Vòng xoáy bất ổn

ANTĐ - Đất nước của những kim tự tháp nổi tiếng thế giới dường như vẫn chưa thể ra khỏi vòng xoáy bất ổn và bạo lực từ tháng 2 đến nay khi đụng độ đổ máu lại diễn ra giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh.

Người biểu tình đốt xe cảnh sát tại quảng trường Tahrir

Đến quảng trường nổi tiếng Tahrir ở trung tâm Thủ đô Cairo lúc này ngỡ đang chứng kiến cuộc "nổi dậy mùa xuân" lật đổ 40 năm cầm quyền của Tổng thống Hosni Mubarak. Vẫn là biển người biểu tình hàng chục nghìn người, vẫn là những cuộc đụng độ sặc mùi lựu đạn... và đáng tiếc là máu vẫn đổ.

Chỉ riêng các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh với người biểu tình tại quảng trường Tahrir ở Thủ đô Cairo trong ngày 20-11 đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, trong đó có 4 người bị bắn chết và 192 người khác bị thương. Những con số thương vong mới nhất tại Cairo này đã nâng tổng số người chết và bị thương trong các vụ đụng độ 2 ngày qua ở Ai cập lên tới 1.700 người.

Ngoài Thủ đô Cairo, nhiều cuộc biểu tình và đụng độ dữ dội khác cũng diễn ra ở các thành phố Ismailia, Alexandria, Suez, Qena, Assiout... Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất vẫn là các vụ bạo lực tại khu vực quảng trường Tahrir khi người biểu tình ném gạch, đá và bom xăng trong khi lực lượng an ninh đáp trả bằng dùi cui, hơi cay, đạn cao su...

Làn sóng bạo lực hiện nay ở Ai Cập được xem là tồi tệ nhất kể từ sau cuộc "nổi dậy mùa xuân" lật đổ chính quyền Tổng thống Mubarak hồi tháng 2 năm nay. Nguyên nhân chính là do người dân bất bình trước sự chậm trễ của tiến trình cải cách cũng như việc chính quyền quân sự trì hoãn chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự.

Lên cầm quyền sau khi người dân đứng lên lật đổ chính quyền Tổng thống Mubarak song quân đội tỏ ra chậm trễ trong việc chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Theo kế hoạch, một chính phủ dân sự sẽ chỉ được thành lập sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Ai Cập sẽ diễn ra từ ngày 28-11 tới và kéo dài đến tận 11-3 năm sau.

Những người biểu tình cho rằng tiến trình trên là quá dài và họ đòi quân đội phải trao quyền ngay cho một chính quyền dân sự khi cuộc bầu cử Quốc hội bắt đầu từ 28-11. Bên cạnh đó, những người biểu tình còn nghi ngờ quân đội sẽ tiếp tục tìm cách nắm quyền trên thực tế ngay cả khi có Quốc hội và Tổng thống mới sau cuộc tổng tuyển cử.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến người dân Ai Cập lại xuống đường biểu tình là việc cho phép các thành viên "Đảng dân chủ dân tộc" (NDP) cầm quyền cũ của Tổng thống bị lật đổ Mubarak tham gia cuộc tổng tuyển cử. Với số lượng khoảng 3 triệu người, các thành viên NDP, dù "khoác áo" ứng cử viên độc lập hoặc thành viên các đảng phái khác, nhưng có thể trở thành một lực lượng chính trị đáng kể khiến những người biểu tình lật đổ chế độ Mubarak lo ngại.

Cộng đồng quốc tế đang tỏ ra hết sức lo ngại trước những diễn biến bạo lực mới tại Ai Cập. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đã lên án việc sử dụng vũ lực tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Bộ Ngoại giao Anh cũng lên án các hành vi bạo lực trong khi Italia và Đức kêu gọi các bên chấm dứt ngay lập tức mọi hành động bạo lực.