Vô cảm

ANTĐ - Xung quanh chúng ta không ít người bàng quan, vô cảm với nỗi đau đồng loại. Cách đây mấy tháng, miền Trung lũ lụt xảy ra triền miên, ở Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị… nước ngập lưng vách, có nơi lút mái nhà. Dân vùng lũ cơ cực, người bám ngọn cây, người leo cột điện, người ngồi tuyệt vọng trên mái ngói, “màn trời chiếu nước”…thế mà cũng vẫn có những người mượn chuyện quyên góp giúp đỡ đồng bào để “đánh bóng” tên tuổi mình với những gói quà quá hạn sử dụng.

Bốn cháu nhỏ thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội rủ nhau ra chơi trong khu vực công trường xây dựng cầu đường hầm thuộc tuyến quốc lộ 2 (đoạn qua thôn Thạch Lỗi). Vì trời mới mưa, đất đỏ trơn nên bị trượt ngã, lần lượt các cháu rơi xuống một hố nước do Công ty cổ phần cầu, hầm Đông Hải đào làm đường hầm qua quốc lộ 2 Hà Nội - Lào Cai. Ba bé gái xấu số đã ra đi trong sự đau khổ vô cùng của gia đình, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ một cơ quan nào nhận trách nhiệm.

Chiều ngày 3-10, một cán bộ UBND xã Thanh Xuân cho biết, khu vực của đơn vị thi công mình có trách nhiệm gì mà để ý. Khi đã bàn giao xong mặt bằng cho đơn vị thi công, xã không có trách nhiệm (?)Trong khi dư luận đang đặt câu hỏi phân định trách nhiệm của chính quyền xã và đơn vị thi công để làm sáng tỏ vụ việc nhằm xoa dịu bớt những nỗi đau mất người thì đây là một sự vô tâm, vô cảm trước những bất hạnh của con người. Cũng lại như vụ việc sau khi ăn Rằm tháng Bảy, 4 em nhỏ ở huyện Từ Liêm, Hà Nội rủ nhau đi tắm rồi chết đuối dưới ao nước công trình dự án nút giao thông từ làng Phú Đô lên đại lộ Thăng Long được thi công dở dang hàng năm trời, nhưng đơn vị thi công không cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Sau hàng loạt sự cố liên quan đến tay nghề và y đức của một số bác sĩ như vụ  thiếu nữ chết ở Năm Căn - Cà Mau hay sản phụ đẻ rơi ở Bạc Liêu hoặc cháu bé chết trên đường chuyển viện muộn mằn… Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám, chữa  bệnh - Bộ Y tế, cho rằng để xảy ra một số vụ việc như trên có thể do hoàn cảnh khách quan hoặc chủ quan, tay nghề bác sĩ chưa tốt… Đành rằng do điều kiện làm việc thiếu thốn, căng thẳng khi mỗi phiên trực phải theo dõi hàng chục bệnh nhân, mà con bệnh nào cũng rên rỉ, kêu la đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn thì không bác sĩ nào có thể đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu, nhưng trong giao tiếp, họ chưa tôn trọng bệnh nhân, kiệm lời giải thích, nhiều khi bị coi là … vô cảm.

Xung quanh chúng ta không ít người bàng quan, vô cảm với nỗi đau đồng loại. Cách đây mấy tháng, miền Trung lũ lụt xảy ra triền miên, ở Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị… nước ngập lưng vách, có nơi lút mái nhà. Dân vùng lũ cơ cực, người bám ngọn cây, người leo cột điện, người ngồi tuyệt vọng trên mái ngói, “màn trời chiếu nước”…thế mà cũng vẫn có những người mượn chuyện quyên góp giúp đỡ đồng bào để “đánh bóng” tên tuổi mình với những gói quà quá hạn sử dụng. Cho dù trong cộng đồng vẫn duy trì những giá trị đạo đức cổ truyền như “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” mà chúng ta vẫn thường thấy qua các hành động xả thân vì người khác, tương thân tương ái trong lúc hoạn nạn thì vẫn có thể nêu ra vô số thí dụ cho sự hiện diện của thái độ sống vô cảm trong xã hội hiện nay như nạn đinh tặc gây ra những tai nạn thương tâm vẫn còn tiếp diễn, dửng dưng trước nỗi đau của người khác, hành xử kiểu “mackeno” (mặc kệ nó) như bỏ mặc người bị nạn không cứu, thậm chí còn xông vào hôi của… Có thể nói thái độ vô cảm đó là sự khủng hoảng ý thức trách nhiệm xã hội. Để tiêu diệt tận gốc căn bệnh vô cảm thì phải nhận thức rõ đó là “chuyện không chỉ của riêng ai” để chung tay hành động. Ngày ngày chúng ta đều có thể thấy những vấn đề nhức nhối của xã hội như không chấp hành luật lệ giao thông, vượt đèn đỏ, tai nạn, rác thải, ô nhiễm môi trường, một phận thanh niên đua đòi, ăn chơi, hư hỏng... Đó đã là vấn nạn, nhưng rồi ai cũng tự an ủi rằng đó không phải việc của mình.

Đã đến lúc cộng đồng nên ý thức được rằng chẳng những bản thân sự vô cảm là một tội ác, mà việc làm ngơ trước sự vô cảm cũng chính là một tội ác, không hơn không kém.