Vitamin A: Thiếu nguy hiểm, thừa gây họa

ANTD.VN - Thiếu vitamin A có thể khiến trẻ còi cọc, chậm lớn, thường xuyên đau ốm, nhưng thừa vitamin này lại gây loãng xương, hoặc các bệnh về gan.

Vitamin A là một trong những vi chất vô cùng quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhỏ, tuy nhiên, nhiều mẹ vì chủ quan mà bỏ sót nó trong bữa cơm hàng ngày. Điều này không chỉ khiến trẻ gầy yếu, hay ốm đau mà còn dẫn đến những bất thường trong sức khỏe.

Giống như vitamin C, vitamin A giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Vì vậy, nếu thiếu vitamin A, trẻ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn tới dễ mắc các bệnh như: sởi, uốn ván, tiêu chảy kéo dài hay các bệnh về đường hô hấp… Cũng vì lẽ này mà trẻ sẽ còi cọc, chậm lớn.

Ngoài ra, vitamin A có tác dụng bảo vệ sự toàn vẹn của các tế bào giác mạc. Thiếu vitamin A, niêm mạc mắt có thể bị tổn thương, nếu không khắc phục kịp thời, nó thậm chí còn gây ra mù lòa. Thiếu hụt vitamin A cũng là một trong những nguyên nhân khiến  làn da của trẻ trở nên khô ráp, không mịn màng.

Không nhất thiết phải bổ sung vitamin A từ dược phẩm

Báo cáo mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã chỉ ra rằng: 13% trẻ em Việt Nam đang bị thiếu vitamin A. Điều đáng nói là dù mỗi năm qua đều có 2 chiến dịch bổ sung lớn được tổ chức tại trạm y tế của từng địa phương, thế nhưng, tỷ lệ này gần như không thay đổi suốt 1/5 thế kỷ, tức là trong suốt 20 năm qua.

Tỷ lệ trẻ bị thiếu vitamin A không chỉ xảy ra ở nông thôn mà còn ở các đô thị lớn. Ở nông thôn, nguyên nhân là chế độ ăn của trẻ còn nghèo dinh dưỡng, riêng tại các đô thị thì nó lại do chế độ ăn mất cân bằng! Điều này có nghĩa là: cha mẹ thường chỉ chú trọng bổ sung các chất đạm từ thịt, cá, tôm… cho con mà rất ít khi chú ý đến các thành phần dinh dưỡng khác.

Vitamin A có trong những thực phẩm nào và làm cách nào để bổ sung? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: “Vitamin A tồn tại trong rất nhiều các loại thực phẩm khác nhau như: cà rốt, bí đỏ, dầu gấc, trứng, sữa hay các loại cá béo như: cá thu, cá trích, cá hồi..., vậy nên nếu chế độ ăn hàng ngày của trẻ luôn phong phú, đa dạng các loại thực phẩm, bạn không cần thiết phải bổ sung vitamin A từ dược phẩm cho bé”.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Bích Nga cũng khuyến cáo vitamin A là loại vitamin tan trong dầu, thế nên, nếu muốn cơ thể trẻ có thể hấp thu tối đa lượng vitamin này, trong chế độ ăn, bạn đừng quên bổ sung thêm các loại dầu, mỡ. Hàm lượng dầu mỡ mà các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ ăn mỗi ngày tối thiếu là 2,5ml. Riêng với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cách bổ sung vitamin A hiệu quả nhất là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. 

Thừa vitamin A: Trẻ dễ còi xương

Trẻ thiếu vitamin A thường có dấu hiệu điển hình là mắt khô, da khô ráp, sần sùi… Vì thế, nếu nhận thấy bé đang có những bất thường này, bạn hãy nhanh chóng đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra.

Thiếu vitamin A, sự phát triển toàn diện của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên, thừa loại vitamin này cũng sẽ khiến trẻ thường xuyên rơi vào tình trạng buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ... Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tình trạng này lâu dần có thể dẫn tới loãng xương hay các bệnh về gan. Thế nên, trong trường hợp phải bổ sung vitamin A cho trẻ thì bạn phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với một chế độ ăn đa dạng, chúng ta hoàn toàn có thể cung cấp đủ vitamin A cho nhu cầu của trẻ từ nguồn tự nhiên mà không cần đến sự hỗ trợ từ dược phẩm. 

 “Vitamin A tồn tại trong rất nhiều các loại thực phẩm khác nhau như cà rốt, bí đỏ, dầu gấc, trứng, sữa hay các loại cá béo như cá thu, cá trích, cá hồi... Nếu chế độ ăn hàng ngày của trẻ luôn phong phú, đa dạng các loại thực phẩm, không cần thiết phải bổ sung vitamin A từ dược phẩm”.

    Bác sĩ Nguyễn Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia