Vỡ nợ

ANTĐ - Dĩ nhiên cái tôi trong bài viết này không phải là tác giả. Chỉ là được nghe các nạn nhân cũng là các tội nhân kể lại, cám cảnh nỗi oan của một nửa Thị Màu, một nửa Thị Kính mà viết, chỉ mong “đèn giời” soi xét làm cho nhân quần đỡ rên xiết trong địa ngục tiền bẩn. Tất cả những chuyện kể dưới đây là những chuyện có thật, tôi chỉ xin giấu tên người tên địa phương, để người trong cuộc đỡ tủi...


Tôi đã trắng tay, mất thêm con người

Tôi là một công chức, thậm chí là một công chức gương mẫu. Nhờ bố mẹ làm nghề kinh doanh từ thời bao cấp, tôi có nhà cửa tử tế, lấy vợ, đẻ con, gia đình đề huề. Nói vậy để các bạn đọc hiểu nhân vật của chúng ta không phải hạng xuất thân nơi đường chợ với lòng tham và kỹ nghệ lừa đảo có sẵn trong máu. Nhưng vào tuổi 40 thì tôi gặp hạn. Số là có cô bạn cùng cơ quan vay tiền ngân hàng để làm gì đó, nay không trả được, ngân hàng chuẩn bị tịch thu nhà đấu giá. Dĩ nhiên ngân hàng đã đấu giá thì còn được bao nhiêu tiền? Cô ta vận động anh em trong cơ quan xem ai có điều kiện thì mua giúp. Hỏi qua ý kiến bố mẹ, tôi đồng ý vay tiền bố mẹ   mua nhà của cô. Nhà trong ngõ nhỏ, diện tích 40m2 giá có hơn tỷ bạc. Hai vợ chồng mua cũng nghĩ là của để dành, tiền vay của bố mẹ, lúc nào trả cũng được...

Mua xong hai vợ chồng bỏ mấy ngày nghỉ, thuê thợ sơn vôi quét tường, sửa sang cửa giả. Chỉ ba tháng sau, có nằm mơ hai vợ chồng cũng không nghĩ đến khi có người đến hỏi mua, trả giá đến 3 tỷ đồng. Bán, bán chứ! Hai vợ chồng không bàn mà cùng ừ. Cầm hơn tỷ bạc sau khi trả nợ, hai vợ chồng xin nghỉ phép cõng con làm một chuyến xuyên Việt. Thú vị vô cùng. Thì ra buôn địa ốc, hay đầu tư bất động sản không phải là đặc quyền của ai cả. Mình cũng làm được! Chúng tôi bước vào con đường buôn bán bất động sản dễ như vậy đấy.

Chả mấy chốc, được trời thương, chúng tôi trở nên giàu có. Tỷ phú thì chưa, nhưng triệu phú đô la thì đã. Tôi mua nhà rồi cầm cố nhà, mua nhà nữa, bán nhà trả ngân hàng, mua nữa, bán nữa. Từ nhà đơn lẻ, sang đầu tư mua đất, mua nhà dự án lúc nào không hay. Lúc nào tài sản tôi cũng tròm trèm trăm tỷ, số nợ cũng chỉ vài chục tỷ là cùng.

Đột nhiên, Chính phủ thi hành Nghị quyết 11 thắt chặt chi tiêu công, hạn chế cho vay phi sản xuất, trong đó có bất động sản. Quan trọng không phải là ngân hàng không cho tôi vay tiền mà là đột nhiên nhà đất không ai mua nữa. Cứ nghĩ là không sao cả! Rồi đến lúc ngân hàng đòi nợ. Gấp quá, không còn cửa xoay, tôi bấm bụng vay ngoài với giá 10 ngày lãi 10 phân, nghĩa là một triệu lãi 10 ngàn một ngày. Vay một tỷ, mất trăm triệu đáng là bao nhiêu, bán một cái nhà là lãi mấy trăm, thậm chí là chi thêm cho anh giúp mình vay nợ vài ba chục triệu nữa cũng có sao!

