Toạ đàm “Hà Nội đã thay đổi thế nào?”

"Vỡ trận" sự kiện văn hóa ý nghĩa vì tổ chức… không giống ai

ANTĐ - Buổi tọa đàm “Hà Nội đã thay đổi thế nào?” rất được mong chờ đã diễn ra. Nhưng thay vì nói về ý nghĩa của sự kiện văn hóa này, điều được nhắc tới nhiều nhất lại chính là cung cách tổ chức “có một không hai” khiến rất nhiều người bức xúc, vì mất công đến rồi lại… đi về.

Buổi tọa đàm với chủ đề “Hà Nội đã thay đổi thế nào?” do Công ty CP VHTT Nhã Nam và Trung tâm Văn hoá Pháp phối hợp tổ chức ở số 24 Tràng Tiền (Hà Nội) vào 18 giờ ngày 9-9-2015.

Đây là sự kiện văn hóa rất được mong chờ, bởi các khách mời gồm kiến trúc sư Phó Đức Tùng, Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức và nghệ sỹ thị giác Nguyễn Thế Sơn, hứa hẹn sẽ đưa ra nhiều góc nhìn chuyên môn và mang tính văn hóa, xã hội học thú vị. Qua đó, các bạn trẻ tham gia kỳ vọng sẽ được cung cấp những thông tin hấp dẫn về Hà Nội – thủ đô yêu dấu.

Bên cạnh đó, sự kiện này thu hút được đông đảo bạn trẻ quan tâm bởi ban tổ chức đã quảng bá thông tin rộng rãi qua mạng xã hội Facebook. Đặc biệt, để tránh tình trạng “vỡ trận” vì không gian tổ chức ở Trung tâm Văn hóa Pháp không thực sự rộng rãi, phía ban tổ chức đã yêu cầu người tham gia đăng ký trước và phải có “vé vào cửa” là thông tin xác nhận qua email.

Tuy nhiên, đúng vào thời điểm diễn ra “Hà Nội đã thay đổi thế nào?”, nhiều khán giả tới dự đã… “vỡ mộng” vì sự kiện này thực sự bị “vỡ trận”.

Diễn giả chưa tới nhưng phòng tọa đàm đã không còn một chỗ trống, kể cả ở... lối đi

Trước 18 giờ, phía trước Trung tâm Văn hóa Pháp đã có biểu hiện tắc nghẽn giao thông, do trung tâm này từ chối nhận xe của người tham gia vì hết chỗ. Đáng trách là ban tổ chức đã không có thông báo nào để người tới dự biết trước, nên nhiều bạn phải vất vả cắt làn xe đông đúc tới trước cửa trung tâm để biết một điều đơn giản là… “mang xe sang các con phố gần đó mà gửi, hết chỗ rồi!” (lời nhân viên bảo vệ).

Vậy là nhiều nhóm bạn trẻ lại phải quay xe, băng ngang đường để gửi. Một trong những con phố gần đó là Nguyễn Khắc Cần lập tức xuất hiện hàng loạt người mời chào vào các bãi trông xe tự phát với giá 10.000 đồng/xe. Dù đắt hơn bình thường là vậy song người gửi vẫn phải đi bộ hơn chục mét mới tìm được điểm đỗ vì nhu cầu khá đông và vào đúng giờ cao điểm.

Nhưng mọi khó khăn với những người yêu văn hóa chưa dừng lại ở đó!

Khi bước chân vào sảnh Trung tâm Văn hóa Pháp, mọi người không nhận được bất kỳ thông tin hướng dẫn hay kiểm soát nào từ ban tổ chức, nên khi họ tiến lên phòng tọa đàm thì vấp ngay phải những đám đông chen chúc đến ngột ngạt.

Những người đã đăng ký và được xác nhận (có “vé”) hy vọng sẽ có chỗ, nhưng thực tế ban tổ chức lại không kiểm soát tốt, dẫn tới việc… mạnh ai chen được là có chỗ.

