Vỡ nợ từ trò chơi chính trị

ANTĐ - Với việc quốc hội và Tổng thống Obama không đạt được thỏa thuận để cấp ngân sách cho Chính phủ liên bang, các cơ quan liên bang Mỹ đã đóng cửa. “Cuộc chơi chính trị” giữa hai viện trong Quốc hội vẫn chưa ngã ngũ khiến chính phủ liên bang có nguy cơ tiếp tục dừng hoạt động vì bất đồng giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. 

Các nhà phân tích  cảnh báo Chính phủ Mỹ có thể còn đóng cửa lâu. Việc cạn ngân sách không chỉ khiến Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động một phần mà còn đã buộc ông Obama phải rút ngắn chuyến công du Đông Nam Á nhằm giúp ông chủ Nhà Trắng trở về nước vài ngày trước “cơn bão” lớn hơn tại Quốc hội, khi Mỹ có nguy cơ vỡ nợ. 

Nhiều nhà kinh tế đang nghiên cứu những đợt đóng cửa trước để dự đoán về ảnh hưởng của tình hình hiện tại tới sự phục hồi của kinh tế. Việc Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động một phần lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trước hết là thiệt hại nặng cho nền kinh tế. Công ty nghiên cứu thị trường IHS ước tính, việc ngưng hoạt động ở nhiều cơ quan của Mỹ cùng khoảng 800.000 nhân viên Chính phủ phải nghỉ ở nhà sẽ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại ít nhất 300 triệu USD GDP mỗi ngày.  

Dù con số thiệt hại đó là một con số nhỏ so với quy mô nền kinh tế 15,7 nghìn tỷ USD của Mỹ nhưng về lâu dài nó sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng GDP do doanh nghiệp mất lòng tin, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế. Nếu Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động trong 2 tuần, tăng trưởng GDP quý IV sẽ giảm 0,5%; nếu đóng cửa trong toàn bộ tháng 10 sẽ khiến GDP giảm 2%. Đây là con số đáng báo động cho một nền kinh tế với dự báo GDP sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 2,2% trong quý IV. Động thái này buộc các nhà đầu tư thế giới phải chuẩn bị đối phó với kịch bản thị trường toàn cầu biến động mạnh.

Tuy nhiên, sự cố đóng cửa Chính phủ dù gây hậu quả nghiêm trọng, mà có thể vẫn chưa là gì nếu đến vào giữa tháng 10 này, lưỡng đảng không thể thống nhất được để quốc hội thông qua tăng trần nợ công đang ở mức 16.700 tỷ USD. Hiện phe Cộng hòa đang muốn sử dụng thời hạn chót đó để buộc ông Obama thỏa hiệp. Bộ trưởng Tài chính Jack Lew cho biết ông sẽ không còn đủ tiền để thanh toán các hóa đơn của nước Mỹ trừ khi Quốc hội có hành động trước ngày 17-10. Và khi đó viễn cảnh khó tưởng tượng nhất sẽ xảy ra: Chính phủ Mỹ vỡ nợ!

Việc nước Mỹ có vỡ nợ hay không, giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhượng bộ giữa các bên trên chính trường Mỹ. Cho tới thời điểm này vẫn chưa thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về sự xuống thang của hai bên. Yếu tố bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2014 và cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 càng làm cho các bên quả quyết hơn với quan điểm của mình. Các nhà phân tích cho rằng, khơi dậy khủng hoảng, phe Cộng hòa hy vọng sẽ giành lợi thế trong các cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, mọi tính toán đều có thể sai lầm, thậm chí yêu sách đòi Obamacare ngừng hoạt động sẽ thành “gậy ông đập lưng ông” đối với Đảng Cộng hòa. Hiện, chưa rõ bao giờ Chính phủ Liên bang mới có ngân sách hoạt động khi lời kêu gọi lập tức ngồi vào bàn đàm phán của Chủ tịch Hạ viện chưa được Thượng viện chấp nhận. Có nhiều ý kiến phê phán gay gắt hai đảng trong Quốc hội Mỹ. Họ cho rằng tất cả các Nghị sĩ không vì lợi ích của quốc gia, mà vì lợi ích của hai đảng, mà các đảng phái ở Mỹ lại nhận được sự hỗ trợ và chịu sự chi phối của các tập đoàn kinh tế. 

Không biết khi kết thúc cuộc chiến ngân sách vẫn tiếp thì vòng nguyệt quế cho kẻ chiến thắng nào, chỉ biết đang có mối đe dọa lớn hơn đối với sự tăng trưởng của Mỹ. Khi đó viễn cảnh khó tưởng tượng nhất sẽ xảy ra: chính phủ Mỹ vỡ nợ!