Nhưng rồi những đám mây đen đã bắt đầu kéo tới, mãi không tan. Anh bạn chuyên đi vay hộ, buổi tối đến nhăn nhó: Trả nợ rồi, nhưng ngân hàng không được cho vay tiếp. Vậy là vay 3 tỷ, riêng lãi không đã là ba mươi triệu một ngày. Hai vợ chồng đến chủ nợ nói khó, chủ nợ giảm xuống 5 ngàn/triệu/ngày. Lãi giảm phân nửa. Mừng quá. Nhưng rồi các khoản nợ khác đến hạn cứ kéo đến, mấy dự án đốc thúc đóng tiền kỳ hai, nếu không thì cắt hợp đồng. Nuôi mãi, bây giờ mất thì tiếc lắm. Vậy là vay, ngân hàng lãi chỉ hơn 1% một tháng chứ bên ngoài thì lãi suất phải 6% - 9% người ta mới cho vay. Mà chả phải nói khó với ai cả, nghe tên chúng tôi là người ta ào ào đến cho vay, thậm chí mấy cửa hàng cầm đồ, vàng bạc còn cử người đến tiếp thị: Cần tiền anh chị cứ lại nhà, chỗ quen biết không phải nghĩ. Đến nỗi trong lúc cần tiền vợ tôi ra cửa hàng vàng bán 5 chỉ vàng, loanh quanh thế nào lại vay được 50 cây vàng. Dĩ nhiên là lãi cắt cổ rồi.

Nhưng rồi nhà đất không bán được, đến hết hạn cầm cố, hai vợ chồng đành bán rẻ bớt. Nhưng lạy Chúa, chỉ mới có 9 tháng trời số nợ của chúng tôi đã tăng gần gấp đôi. Lãi chồng lên lãi. Bây giờ không chỉ vay món mà ngày nào cũng vay, vay để trả lãi. Vay khắp họ hàng, vay sang cơ quan, vay sang người quen... Mà trước thì còn tài sản, dễ vay lắm, bây giờ nhà đất cầm cố hết rồi, còn mỗi cái ô tô, bán nốt thì ra mình vỡ nợ à? Nhưng đúng là chúng tôi đã vỡ nợ. Vỡ nợ từ khoản vay ba tỷ đầu tiên chứ không phải bây giờ vỡ nợ 60 tỷ. Và sự kiện đau khổ nhất cuộc đời đã đến. Một đám hai chục thằng đầu trọc vây nhà tôi đòi nợ. Sau sáu lần hẹn, chúng tuyên bố chỉ xin tôi một cánh tay. Tôi không dám về nhà nữa. Chỉ mới vậy 80 con nợ đã ào đến đòi phá nhà tôi lấy đồ. Khổ quá chúng tôi còn gì nữa đâu. Tổng kết chỉ riêng trả lãi, tôi đã mất gần 30 tỷ, nhà đất bán rẻ mất vài chục tỷ nữa. Ngay ngôi nhà tôi đang ở cũng cầm cố dưới dạng viết giấy bán rồi.

Suốt một đêm nằm nhà trọ, hai vợ chồng ôm nhau khóc. Con gửi nhà ông bà rồi, không biết chiều nay nó đi học về ăn uống ra sao, đêm nay ngủ thế nào. Mở ti vi tỉnh nhà ra xem, thấy bao nhiêu người đứng cửa nhà tôi khóc lóc, họ nói tôi lừa đảo, tôi làm họ tan cửa nát nhà. Trong số người khóc, rất nhiều, rất nhiều người, đã lấy lãi gấp mấy lần tiền cho tôi vay. Chính họ ăn thịt tôi chứ tôi ăn thịt làm sao được họ. Nhưng vay mà không trả, vay trả nợ mà ghi giấy là vay kinh doanh thì đúng là lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi. Tôi có tội, tội tôi tày trời. Nhưng giá như ngân hàng thu nợ tôi ba tỷ hồi tháng hai lại cho vay tiếp thì cái vòng kim cô nặng lãi không thể siết vào cổ chúng tôi được. Giá như tôi tỉnh táo ngay đầu không vay nặng lãi... giá như...

Chuyện nhỏ như con thỏ

Đến bây giờ tôi đã trở thành nguyên sinh viên, nghĩa là không được đi học nữa, là vô … học. Cho dù tôi từng đã có 12 năm là học sinh giỏi trường huyện, đỗ đại học điểm cao, năm thứ nhất đại học toàn điểm giỏi. Cái yếu điểm duy nhất của tôi là đẹp trai. Học giỏi, đẹp trai làm sao không sĩ diện? Nhưng sĩ diện thì cần có tiền, mà tôi thì không có! Ba mẹ tôi là người nghiêm khắc, ông bà đã định mức mỗi tháng 2 triệu là 2 triệu mỗi tháng. Đừng hy vọng thêm một xu lẻ. Thì ba mẹ không cho đã có các đàn anh ngoài cổng trường cho. Tôi trở thành “cầu thủ” từ lúc nào không rõ với một master cá độ bóng đá dành cho tất cả các bạn nam sinh viên trong trường có nhu cầu tìm vận đỏ.  Hoa hồng trích thêm cộng với tiền com giúp cho tôi quần là áo lượt và cũng giúp tôi rủng rỉnh “chăn” được vài con chim ăn vàng, mấy cô sinh viên dân chơi. Nhưng tiền thua bóng của anh em nộp tôi cũng nộp, khốn nỗi là không nộp vào chủ bóng mà nộp “nhầm” sang chủ lô. và rất nhanh chóng, sự nghiệp làm bóng của tôi bắt đầu báo động đỏ.

Đến cuối năm thứ 2, số nợ của tôi tại “cửa” các anh cả bóng cả lô đã lên đến suýt soát nửa tỷ.  Đâu phải nợ không, mà còn là nợ lãi. Cứ tưởng cái “khó ló cái khôn” chỗ nào vay được là cắm đầu cắm cổ đi vay bấp chấp lãi cao cắt cổ, lấy “thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược”. Hết vay lãi để trả lãi, tôi lại quay sang lấy một bát họ năm mỗi ngày đóng 300 nghìn nghĩa là lấy được trước 80 triệu, đóng cả năm cho đủ 365 ngày. Mới đầu thì dễ lắm. Tôi liệt kê ra cả một danh sách vay tiền, nam có, nữ có, anh em, bạn bè... ai vay được là tôi vay hết. Mới đầu thì dễ lắm, có 300 nghìn chứ nhiều nhặn gì. Buổi chiều ghé qua phòng nữ: Em có tiền cho anh vay 300 nghìn? Sẽ có một em rón rén trèo lên giường tầng mở cái rương tôn lấy cho tôi ngay. Nhưng không diễn được mãi. Chỗ nào cũng vay, ngày nào cũng vay, gặp ai cũng hỏi tiền, mọi người tưởng tôi “nghiện”. Họ sợ, họ  đòi tiền, đòi mãi không được họ chán, họ tránh, họ lánh xa tôi…

Đóng được đến gần nửa năm thì tôi hết cửa, lại xin được lấy một bát họ khác ngày đóng 450 ngàn, trả hết cho bát họ trước, cầm về được ít xu lẻ để dành đóng họ thời gian đầu. Nhưng bát họ này mới được dăm bữa nửa tháng thì tôi “bết”, một ngày 450 ngàn, tiền tươi, thóc thật, chậm ngày nào người ta truy tận nơi trọ, mà cái giống đi thu họ, chỉ cần chậm tiền 1 ngày thì chúng chửi cho nhục hơn cả loài... chó.

Chuyện gì đến rồi cũng phải đến. Tôi chính thức “chết lâm sàng”, không còn khả năng đóng nổi lãi dù chỉ 1 ngày. Chủ nợ khoanh vùng. Nhẩm ra tất cả các khoản nợ, 1 thằng sinh viên kiết xác như tôi giờ gánh trên người số nặng hơn tỷ bạc. Đừng nói là tôi, mà ngay cả đến gia đình tôi ở quê, có bán hết cả nhà cửa, tài sản đi may ra trả được một nửa. Tôi rùng mình, mất ngủ triền miên. Sự học gần như chấm dứt, đi thi tôi cũng còn không dám ló mặt lên trường, thay đổi chỗ trọ liên tục vì chủ nợ săn tìm.

Trốn mãi cũng không thoát, chúng mò về quê đem giấy nợ tôi viết báo nợ với bố mẹ thay tôi. Bố mẹ tôi không tin, gọi điện lên run run hỏi: “Có phải giả mạo không con? Con nói đi... Con giết bố mẹ không dao rồi...”. Còn nói gì được! Tôi lặng người, mồ hôi vã ra như tắm, bật khóc nói câu xin lỗi đấng sinh thành, tắt điện thoại, gói ghém quần áo, gọi cô người yêu cuối cùng ra xin ít tiền lộ phí, nhờ nhắn lại cho bố mẹ tôi không phải trả nợ, tôi làm tôi chịu, nếu còn được làm người sẽ trở về báo hiếu, ngược thẳng lên Lạng Sơn làm cửu vạn cho đến bây giờ. Chấp nhận sống kiếp không gia đình, quyết tâm kiếm tiền trả nợ trở về. Nhưng đồng tiền lao động đâu dễ kiếm, cả năm trời dành dụm, làm quần quật như trâu không nghỉ cũng chỉ để ra được dăm chục triệu. Món nợ tiền tỷ kia biết đến bao giờ mới đủ, nghĩ đến ngày về sao mà dài lê thê.

Có đứa bạn đi du lịch Lạng Sơn, vô tình gặp, thở dài cho biết: từ hồi mày vỡ nợ, bỏ trốn, bao nhiêu người tiếc cho mày.

Chao ôi! Đến hạng tôi mà cũng có ngày vỡ nợ, tiền tỷ hẳn hoi mới khó tin chứ!

Những giấc mộng hoàng kim

Theo nghề nghiệp của cha mẹ, trưởng thành, lấy vợ ở riêng, tôi cũng thuê nhà mở cửa hàng buôn loại hàng hoá muôn đời không ế: hàng vàng. Kể ra mua cho người bán, bán cho người mua, buôn đầu chợ, cuối chợ cũng đủ ăn, đủ tiêu, thậm chí nói mình giàu kể cũng không ngoa. Nhưng khổ nỗi đối với vợ tôi thì không có khái niệm đủ. Tiền phải đẻ ra tiền, người ta kiếm được tại sao mình không làm được? Chuyện ấy với mọi người thì khó, nhưng với vợ tôi không gì là không thể.

Chứng khoán thời được giá, nàng đòi ôm tiền lao vào chơi. Tôi kiến quyết không nghe. Nàng tru tréo bĩu môi: anh đúng là đồ khờ, giương mắt ra mà xem gái này. Nàng đi vay 50 cây vàng bán đi với giá 29 triệu một cây lấy tiền lao vào môn chứng khoán trứng vịt. Cũng buôn ra buôn vào, sáng gác chéo chân cà phê Nhân, chiều lên Liễu Giai xem chợ OTC. Trời cho bà vợ xinh đẹp của tôi, chứng thời được mùa, đánh đâu thắng đấy. Chỉ ba tháng nàng kiếm cả tỷ bạc. Cái nghề mới vào chợ, cờ bạc đãi tay mới, mà thời đấy ai chơi chứng khoán mà chả được, các tay mơ lại cứ nghĩ mình là người giỏi, thiên hạ kiếm tiền ai sánh bằng. Thấy được đà, nàng vay tiếp 50 cây vàng nữa, bán với giá 34 triệu/cây để cho khoẻ vốn, hốt mẻ to. Ai ngờ chứng khoán thành trứng vịt nở ra vịt ốm giẫy đành đạch, chỉ số chứng khoán tụt một mạch cả trăm điểm, chứng khoán tụt giá thê thảm không bằng mớ rau ngoài chợ mà bán cũng chả ma nào thèm mua, cùng lúc đó giá vàng vọt phi mã, 38, 39 rồi trên 40 triệu/cây. Cả trăm cây vàng đi vay giờ tăng lên gần gấp rưỡi.

Nhưng vợ tôi không chấp nhận. Nàng là người kiên cường. Cứ mỗi lần chứng khoán xuống, nàng lại kêu: đáy rồi, không thể xuống nữa. Phải tiếp tục ôm vào, mã sau cứu cho mã trước. Không còn tiền thì đi vay. Và cứ trông cái cửa hàng vàng choé đồ trang sức, lóng lánh xanh biếc bao nhiêu là ngọc thạch, vợ tôi không vay được tiền mới là chuyện lạ. Dĩ nhiên là lãi suất cao. Nhưng “buôn chứng” mãi vẫn không gỡ được, lãi mẹ đẻ lãi con, tiền vay ngày một nhiều. Thế là nàng xoay ra cho vay tiền trên sàn chứng khoán, thủ tục nhanh, lòng tin là chính. Nàng vay lãi cao rồi cho người ta vay cao hơn lãi thực, vừa có tiền đóng lãi, vừa có tiền ăn ra. Nhất cử lưỡng tiện. Nhưng chứng khoán giờ ngắc ngoải, khách vay ngày một thưa thớt. Không hiểu nghe ai, nàng bắt đầu đi theo các sới bạc làm tín dụng. Nàng chăm đi lễ lắm, nay đền ông Bảy, mai quan lớn đền Tranh. Nghĩ nàng sùng tín có thể đỡ sự phiêu lưu, tôi cũng không ngăn cản. Sau này tôi mới biết những đêm đi xa ấy, phần lễ thì ít, mà phần bạc thì nhiều. Nàng ngồi sới làm tín dụng, ai hết tiền là có ngay. Phàm vay đánh bạc thua thì trả lãi thấp, nhưng thắng thì không chỉ cho người cho vay lãi cao mà còn biếu thêm gọi là ra lộc. Nghề này, kể ra vợ tôi làm ăn cũng được lắm. Chỉ hiềm một nỗi, vợ tôi có quá nhiều khách thì thụt, dáng vụng trộm. Người vào thu lu một gói, người ra cũng thu lu một gói. Tôi nhìn thấy rõ đấy là gói tiền. Nhưng làm sao được, mình tôi một quầy hàng, kiêm luôn thợ gia công đồ trang sức, cũng chẳng còn hơi mà chú ý.

Thế rồi ngày khủng khiếp cũng tới. Một hôm, vợ tôi khai đi lễ đền ông Mười tận Nghệ An, lẽ ra phải chiều hôm sau mới về. Nhưng trời đã mờ sáng, nàng đã đập cửa. Thân  nàng ướt sũng, hốt hoảng chạy vào nhà. Đang cơn ngái ngủ, tôi cằn nhằn: Đi đâu mà về muộn thế. Đàn bà con gái phải biết giữ gìn. Ai ngờ nàng quỳ sụp xuống ôm lấy chân tôi. Nàng nức nở: “Anh ơi! Em mất hết rồi... Em mất sạch rồi...”. Bây giờ tôi mới chú ý, mặt nàng tái nhợt, tóc tai bù xù. Phải một lúc nàng mới làm cho tôi hiểu được sự việc. Thì ra nàng mang theo hơn trăm nghìn đô la và hai tỷ tiền đồng theo một sới bạc lớn tổ chức đánh trên Ba Vì. Ai ngờ công an mật phục, tổ chức quây chặt, mấy chục người bị bắt, vợ tôi tuông rừng bỏ chạy mất cả túi tiền, các con nợ thì bị bắt cả. Hơn bốn tỷ  đi tong. Mặt tôi bấy giờ cũng thần ra. Lấy tiền đâu mà trả nợ bây giờ. Chính tôi cũng không dám hỏi vợ số nợ của nàng giờ còn nợ bao nhiêu. Tôi sợ.

