Vô can đến vô cảm

ANTĐ - Xã hội càng phát triển càng trở nên phức tạp, rắc rối. Ngay cả ngôn ngữ cũng trở nên phong phú, đa sắc màu. Chỉ một chữ “vô” mà đã có biết bao nghĩa.

- Trong vốn liếng chữ nghĩa nông cạn của tôi chỉ có: vô duyên, vô cớ, vô lý, vô tình, vô nghĩa, vô phúc, vô vọng…

- Nay có thêm vô cảm, vô can… Chung quy cái chữ “vô” cũng chỉ có nghĩa là “không”. Ví dụ như cuối năm 2010, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư thời đó nói vô can trong việc thất thoát ngân sách Nhà nước tại Vinashin.

- “Nói không” trong ngành giáo dục thật là khó, chứ “nói không” với thua lỗ, thất thoát tài sản, vốn của Nhà nước thật quá dễ. Ông Bộ trưởng mới vừa trả lời cũng nói không nắm được thất thoát của Vinalines.

- Vô can với hàng trăm tỷ đồng ném xuống biển thì cũng không phải vô cớ. Nhưng chuyện dịch tai xanh xuất hiện ở Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, nhất là chuyện người tiêu dùng phát hiện thịt lợn tai xanh được chế biến thành ruốc hay mắm tép chưng thịt và xúc xích có giòi… thì ngành y tế, thú y, nông nghiệp không thể không có liên quan đến mức vô can.

- Nghe báo chí nói, “ông” nông nghiệp chịu trách nhiệm chín ngành thực phẩm, trong đó tất cả những món gì có dính dáng đến thịt. Còn “ông” y tế chỉ chịu trách nhiệm năm thứ thực phẩm như thực phẩm chức năng, phụ gia, nước uống đóng chai…

- Một chuyện kinh khủng như thế, liên quan đến sức khỏe và tính mạng người dân ở ngay thủ đô mà chẳng có ông thanh tra nào “khám phá” ra thì quá vô lý. Nói gì đến những lỗ hổng, thất thoát to đùng ở các tập đoàn, tổng công ty.

- Sự vô can đến vô cảm, theo ngu ý của tôi, chẳng qua là vì sợ trách nhiệm, sợ mất chức, mất ghế. Thế nên kết thúc phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ nói rằng cán bộ công chức phải nâng cao năng lực hành động, sát thực tiễn không sợ mất chức, mất ghế.