Vô vàn thủ đoạn tuồn ma túy vào trại giam

ANTĐ - Nhồi heroin vào gấu áo, vào đồ ăn hay nuốt chửng để sau đó lấy ra theo đường… tiêu hóa là những thủ đoạn mà người nhà các can phạm, bị cáo tìm cách để tuồn ma túy vào trại giam đã bị lực lượng công an phát hiện.

Việc thăm gặp, gửi quà ở các trại tạm giam luôn được kiểm soát chặt chẽ

Tinh vi không thoát

Nhiều năm phụ trách công tác bảo vệ của Trại tạm giam số 2 - CATP Hà Nội, Thượng tá Phạm Văn Hân, Phó Giám thị đã “thuộc lòng” những cách thức, thủ đoạn mà đối tượng thăm can phạm, bị án áp dụng để tuồn ma túy vào trong. “Nó thay đổi theo chiều hướng tinh vi dần để đối phó với sự kiểm soát của cán bộ chức năng, và thỉnh thoảng, chúng tôi lại phát hiện phương thức, thủ đoạn mới”, Thượng tá Hân cho biết.

Phổ biến nhất của thủ đoạn tuồn ma túy vào trại giam là ma túy - heroin được độn vào gấu áo, gấu quần, viền chăn. Theo quy định của các trại tạm giam CATP Hà Nội, những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt sẽ được gặp người thân 1 tháng/lần; và được nhận quà 3 lần trong 1 tháng. Tại các trại đều phục vụ bán đủ các loại thực phẩm, quần áo cần thiết cho việc thăm gửi, song nhiều trường hợp, thân nhân bị án vẫn muốn gửi thêm đồ do họ chuẩn bị sẵn. Có người ý tốt, song cũng có trường hợp tìm cách gửi cả đồ cấm vào, mà heroin chính là “mặt hàng” chủ đạo. Tinh thể bột màu trắng này được tãi đều ở đoạn gấu áo, quần, mép chăn. Động tác giấu heroin này vừa nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của cán bộ kiểm soát, vừa để giúp đối tượng gửi - nhận “nhẹ tội” hơn, khi bị phát hiện. Bởi, lượng heroin khi lấy ra từ chỗ bí mật sẽ rơi vãi, trọng lượng sẽ giảm đi ít nhiều.

Tinh quái thế, nhưng rất ít trường hợp qua mặt được cán bộ kiểm soát nhận quà gửi tại các trại tạm giam. Những cú vuốt dọc mép gấu áo, gấu quần sẽ giúp lực lượng kiểm soát phát hiện ngay vị trí bất thường. Hoặc đơn giản hơn, các phần mép này được nhúng vào nước trước khi chuyển đến tay phạm nhân. Trong nước, heroin sẽ nhanh chóng tiêu tan hết. Vụ án Trần Thị Nga, 33 tuổi, trú ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội bị cán bộ Trại tạm giam số 2 bắt quả tang định tuồn ma túy cho chồng hôm 26-6 là minh chứng.

Thượng tá Phạm Văn Hân kể, những dấu hiệu bất thường của Nga tại lần thăm gặp chồng đã khiến cán bộ trại nghi vấn. Cô ta nằng nặc xin được chuyển quà cho chồng, dù trước đó hơn 1 tuần vừa gửi. Mà túi quà của Nga có nhiều nhặn gì; một vài vỉ thuốc bổ cùng chiếc quần soóc. Động tác miết, kiểm tra gấu quần, không phát hiện nghi vấn. Khi lần giở mép túi sau bên phải của chiếc quần, cán bộ trại cảm nhận độ xốp bên trong. Đường chỉ mép túi cũng không trùng với chỉ may quần. Lách khẽ dao lam vào đoạn xốp, chất bột trắng lả tả rơi ra. Trần Thị Nga mặt mũi tái mét, thừa nhận đó là ma túy.

Không chỉ ở các trại tạm giam, trại giam, một “kênh” tuồn ma túy mà nhiều đối tượng hay áp dụng, là ngay tại các phiên tòa xét xử. Về nguyên tắc, suốt quá trình từ lúc dẫn giải bị cáo từ trại tạm giam đến tòa rồi diễn ra phiên xử, các bị cáo đều chịu sự giám sát chặt chẽ của lực lượng cảnh sát bảo vệ. Giây phút duy nhất mà bị cáo và thân nhân có thể được tiếp xúc, bày tỏ tình cảm là khi án được tuyên và bị cáo lên xe về trại tạm giam. Khi ấy, những cái ôm hôn, bắt tay chính là lúc mà heroin có thể được tuồn cho nhau. Bị cáo sẵn sàng nuốt ma túy vào bụng, sau đó về trại sẽ lấy lại theo đường… tiêu hóa.

Vụ án Trần Thị Nga - túi sau chiếc quần soóc được cắt xẻ để giấu heroin

Bằng mười hại nhau

“Những vụ tuồn ma túy bị phát hiện cho thấy, đối tượng tuồn ma túy thường là phụ nữ, là mẹ hoặc vợ của phạm nhân. Họ dễ yếu lòng đối với người thân của mình, song điều đó không chỉ khiến người thân của họ khó khăn hơn trên con đường đoạn tuyệt với ma túy, mà bản thân họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Giám thị Trại tạm giam số 2 nhìn nhận. Trong vụ án Trần Thị Nga mà chúng tôi nêu ở trên, chồng của Nga có 5 tiền án và nghiện ma túy. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian bị tạm giam và chờ thi hành án, chồng của Nga đã “cai chay” được ma túy. Tuồn ma túy vào trạm giam, chắc chắn Nga sẽ khiến chồng cô ta lún sâu vào “cái chết trắng”. Bản thân đối tượng này hiện đã bị CQĐT CAH Thường Tín bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Một trường hợp đáng thương khác là Phạm Thị Yến (SN 1958), nhà ở phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sáng 5-8-2011, bà Yến đến Trại tạm giam số 2 thăm con trai đang chịu án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Hai gói heroin trọng lượng hơn 0,4 gam được người mẹ giấu vào trong nắm xôi. Và nắm xôi đặc biệt ấy đã bị cán bộ Trại tạm giam số 2 phát hiện. Ban đầu, bà Yến quanh co, nói là mua xôi của một người không quen biết. Sau, người mẹ đáng thương - đáng trách phải khai thật, “thương và nghĩ con vật vã, thèm thuốc trong trại nên đã mua ma túy tìm cách gửi vào”. Phiên tòa xét xử mới đây, bà Yến chịu mức án gần 3 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngoài cậu con trai đang thi hành án tại Trạm tạm giam số 2, một người con trai khác của bà Yến cũng đang ngồi tù về tội danh liên quan đến ma túy...