Vốn bình quân một doanh nghiệp chỉ đạt 10,2 tỷ đồng: "Thuyền thúng" có ra được biển lớn?

ANTD.VN - Tổng cục Thống kê cho biết, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (không bao gồm các doanh nghiệp đã đăng ký, chưa đi vào hoạt động, các doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký) tại thời điểm 31-12-2017 trên phạm vi cả nước ước đạt 561.064 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với năm 2016.  

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh

Ngày 6-2, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010-2016.

Ông Nguyễn Bích Lâm- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, trong 63 tỉnh, thành phố, 19 tỉnh có tốc độ tăng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động tại thời điểm 31-12-2017 so với cùng kỳ năm 2016 và cao hơn mức trung bình của cả nước. Trong đó, Bắc Giang tăng 28%; Thanh Hóa tăng 27,9%; Hưng Yên tăng 26,4%.

Năm 2017 là năm kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. 

Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016. 

Bình luận về những con số nêu trên, có ý kiến lo ngại, quy mô vốn của doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ, liệu doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức để "ra biển" lớn?

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Long- Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, 10,2 tỷ đồng là số vốn trung bình của một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. "Thực tế chúng ta có doanh nghiệp có vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, quy mô vốn lớn, đang đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn hy vọng đoàn "thuyền thúng" ra biển được và khi ra biển lớn mạnh thành tàu"- ông Nguyễn Hồng Long nói.

Theo ông Phạm Đình Thúy- Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, nhưng chủ yếu là tăng về quy mô vốn và lao động nhưng tốc độ vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

"Điều này cho thấy năng suất, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam dự kiến doanh nghiệp sẽ trong top đầu của Đông Nam Á về năng suất, chất lượng, hiệu quả doanh nghiệp nhưng chắc chắn việc đó không phải là ngày một, ngày hai làm được"- ông Phạm Đình Thúy nhận định.

Cũng theo Tổng cục thống kê, tại thời điểm 31-12-2016, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động của cả nước là 505.067 doanh nghiệp. Bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm tăng 10,4% số doanh nghiệp. 

Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 712,947 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016, mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 12,3%, thấp hơn mức tăng của vốn (16,3%) và doanh thu (15,1%).