“Virus” vô cảm lây lan

ANTĐ - Lâu nay, dư luận thường xuyên lên án việc người đi đường thờ ơ, bỏ mặc người bị tai nạn giao thông. Hậu quả đã có không ít người tử vong chỉ vì không được cấp cứu kịp thời. 

Điều đáng nói là thời gian gần đây, tình trạng này diễn ra nhiều hơn. Không khó bắt gặp cảnh hàng trăm người tham gia giao thông dừng xe quan sát sự việc, nhưng số người sẵn sàng trợ giúp người gặp nạn rất hiếm hoi. Luật pháp đã quy định và có hình thức xử lý rõ ràng với “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Nhưng nhìn lại, số trường hợp bị áp dụng các hình phạt là rất khiêm tốn.

Ngoài hiểu như thế nào là tình trạng nguy hiểm thì để có cơ sở xử lý, cơ quan chức năng cũng cần chứng minh ý thức, nhận thức chủ quan của người bị cho là không cứu giúp nạn nhân đang trong tình trạng nguy hiểm. Với những cá nhân không có chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống thì rất khó để bắt họ tham gia cứu người cũng như áp dụng hình thức xử lý. Tuy nhiên nhiều trường hợp có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện việc cứu người nhưng vẫn thờ ơ, bỏ mặc thì rất cần có biện pháp giám sát, xử lý nghiêm khắc.

Liên quan đến vấn đề này, minh chứng gần nhất có thể đưa ra là sự vô cảm, hoạt động theo lợi ích kinh tế của một số bệnh viện, y bác sỹ. Hơn ai hết, các bác sỹ, y tá tham gia khám chữa bệnh nhận thức rõ việc cấp cứu kịp thời có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Tuy nhiên chúng ta vẫn bắt gặp những trường hợp bệnh nhân dù trong tình trạng nguy kịch vẫn không được cứu chữa vì không có tiền. “Virus” vô cảm dường như đang lây lan ngày một rộng hơn trong cộng đồng. Thật khó để xác định “mầm bệnh” xuất hiện từ đâu, chỉ biết rằng nếu một khi những hành động thờ ơ, vô cảm vẫn ngày ngày hiện diện mà không chịu bất cứ hình phạt nào thì chắc chắn không chỉ có bệnh nhân, người gặp tai nạn bị bỏ mặc mà sự ích kỷ cá nhân sẽ tiếp tục len lỏi, phát triển thành một thói quen xấu làm ảnh hưởng đến giá trị đạo đức con người.