Vòng xoáy quyền - tiền của gia tộc Bạc Hy Lai

ANTĐ - Những sự việc xung quanh hành động của ông Bạc Hy Lai ủng hộ các công ty, nơi thành viên trong gia tộc có cổ phần, cho thấy ông có thể đã sử dụng ảnh hưởng chính trị để làm giàu cho mình và người thân. 

Chỉ vài tuần trước khi bị cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã viết tặng Công ty Quản lý tài nguyên nước Trùng Khánh một bức thư pháp, và kêu gọi ủng hộ hoạt động của công ty này. Có một điều ai cũng biết nhưng không nói ra, đó là em trai ông, Bạc Hy Thành kiểm soát công ty này. Ông Bạc Hy Lai cũng làm điều tương tự năm 2003, khi ông là Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh. Ông kêu gọi ủng hộ Công ty Daxian Đại Liên chuyên sản xuất đồ điện tử và cho rằng đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong 5 năm tiếp theo. 

Không rõ ông Bạc Hy Lai có biết em ông hưởng lợi từ những tuyên bố của ông hay không, nhưng sau vụ ngã ngựa của họ Bạc, người ta nghi ngờ ông đã dùng ảnh hưởng chính trị to lớn để làm giàu cho mình và người thân. 

Bê bối gia đình Bạc Hy Lai khởi nguồn từ cái chết của doanh nhân Neil Heywood

Lặng lẽ tích lũy tài sản

Trong một thập niên qua, cùng với đà thăng tiến của ông Bạc Hy Lai, những người thân của ông đã lặng lẽ tích lũy một khối tài sản ước khoảng 160 triệu USD. Anh trai ông đã kiếm được hàng triệu USD cổ phiếu tại một trong những tập đoàn nhà nước lớn nhất Trung Quốc. 2 trong 3 anh em của Bạc Hy Lai là những doanh nhân thành đạt, có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty nhà nước. Trong đó, người anh cả, Bạc Hy Vĩnh, 64 tuổi, đã đầu tư một loạt các dự án ngoài biển, tuy nhiên, hoạt động của những công ty này ít được công khai. Bạc Hy Vĩnh cũng là Phó Chủ tịch China Everbright International, một chi nhánh của doanh nghiệp nhà nước Everbright Group. Lương hàng năm của ông này khoảng 200.000 USD và có cổ phần trong công ty đó khoảng 10 triệu USD. Ngoài ra, Bạc Hy Vĩnh còn là Phó Chủ tịch HKC Holdings, một công ty có trụ sở ở Hồng Kông thuộc sở hữu của gia đình một tỷ phú người Indonesia. Năm 2010, Công ty TPG của Mỹ đã đầu tư khoảng 25 triệu USD vào HKC Holdings, chuyên về các dự án năng lượng thay thế và hạ tầng tại Trung Quốc.  

Trong khi đó, người em trai Bạc Hy Thành cũng có quan hệ mật thiết với một số công ty hoạt động tại Đại Liên và Trùng Khánh, hai thành phố mà ông Bạc Hy Lai từng là lãnh đạo hàng đầu. Tại đây, Bạc Hy Thành lập ra Quỹ giáo dục Xingda Bắc Kinh, tổ chức nắm giữ 2 triệu USD cổ phần trong Công ty nước Trùng Khánh. Bạc Hy Thành còn làm giám đốc một vài công ty nhà nước, trong đó có Citic Securities, một trong những hãng đầu tư lớn nhất Trung Quốc. Ông này còn là người sáng lập ra công ty sản xuất thiết bị chữa cháy tên là “Beijing Liuhean Firefighting Science and Technology”, được sử dụng trong các cơ quan chính phủ, khách sạn sang trọng, nhà máy điện và Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Thậm chí, Bạc Qua Qua, 24 tuổi, “cậu ấm” của Bạc Hy Lai, hiện đang học tại Havard, đã tham gia kinh doanh năm 2010, bằng việc đăng ký một công ty công nghệ với vốn khởi đầu 320.000 USD. 

Ngoài Bạc Qua Qua, ông Bạc Hy Lai còn có một người con trai với người vợ đầu tên là Lý Vọng Tri, 34 tuổi. Lý Vọng Tri tốt nghiệp trường Đại học Columbia (Mỹ), và là thành viên Tập đoàn Citigroup khu vực châu Á. Anh này đầu tư vào một số công ty ở thành phố Đại Liên, nơi ông Bạc Hy Lai làm thị trưởng thành phố từ năm 1993 đến 2000. Trong những năm gần đây, Lý Vọng Tri trở nên rất giàu có, sống trong ngôi nhà đắt tiền ở Bắc Kinh và lái những chiếc ô tô sang trọng.