Trong đó, bàn kiểm soát của ban tổ chức chỉ có đúng 2 bạn trẻ hết sức luống cuống, ban đầu nói rằng cần đăng ký trước, nhưng khi có quá đông khán giả đứng xung quanh thì họ lại cho biết “chỉ báo chí mới cần đăng ký”. Nhưng chỉ vài giây sau, quyết định này lại bị thay đổi, và các bạn trẻ chỉ còn nước… đứng quây kín chiếc bàn nhỏ bé này mà không biết phải làm sao.

Chiếc bàn đăng ký nhỏ bé với 2 nhân viên không thống nhất cách kiểm soát hiệu quả, khiến đông đảo người tới dự... không biết nên làm gì

Phía trong khu vực tọa đàm, nhiều người không kiên nhẫn chờ đợi được đã tự động tiến vào mà không gặp phải bất kỳ sự kiểm soát hay gặp được hướng dẫn viên nào của ban tổ chức, nên họ đành phải “mạnh ai nấy tiến”, nhưng mọi ngả đều đã chật kín.

Hết ghế, toàn bộ lối ra vào đông nghịt người, đại diện ban tổ chức đề nghị mọi người di chuyển tạm lên sân khấu để… ngồi bệt. Nhưng tất nhiên, giải pháp này không mấy hiệu quả vì dòng người ùn ùn tiến vào không kiểm soát vẫn không có dấu hiệu dừng lại.

Chứng kiến cảnh đông đúc, ngột ngạt và không có bất kỳ sự can thiệp nào của ban tổ chức, nhiều người đành phải bỏ về với tâm trạng bực bội, khó hiểu và thất vọng vì một sự kiện văn hóa hứa hẹn ý nghĩa lại được tổ chức “kỳ lạ” như vậy.

Nhiều người yêu văn hóa đã phải ra về trong tâm trạng thất vọng vì cung cách tổ chức kỳ lạ

“Em thực sự thất vọng vì rất mất công tới đây. Loay hoay mãi mới gửi được xe, nhưng lên tới nơi thì không còn một chỗ trống để vào. Trong khi trước đó, em đã đăng ký vé cẩn thận rồi. Nếu không kiểm soát thế này thì họ yêu cầu đăng ký trước để làm gì? Rồi cuối cùng em lại phải đi về”, bạn Ngân Hà (20 tuổi) chia sẻ.

Trong khi đó, Hà Trang (21 tuổi) bày tỏ bức xúc tương tự: “Em không nghĩ mình đã chuẩn bị đúng với yêu cầu như vậy mà lại phải ra về lãng xẹt như thế này!”

Ngay trên mạng xã hội Facebook, nhiều người đã vào trang quảng bá sự kiện để thể hiện sự khó chịu của mình trước cung cách tổ chức “có một không hai” như vậy.

Người dùng có tên tài khoản Socola Đậu Phộng viết: “Nhã Nam ơi, nếu các bạn mở free thì các bạn yêu cầu mọi người đăng kí trước để làm gì vậy?”

“BTC tổ chức chán quá. Người đăng ký trước lại cũng ngang quyền lợi với người không đăng ký. Đến nơi không có chỗ ngồi, hỏi các bạn lễ tân thì nhận được câu trả lời "vì quá nhiều người không đăng ký cũng đến nên mình không thể mời các bạn ý ra được". Làm mình thất vọng quá. Hào hứng chờ đến ngày xong cuối cùng không được tham dự”, ý kiến qua Facebook của bạn Hoàng Đỗ Hồng Ngọc.

Trong lúc dòng người ra về, những hàng trông xe vẫn không ngừng vẫy đón khách vào gửi – những khán giả đen đủi không biết rằng họ hoàn toàn không có cơ hội bước chân vào sự kiện “kỳ lạ” nói trên.

Rõ ràng, hưởng thụ văn hóa cần phải có hoàn cảnh, không gian, hình ảnh, con người... phù hợp và tạo cảm xúc. Còn tại buổi tọa đàm “Hà Nội đã thay đổi thế nào?”, rất nhiều người đã phải hưởng thụ theo kiểu... ngồi xổm, ngấp nghển, chen chúc nồng mồ hôi, kín đặc hơi thở. Đó là kiểu hưởng thụ gì mà ban tổ chức đã đem tới cho cộng đồng?

Dưới đây là clip ngắn quay lại cảnh người xem vất vả tìm chỗ tại sự kiện nói trên: