Vỡ mộng nơi “đất hứa”

ANTĐ - Những tưởng sẽ có cơ hội đổi đời khi đi xuất khẩu lao động tại Thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út, thế nhưng giấc mơ của 12 công nhân Việt Nam bỗng chốc tan thành mây khói khi bị “đày” tới một vùng hoang mạc xa xôi. Bị bỏ đói, bị đe dọa, đánh đập khi từ chối làm việc do điều kiện lao động không đúng như trong hợp đồng, những công nhân này hiện vẫn chưa có lối thoát.

Những gương mặt lo lắng của thân nhân các lao động đang bị bỏ đói tại Ả rập Xê út


Lời cầu cứu đến từ sa mạc

Cả 12 lao động nói trên đều xuất thân là những nông dân nghèo ở các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh. Theo hợp đồng mà họ đã ký với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 1 Hà Nội (HICC1) thì 5 trong tổng số 12 công nhân sẽ được làm việc theo đúng chuyên môn là lái máy xúc, thợ xây và hàn xì. Số còn lại sẽ được bố trí làm công nhân đóng gói sản phẩm trong nhà máy và tất cả số lao động này đều được làm việc tại Thủ đô của nước sở tại.

Ngày 25-10-2011, những công nhân này được HICC1 đưa lên máy bay và có mặt ở nước bạn. Thế nhưng oái oăm là thay vì được đưa tới Thủ đô Riyadh thì họ lại bị chuyển tới sa mạc cách đó hơn 800km. Công việc cũng hoàn toàn trái ngược với điều khoản trong hợp đồng, họ phải làm công việc của những nông dân với điều kiện vô cùng khắc nghiệt, đó là đi đào hố trồng cây chà là. Cả 12 lao động này cũng không có nơi ăn chốn ở. Hàng ngày họ chui rúc trong những chiếc lều bạt dựng ngoài trời, không chăn chiếu và tạm bợ giữa sa mạc hoang vu.

Quá bất ngờ vì thực tế khác xa với những lời hứa hẹn từ lúc ở Việt Nam của HICC1 nên chỉ sau đó 1 ngày tất cả các lao động đều gọi điện về nhà cho người thân cầu cứu. Trong lúc chờ đợi được giúp đỡ thì cả 12 lao động đều cố gắng làm việc để kiếm cái ăn. Tuy nhiên, sự cố gắng này cũng chỉ kéo dài được 2 tuần vì phải lao động quá vất vả. Sau đó thì tất cả đều đình công vì không thể chịu đựng nổi điều kiện sống tạm bợ, khắc nghiệt ở sa mạc, nơi mà nhiệt độ ban ngày lên tới hơn 40 độ C còn đêm thì tụt xuống âm 20 độ C.

Thêm một bi kịch nữa là do đình công nên chính họ lại phải chấp nhận tình trạng bị bỏ đói do chủ sử dụng lao động kiên quyết cắt nguồn lương thực. Không tiền, không quen biết, không có ngoại ngữ, đã nửa tháng nay, những lao động này chẳng biết bấu víu vào đâu ngoài những cuộc điện thoại khẩn thiết thúc giục người nhà tìm cách đưa họ trở về.

Lo cho con em mình, thân nhân của 12 lao động nói trên liên tục tới trụ sở của HICC1 đề nghị có biện pháp giải quyết cho người nhà của họ. Thế nhưng câu trả lời mà họ nhận được mãi vẫn chỉ là những lời hứa chung chung. Ông Nguyễn Văn Phú, ở Tứ Kỳ, Hải Dương có 2 người con cùng đang “mắc kẹt” tại Ả rập nói: “Nhà tôi có một con trai, một con rể đều đang lang thang đói khát ở bên đó. Mấy hôm nay, anh em nó gọi về liên tục. Nghe con nói qua điện thoại, tôi chỉ biết khóc. Bây giờ tôi chẳng cần tiền nong gì nữa, chỉ cần họ trả con về cho chúng tôi thôi”.

Anh Phí Mạnh Tiệp, cha của công nhân Phí Mạnh Vũ, trú tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất thì hết đứng lại ngồi: “Cháu nhà tôi điện về cho biết chúng nó bị bỏ đói mấy ngày nay. Ngôn ngữ bất đồng, tiền không có, lại ở nơi hẻo lánh xa xôi. Nếu HICC1 không có biện pháp can thiệp sớm thì không biết sẽ thế nào”.

Không biết phải làm gì, những công nhân Việt Nam này thậm chí đang phải tính đến nước liều cuối cùng là bảo nhau cố tình phạm pháp để “được” cảnh sát Ả rập Xê út bắt bỏ tù. Bởi theo họ, bị đi tù thì còn có cái mà ăn và có thể còn được trục xuất về nước chứ cứ lang thang thế này sớm muộn cũng chết. Không chết vì rắn rết cắn thì cũng chết vì lạnh, đói rũ xác ngoài sa mạc.

“Chúng tôi có sai sót”

Đó là sự thừa nhận của ông Trần Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động HICC1. Trong cuộc trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Bình cho biết: “So với những điều khoản trong hợp đồng thì công ty có sai sót khi thực tế các lao động Việt Nam không được làm đúng công việc như đã ký kết”. Tuy nhiên theo ông Bình thì những sai sót đó chỉ mang tính “câu chữ” chứ bản chất công việc thì không có gì thay đổi vì hợp đồng ghi rõ là làm trong một công ty nông nghiệp. Ông Bình lập luận: “Lao động ký hợp đồng là sang đó làm công nhân đóng gói sản phẩm, nhưng chưa có thu hoạch thì lấy đâu ra sản phẩm để đóng gói. Do đó họ phải đi trồng cây trước thì mới có sản phẩm để thu hoạch và đóng gói như đã nói”.

Về lý do có 5 công nhân ký hợp đồng làm ngành nghề khác nhưng vẫn bị đưa ra sa mạc bắt trồng cây, ông Bình lý giải: “Đó là vì các lao động Việt Nam muốn ở tập trung với nhau nên họ tự nguyện bỏ công việc đã ký. Bởi nếu làm đúng công việc thì họ sẽ bị phân đi làm tại các công trình xây dựng rất xa nơi ở của cả đoàn”.

Phản bác lại quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thọ, cha của lao động Nguyễn Văn Trung nói thẳng: “HICC1 chỉ làm việc qua môi giới rồi ký hợp đồng lao động chứ không đi thực tế thị trường bên đó. Thế nên mới có chuyện hợp đồng ký một đằng, thực tế làm một nẻo. Nếu biết phải đi trồng cây ngoài sa mạc thế này chắc chắn không ai dại gì mà ký cả. Đã thế lúc xảy ra sự cố, lao động kêu cứu nhưng công ty vẫn hết sức thờ ơ bởi không có người đại diện bên đó. Chính vì vậy, lao động không biết bấu víu vào đâu”.

Hiện tại, số phận của 12 lao động này vẫn chưa biết sẽ được định đoạt như thế nào. Nguyện vọng của thân nhân họ là yêu cầu HICC1 đưa con em họ về càng sớm càng tốt. Nếu không được thì đề nghị công ty chuyển công việc cho lao động tới một nơi làm mới với điều kiện làm việc đúng như hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, theo ông Bình thì việc đưa lao động về nước là không thể thực hiện được bởi: “Thủ tục rất phức tạp. Chi phí đưa lao động sang là do phía Ả rập Xê út bỏ ra. Nếu chưa hết hạn hợp đồng mà đòi về là họ không chi trả. Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục anh em cố gắng khắc phục khó khăn. Trường hợp xấu nhất là tất cả số lao động này sẽ bị cảnh sát sở tại tống giam và trục xuất. Lúc đó thì họ sẽ mất tất cả không được thanh toán bất cứ khoản tiền gì”. Thế nhưng, trách nhiệm của công ty trong việc ký hợp đồng sai lệch cho người lao động sẽ thế nào thì ông Bình lại không hề nhắc tới.