Loạn “trò đùa câu like” trên Facebook (3):

Vô tình phạm tội vì mê Facebook

ANTĐ - Chỉ vì một phút bốc đồng, muốn nhận được sự chú ý của nhiều người, nhiều bạn trẻ đã bịa ra một vụ án như thật mà không biết rằng mình đang phạm tội. Cũng có những bạn hack Facebook tung tin nhảm, trộm tiền làm thiệt hại danh dự, tài sản của người khác.

Những tin đồn giật gân về sự việc không có thật

Khoảng tháng 5-2013, cư dân mạng Facebook truyền nhau một nội dung khá "sốc": Hôm qua đã có 3 vụ xảy ra tại Nhà hát lớn nơi tụ tập nhiều teen. Đã có 3 bạn bị hại và điều đáng tiếc là các bạn không biết mình bị rạch đùi, đến khi gió lùa vào, thấy xót thì đã rướm máu rồi… Để tăng phần thuyết phục, tin đồn này còn nói thêm: Ngay lập tức, các bạn ấy đến khai báo với công an và được đưa đi xét nghiệm máu. Trong máu chưa phát hiện điều gì nhưng ngay tại vết thương phát hiện ra 2 loại máu, 1 loại có dính HIV… Quần dài không có tác dụng và dù mặc quần áo học sinh vẫn bị như thường…". Thông tin này đã khiến rất nhiều người hoang mang.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được nguồn tin từ dư luận về vụ việc trên, Công an Hà Nội đã điều tra xác minh, ngay lập tức bác bỏ những thông tin trên, khẳng định đó chỉ là những tin đồn nhảm. Đối tượng tung tin đồn thất thiệt này là Nguyễn Khánh Thành (SN 1986, ngụ Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội), hiện là nhân viên quản trị trang “Trường xưa”, thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ.
Vô tình phạm tội vì mê Facebook ảnh 1
Nguyễn Khánh Thành- kẻ tung tin thất thiệt đã bị bắt giữ ngay sau khi tung tin đồn nhảm
khiến dư luận hoang mang



Gần đây nhất, chuyện “cướp chặt tay giật điện thoại” do thành viên Tý Nhóc Lóc Chóc bịa ra và đăng tải trên Facebook vào tối 31-8 cũng được lan truyền nhanh chóng. Thành viên này đã “bịa” ra câu chuyện hai thanh niên dùng dao chém mạnh vào tay một phụ nữ trên địa bàn P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM, để cướp điện thoại khiến bàn tay của nạn nhân bị đứt lìa. Thông tin này đã khiến cộng đồng mạng xôn xao, sợ hãi. Tuy nhiên ngay sau đó sự việc đã được lắng xuống khi Công an P.Bến Thành và Công an Q.1 khẳng định không hề có vụ việc này, và Tý Nhóc Lóc Chóc cũng thừa nhận: “Em đã chế thông tin này để đăng lên Facebook với mục đích câu like trên Facebook”.

Những sự cố khóc dở mếu dở vì Facebook giả mạo

Ngoài việc tung tin thất thiệt trên Facebook, hiện có rất nhiều trang cá nhân giả mạo được lập ra với mục đích bôi nhọ lẫn nhau. Những trang Facebook dạng giả mạo này chủ yếu là của các ca sĩ, ngôi sao. Họ bị một số kẻ lợi dụng tên tuổi để đưa ra những thông tin “bẩn”, ảnh hưởng đến hình ảnh vốn có...
Vô tình phạm tội vì mê Facebook ảnh 2
Hàng chục trang Facebook có tên và ảnh của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Chỉ cần một vài động tác tìm kiếm trên Facebook, ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy hàng chục tài khoản có tên nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà... không thể phân biệt đâu là giả, đâu là thật. Cách đây không lâu, Hoa hậu Mai Phương Thúy cũng từng khóc dở mếu dở khi là nạn nhân của quá nhiều tài khoản mạo danh tên mình đến mức cô không thể kiểm soát nổi. Danh hài Hoài Linh cũng thông báo sẽ đóng cửa Facebook cá nhân một thời gian vì việc bị giả mạo đã mang đến nhiều phiền phức...
Bên cạnh việc giả mạo tên tuổi cá nhân, việc đột nhập hệ thống của trường học để gửi tin nhắn làm xấu hình ảnh của trường trong thời gian vừa qua cũng khiến dư luận hoang mang. Đầu tháng 9-2013, đông đảo phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hạ Đình hoang mang vì tin nhắn mạo danh thông báo nghỉ đột xuất cùng khoản tiền được nhà trường yêu cầu đóng góp không rõ mục đích.

Theo điều tra của Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, đối tượng này là Nguyễn Cẩm Tú (SN 1983), trú tại ngõ 98 Thái Hà, Đống Đa, HN, hiện là Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ truyền thông thông tin Việt Nam, cũng là một trong những công ty chuyên viết các phần mềm quản lý cho các trường học. Tú đã xâm nhập hệ thống cổng thông tin trường Tiểu học Hạ Đình với ý đồ hạ uy tín trường học, hạ uy tín phần mềm của công ty đối thủ, đồng thời tiến tới rao bán sản phẩm của công ty mình, tới các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Gần đây nhất, ngày 17-2 vừa qua, cộng đồng mạng truyền nhau một bức ảnh có dòng status có nội dung xúc phạm mẹ ruột vì nấu bữa cơm không ngon, không đúng ý mình trên facebook. Theo thông tin đăng tải, người đăng nội dung này là một cán bộ đoàn trường Đại học Ngoại thương. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, được biết, chủ nhân của facebook này đúng là sinh viên trường Đại học Ngoại thương nhưng những thông tin trên không phải do anh ta đăng mà facebook này của anh ta đã bị hack và hacker đó đã đưa những thông tin thất thiệt kia lên mạng. 

Phạm luật mà không biết!
Theo văn bản pháp luật, việc tung tin đồn thất thiệt, giả mạo, nói xấu, bôi nhọ người khác là trái luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự, tùy theo mức độ, hành vi, mục đích của đối tượng tung tin đồn gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Tại Việt Nam, theo Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. 

Theo Thượng tá Phí Hồng Quân, Đội trưởng đội tham mưu - Phòng Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, việc tìm ra người tung tin đồn thất thiệt không khó nhưng việc xử lý người tung tin thất thiệt đặc biệt là việc chứng minh thiệt hại, đánh giá chứng cứ, hậu quả, mức ảnh hưởng của thông tin đó để áp dụng hình thức xử lý còn gặp nhiều khó khăn. 
Thượng tá Phí Hồng Quân cho rằng, để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, trước hết cần rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh với tội phạm công nghệ cao. Bên cạnh đó là cần tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết các yêu cầu phát hiện, xác minh, điều tra tội phạm một cách kịp thời, triệt để. Nâng cao ý thức cảnh giác của người quản lý, sử dụng công nghệ cao đồng thời cảnh báo, phòng ngừa việc lạm dụng, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến vi phạm pháp luật trong sử dụng công nghệ cao, nhất là giới học sinh, sinh viên.
Tại Việt Nam, theo Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. 
Hay theo Điều 37 Bộ luật dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. Tùy theo từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý như sau: Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. 
Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.