Vitamin không phải lúc nào cũng tốt

ANTĐ - Vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, nhưng không có nghĩa giúp con người không phải đến bệnh viện hoặc sống lâu hơn. Chúng ta có thể có đủ chất dinh dưỡng từ một chế độ ăn uống cân bằng, riêng bổ sung vitamin và khoáng chất liều cao chỉ thích hợp cho những người nhất định, thậm chí nếu quá liều còn có thể gây hại.

Beta-Carotene: Nguồn thức ăn cung cấp Beta-Carotene là cà rốt, cải xoăn, dưa đỏ. Đây là chất chống oxy hóa – được cho là có tác dụng ngăn chặn ung thư. Tuy nhiên, đến nay chưa có bằng chứng chứng tỏ nó có thể ngăn chặn được bất kỳ bệnh ung thư nào, thậm chí, Beta-carotene còn làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở người hút thuốc lá.

Folic Acid: Có trong bánh mì, ngũ cốc, các loại đậu, Folic Acid có tác dụng ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, cụ thể là làm giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, một số bác sỹ cho biết bổ sung thực phẩm có Folic Acid có thể thúc đẩy nguy cơ ung thư ruột kết. Do đó, chỉ có phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai được khuyên nên bổ sung Folic Acid.

Vitamin B6: Khoai tây nướng, chuối, đậu xanh giàu vitamin B6, chất được coi là giúp ngăn chặn suy giảm tinh thần. Ngoài ra, B6 làm giảm homocysteine, một dạng axit amin lấy từ protein trong thức ăn, hấp thụ vào máu và làm tăng nguy cơ bệnh tim nhưng tác dụng ngăn chặn các cơn đau tim không rõ ràng. Vì thế, loại vitamin này chỉ uống bổ sung khi bác sĩ đề nghị.

Vitamin B12: Rất giàu trong cá, tôm, cua, sò, hến, thịt bò nạc, ngũ cốc…, vitamin B12 giúp ngăn chặn suy giảm tinh thần liên quan đến tuổi tác và tăng cường năng lượng. Nếu thiếu vitamin B12, có thể gây ra thiếu máu và mất trí nhớ ở người cao tuổi. Tuy nhiên, bằng chứng cụ thể chưa được chứng minh nên chỉ uống bổ sung khi bác sỹ kê đơn.

Vitamin C: Chủ yếu có trong quả họ cam bưởi, dưa hấu, cà chua…, vitamin C được cho là chất chống oxy hoá giúp chống ung thư hoặc bệnh tim. Về tác dụng ngăn ngừa cảm lạnh, một nghiên cứu từ 30 thử nghiệm lâm sàng không tìm thấy bằng chứng chứng tỏ điều này, chỉ có trường hợp ngoại lệ là vitamin C có thể giảm rủi ro cho những người sống ở vùng khí hậu lạnh hoặc trải qua sự căng thẳng về thể chất, chẳng hạn như chạy marathon. Tóm lại, hầu hết mọi người không cần bổ sung vitamin C liều cao.

Kẽm: Nguồn thức ăn giàu kẽm nhất là hàu, thịt bò nạc, ngũ cốc, có tác dụng ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng cảm lạnh thông thường. Một vài nghiên cứu cho thấy ở một số người, triệu chứng cảm lạnh ít nghiêm trọng, sớm biến mất khi dùng thêm kẽm nhưng có những người dùng kẽm vẫn vô hiệu, thậm chí liều cao còn có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Tóm lại, thỉnh thoảng có thể dùng viên ngậm hoặc thuốc xịt chứa kẽm để điều trị cảm lạnh.

Vitamin E: Có nhiều nhất trong dầu ăn thực vật, các loại hạt, rau lá màu xanh lá cây. Chúng ta dùng nó để giúp ngăn ngừa bệnh tim, ung thư và bệnh Alzheimer. Nhưng điều cần biết là vitamin E liều cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.