Kể từ ngày ấy, vợ tôi đi lại làm việc như ninja. Che mặt bằng một cái khẩu trang lớn, đội mũ bảo hiểm trùm đầu, ăn nói thì thầm, nhỏ nhẹ. Nhưng dẫu có “đi nhẹ, nói khẽ” thì khách đến với nàng vẫn nhiều hơn. Bao nhiêu đêm nằm khuyên nhủ nàng, cố gắng thuyết phục vợ đứng quầy bán hàng, nợ nần từ từ giải quyết, vừa nhàn nhã, vừa thoải mái không phải lo lắng. Nhưng nàng không nghe. Nàng khăng khăng, anh cứ đợi em giải quyết khó khăn này rồi em thôi, không làm nữa. Thì đạn đã ra khỏi súng, sao thể dừng được nữa. Một ngày, lại một ngày, vợ tôi lại đi lễ xa. Mãi chiều tối đóng cửa hàng đi ngủ, lật gối lên tôi thấy có gói gì bên dưới. Vội mở ra, tôi thấy có 26 cây vàng và một lá thư. Lá thư viết: “Anh yêu quý! Cuộc đời em thế là hỏng rồi. Em vỡ nợ rồi, nhiều lắm, không trả nổi đâu. Em sẽ đi thật xa, thật xa, không làm phiền đời anh nữa. Tất cả các giấy nợ là do em viết, em ký tên, không liên quan đến anh. Nhà và cửa hàng là của bố mẹ anh để lại, anh đưa lá thư này cho công an, nhờ họ giải quyết giúp. Vĩnh biệt anh!”.

Tôi bàng hoàng! Tổng số nợ của nàng là 60 tỷ, nàng vay chỗ thấp lãi cho vay chỗ cao lãi và khi người vay của nàng vỡ nợ, kéo theo luôn cả nàng. Tôi bán hết nhà cửa thanh toán được phân nửa nợ. Tôi không phải tìm vợ, vì nàng đâu có đi xa. Nàng ra vườn cây ngoại thành và ra đi từ đó. Nàng treo cổ tự tủ. Nói như một nhà thơ: Nàng bay vào không gian.

Vài lời cuối

Bất cứ một vụ vỡ nợ nào cũng có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tàì sản. Có thể là nói vay cho mục đích này nhưng sử dụng tiền cho mục đích khác, một tài sản thế chấp nhiều nơi, cũng có thể có dấu hiệu tội phạm lạm dụng chiếm đoạt tài sản khi anh bỏ trốn không thanh toán nợ. Đó là căn cứ kết tội theo tiêu chuẩn pháp luật.

Nhưng có ai thắc mắc một vấn đề là hầu hết người vỡ nợ đều không còn tài sản tiền bạc gì? Dĩ nhiên phải trừ số ít những kẻ lừa đảo thật sự, tẩu tán tài sản, giấu giếm tài sản trước khi bị bắt. Vậy thì đã đến lúc phải xem xét động cơ, áp lực buộc họ phải đi vay, đã đến lúc phải xem xét những yếu tố vi phạm pháp luật của người khác đẩy những người bị vỡ nợ vào việc vi phạm pháp luật. Đó là những kẻ cho vay nặng lãi, những người đòi nợ bằng các biện pháp không được pháp luật cho phép.

Chúng ta không bào chữa cho những người vỡ nợ. Vì lòng tham, vì sự ngu dốt họ đã hại rất nhiều người và hại chính họ. Vấn đề, qua một số mẩu chuyện này là chúng ta thiếu hẳn một công cụ tín dụng dân sinh và cũng thiếu hẳn một cơ chế phá sản cá nhân có pháp luật bảo vệ. Trước cơn bão phá sản hiện nay, rất cần các nhà làm luật, các ngân hàng quan tâm tới nhu cầu đó.