Vòng xoáy bất ổn

ANTĐ - Những quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông và Nam Á như Ai Cập, Iraq, Pakistan nay lại chìm trong làn sóng bạo lực và bất ổn mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nảy sinh chính trong lòng các quốc gia này.

Vòng xoáy bất ổn ảnh 1
Lực lượng an ninh Iraq bất lực trước làn sóng bạo lực tồi tệ nhất 
5 năm qua ở nước này


Ai Cập đang rung chuyển bởi làn sóng biểu tình lớn chưa từng thấy kể từ sau sự kiện chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ vào đầu năm 2011. Hàng triệu người Ai Cập đã đổ xuống đường biểu tình cho tới đêm  30-6 đòi đương kim Tổng thống Mohamed Morsi từ chức nhân dịp đánh dấu một năm ông này lên cầm quyền. 

Những người biểu tình cáo buộc Tổng thống Morsi phản bội cuộc cách mạng mùa Xuân năm 2011 giúp ông lên nắm quyền bằng cách tập trung quyền lực vào tay những người Hồi giáo và đưa nền kinh tế đất nước đến bên bờ vực sụp đổ. Làn sóng phản đối Tổng thống Morsi không chỉ diễn ra ở Thủ đô Cairo, mà còn lan rộng nhiều thành phố khác trong cả nước sau khi ông Mahmoud Badr - đồng sáng lập chiến dịch Tamarod (Nổi dậy) - thu thập được hơn 22 triệu chữ ký đòi ông Morsi từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn. 

Không có những cuộc biểu tình rầm rộ song không khí an ninh ở 2 quốc gia Hồi giáo khác tại Trung Đông và Nam Á là Iraq và Pakistan còn căng thẳng, ngột ngạt hơn rất nhiều. Trong đó, những vụ đánh bom đẫm máu liên tiếp xảy ra ở Iraq thời gian qua đang đẩy quốc gia Trung Đông này trở lại giai đoạn an ninh tồi tệ năm 2008, năm được coi là bạo lực đẫm máu nhất suốt hơn 10 năm qua kể từ khi Mỹ đưa quân vào lật đổ chế độ Saddam Hussein.

Với ít nhất 1.045 người Iraq thiệt mạng và 2.400 người bị thương do các vụ xung đột sắc tộc, tháng 5-2013 là tháng Iraq có số thương vong lớn nhất kể từ năm 2008 và làm dấy lên quan ngại về nguy cơ tái bùng phát cuộc chiến sắc tộc và phe phái từng diễn ra vào năm   2006-2007. Tình hình bạo lực tại Iraq trong tháng 6 tiếp tục nóng bỏng với hàng chục vụ đánh bom đẫm máu khiến hàng chục người thương vong mỗi vụ, trong đó thảm khốc nhất là ngày 24-6 với ít nhất 42 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương trong các vụ đánh bom liên hoàn. 

Quốc gia Nam Á Pakistan cũng đang rung chuyển bởi làn sóng đánh bom kinh hoàng mà mới nhất là 2 vụ đánh bom đẫm máu cùng ngày 30-6 khiến 36 người thiệt mạng và 85 người bị thương. Trước đó, không chỉ Pakistan mà dư luận thế giới cũng đã chấn động với vụ sát hại 10 du khách nước ngoài và 1 hướng dẫn viên du lịch địa phương tại khu vực Gilgit ở miền Bắc Pakistan, ngày 23-6 vừa qua.

Làn sóng biểu tình ở Ai Cập, bạo lực đẫm máu tại Iraq và Pakistan có các nguyên nhân khác nhau tại những quốc gia này song cùng có điểm chung là xuất phát từ những mâu thuẫn nảy sinh từ ngay trong lòng mỗi đất nước. Tại Ai Cập là  mâu thuẫn giữa phe đối lập và người dân với  chính quyền của Tổng thống Morsi. Ở Iraq và Pakistan là những mâu thuẫn sắc tộc đang ngày càng bị đào sâu thêm.

Giới quan sát cho rằng, chưa hoá giải được những mâu thuẫn trong lòng thì Ai Cập, Iraq hay Pakistan sẽ còn chìm trong bất ổn và bạo lực.