đồng tài trợ cho vay 158 triệu USD với thời hạn 5 năm và khoản tài trợ thương mại trị giá 50 triệu USD.

Trở lại với nguồn vốn 6.400 tỷ đồng vừa thu về, VPBank có kế hoạch dành ra 50 tỷ đồng cho đầu tư hạng mục tài sản cố định, bao gồm củng cố nền tảng công nghệ thông tin, các dự án tư vấn chiến lược; 100 tỷ đồng tăng vốn cho Công ty xử lý nợ ngân hàng AMC, 100 tỷ đồng để dành cho hoạt động M&A (các công ty trong lĩnh vực kinh doanh có thể bổ trợ hoặc thúc đẩy hoạt động cốt lõi của ngân hàng).

Có thể thấy phần nhiều nhất còn lại để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ cho hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng (đã bao gồm tăng vốn điều lệ).

Thực tế, so với các ngân hàng tư nhân khác, quy mô tín dụng của VPBank vẫn ở mức trung bình dù đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng trong vài năm qua. Theo đó, quy mô tín dụng của VPBank đứng thứ 8 trong số 11 ngân hàng niêm yết tính đến cuối năm 2016.

Cuối tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới cho VPBank, từ mức 16% lên mức 20%. Theo số liệu của VPBank, dư nợ cho vay khách hàng tăng 13.9% tính đến hết tháng 7, chỉ cao hơn một chút so với con số tăng trưởng 11,5% trong 8 tháng đầu năm của cả hệ thống.

Năm 2017 cũng là năm cuối trong hành trình 5 năm đưa VPBank từ một ngân hàng không tên tuổi trên thị trường trở thành ngân hàng có thị giá cổ phiếu, quy mô tài sản và tỷ suất lợi nhuận thuộc vào nhóm cao nhất trong khối ngân hàng tư nhân.

Đây là lợi thế lớn nhưng đồng thời cũng là “gánh nặng” tăng trưởng trong tương lai của ngân hàng này. Có lẽ, hơn ai hết các lãnh đạo VPBank hiểu rằng cần phải tạo ra động lực mới để mở ra chu kỳ tăng trưởng mới.