Về bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, bà mở một công ty luật có văn phòng tại một số nước, đồng thời thành lập một số hãng tư vấn cho các doanh nhân nước ngoài muốn đầu tư vào Trung Quốc. Bắt đầu năm 1999, tờ Frontline của Hồng Kông đã đăng một loạt bài phản ánh sự tham nhũng liên quan đến hãng tư vấn luật của bà Cốc Khai Lai. Theo tờ báo này, bà Cốc Khai Lai thậm chí còn điều hành tổ chức phi lợi nhuận mang tên Quỹ nghiên cứu văn hóa Trung Quốc nhưng thực chất là để thu tiền cho gia đình. “Họ là một cặp đôi hoàn hảo. Bất kỳ dự án nào bạn muốn thực hiện đều phải qua hãng tư vấn của bà Cốc Khai Lai”, Jiang, một phóng viên điều tra viết. Jiang sau đó bị bắt với cáo buộc tiết lộ bí mật nhà nước và bị kết án 5 năm tù giam. Hiện ông sống ở Toronto (Canada). Có lẽ vì tiếng xấu đó mà công ty luật của bà Cốc Khai Lai đổi tên thành Ang Dao và đăng ký dưới tên chủ mới, Zhao Dongping, một bạn học của ông Bạc Hy Lai. Tuy vậy, hoạt động của công ty vẫn do bà Cốc Khai Lai đứng sau chỉ đạo. 

Không chỉ anh em ông Bạc Hy Lai ăn nên làm ra, gia đình chị em bà Cốc Khai Lai cũng phát đạt không kém. Người chị cả, Cốc Vọng Giang, người Hồng Kông mở công ty in an ninh Tungkong năm 1996 với số vốn 10 triệu USD. Người em khác của bà này, Cốc Vọng Ninh cũng là một cổ đông lớn của công ty. Theo giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Hồng Kông, tổng doanh thu của công ty hồi năm ngoái là 124 triệu USD. Khách hàng chủ yếu là các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Hồi tháng 10-2011, công ty này còn nhận được hợp đồng in thẻ an sinh xã hội. 

Chuyển tiền ra nước ngoài

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin có khả năng gia đình Bạc Hy Lai chuyển tài sản bất hợp pháp ra nước ngoài. Ngay sau khi ông Bạc Hy Lai ngã ngựa, Từ Minh, một trong những doanh nhân giàu nhất Trung Quốc có mối quan hệ gần gũi với gia đình Bạc Hy Lai, đã bị bắt giữ. 

Ngoài bà Cốc Khai Lai bị bắt tình nghi liên quan đến vụ đầu độc doanh nhân người Anh Neil Heywood, hiện vẫn chưa có ai trong số các thành viên trong gia đình ông bị cáo buộc hành động trái luật. Nhưng những sự việc xung quanh hành động của ông Bạc Hy Lai ủng hộ các công ty, nơi thành viên trong gia tộc có cổ phần, cho thấy ông có thể đã sử dụng ảnh hưởng chính trị để làm giàu cho mình và người thân. 

Cho đến nay, nhiều quan chức Trung Quốc đã chuyển tiền và đưa người thân sang Hồng Kông, Singapore, Mỹ và châu Âu. Theo hồ sơ các vụ tham nhũng trước đó, họ tìm cách nhập quốc tịch nước ngoài cho người thân nhằm hợp pháp hóa việc chuyển tiền, hoặc có thể “cao chạy xa bay” sau khi nhúng chàm. Trong một báo cáo bị rò rỉ hồi năm ngoái, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, từ giữa thập niên 1990, đã có 16.000-18.000 quan chức chính phủ, tòa án và các công ty nhà nước bỏ trốn với số tiền lên tới 127 tỷ USD.

Xuất hiện cáo buộc nghe lén lãnh đạo cấp cao

Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bị cáo buộc nghe lén điện thoại của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và một loạt các quan chức cấp cao khác trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tờ New York Times dẫn nhiều nguồn tin có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 26-4 đưa tin, ông Bạc Hy Lai đã thực hiện nghe lén điện thoại của gần như tất cả các lãnh đạo cấp cao khi tới thăm Trùng Khánh nhằm củng cố vị trí của mình. Trong đó, vụ nghe lén điện thoại của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi tháng 8-2011 đã bị bại lộ. Nhà chức trách sau đó mở cuộc điều tra và đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến ông Bạc Hy Lai bị “hạ bệ”. 
Bạc Hy Vĩnh  - anh trai ông Bạc Hy Lai từ chức
Ngày 25-4, anh trai của ông Bạc Hy Lai là Bạc Hy Vĩnh đã tuyên bố từ chức Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty China Everbright International. Theo báo cáo của công ty này gửi Sở Chứng khoán Hồng Kông, ông Bạc Hy Vĩnh từ chức “để giảm đến mức thấp nhất bất kỳ khả năng tác động tiêu cực nào đối với hoạt động của công ty sau những thông tin gần đây về gia đình ông”.