Virus H7N9: Nguy cơ xâm nhập rất cao

ANTĐ - Cúm gia cầm H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, cúm gia cầm H5N1 đã và đang xuất hiện tại nhiều tỉnh. Nguy cơ cúm H7N9 xâm nhập vào nước ta rất cao trong khi lại phải lo đối phó với với H5N1 đang bùng phát.

Virus H7N9: Nguy cơ xâm nhập rất cao  ảnh 1
Khó kiểm soát được nguồn gốc, dịch bệnh đối với gà được bán ở các chợ dân sinh, tự phát
Ảnh: PHÚ KHÁNH


26 tỷ USD thiệt hại vì cúm H7N9

Tại cuộc họp khẩn ngày 13-2, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ Quốc gia phòng chống cúm gia cầm cho biết: “Hiện tại Trung Quốc yêu cầu chúng ta phải có kế hoạch đồng bộ hơn, rà soát các biện pháp để có một kế hoạch triển khai quyết liệt huy động tối đa sự vào cuộc của chính quyền, người dân để ngăn  ngừa sự lây lan của virus H7N9, sẵn sàng đối phó với tình huống cao nhất là H7N9 xuất hiện ở Việt Nam”.

Về diễn biến dịch cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc, ông Phạm Văn  Đông, Cục trưởng Cục Thú y thông báo: “Hiện, tại các chợ gia cầm của Trung Quốc, tỷ lệ mẫu gà dương tính virus cúm A/H7N9 nhiều hơn các chủng virus cúm khác. Đồng thời, nhiều mẫu môi trường như phân, chất thải, nước thải… cũng phát hiện virus này. Ngoài ra, có một lượng mẫu nhỏ ở vịt, chim bồ câu dương tính”.

Để khoanh vùng, giảm bớt sự lây lan của đại dịch cúm H7N9, Trung Quốc đã phải triển khai một loạt các biện pháp như giám sát các chợ gia cầm sống có sự hiện diện của virus H7N9; đóng cửa tạm thời các chợ buôn bán gia cầm có phát hiện mẫu gà, vịt dương tính trong vòng 10 tuần. 

Theo đánh giá từ phía các cơ quan Y tế, thú y thế giới, ở những nơi có ca bệnh trên người, việc đóng cửa các chợ có hiệu quả ngay lập tức. Một số chợ sau khi mở cửa trở lại phải áp dụng các biện pháp bắt buộc như chợ bán buôn mỗi tuần đóng cửa chợ 1 ngày, chợ bán lẻ 2 tuần đóng cửa 1 ngày để vệ sinh, tiêu độc khử trùng; đồng thời áp dụng truy xuất nguồn gốc toàn bộ gia cầm bán tại chợ; thiết lập, lưu trữ hồ sơ mua bán gia cầm. 

Cục trưởng Cục Thú y nhận định, nguy cơ virus này xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan đến hoạt động buôn bán, tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) cảnh báo, Việt Nam, Lào và Myanmar là 3 nước  có nguy cơ cao nhất lây nhiễm với virus này.

Tạm cấm buôn bán gia cầm qua biên giới phía Bắc 

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, tại Trung Quốc, số người nhiễm cúm gia cầm H7N9 tăng nhanh theo từng ngày, cứ 4 người mắc thì có 1 người tử vong. Điều này chứng tỏ virus H7N9 có độc lực cao. Trong khi, muốn biết sự tồn tại của loại virus này trên gia cầm phải lấy mẫu xét nghiệm. “Nguy cơ xâm nhập vào nước ta đang hiện hữu hàng ngày, hàng giờ. Chúng ta phải nỗ lực, cố gắng bằng mọi biện pháp cao nhất ngăn không cho virus này xâm nhập vào Việt Nam”.

Để làm được điều này, ông Cao Đức Phát đề nghị tất cả các địa phương tạm dừng nhập khẩu các loại gia cầm giống và sản phẩm gia cầm sống chưa qua xử lý nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam. “Phải ngăn chặn bằng được sự xâm nhập của virus cúm H7N9 thông qua buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới, cấm tuyệt đối việc vận chuyển các loại gia cầm dưới mọi hình thức qua biên giới”. Bên cạnh đó, cần phải lưu ý, virus cúm này không chỉ lây lan qua gia cầm mà còn nhiều con đường khác như phương tiện giao thông, chim di trú, vì vậy phải làm tốt công tác giám sát, phát hiện ngay từ bước đầu nếu có sự xâm nhập. Bộ NN&PTNT đã cử 9 đoàn công tác đến 9 tỉnh biên giới, “nằm  vùng”, mỗi tuần 2 lần lấy mẫu tại 60 chợ trên địa bàn để kiểm tra sự xâm nhập của virus H7N9. 

 Đại diện tổ chức FAO cũng lưu ý, để nâng cao ý thức phòng, chống của người dân thì cần phải có những đợt diễn tập từ cấp Trung ương tới địa phương. Ngoài ra, công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh tại các chợ cũng cần phải đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, ngoài virus cúm H7N9 thì Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều chủng virus cúm khác, do đó cần một kế hoạch dài hơi hơn. 

Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp

Hôm nay 14-2, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây lan sang người.

Kế hoạch nêu ra bốn tình huống về diễn biến cúm H7N9 tại Việt Nam. Cụ thể, tình huống 1: Chưa phát hiện virus cúm trên gia cầm và người; tình huống 2: chưa phát hiện virus trên gia cầm, môi trường nhưng có người mắc bệnh; tình huống 3: phát hiện virus trên gia cầm và môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh và tình huống 4: phát hiện virus cúm trên gia cầm hoặc môi trường và người cũng mắc bệnh. Đây là tình huống xấu nhất. 

Các biện pháp sẽ triển khai tùy theo từng tình huống. Trong đó, nếu phát hiện virus cúm gia cầm H7N9 trên gia cầm, sẽ phân công đội ứng phó nhanh trực tiếp xuống địa bàn để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Huy động tối đa nguồn lực từ các cơ quan thú y Trung ương giám sát dịch tễ…

Trường hợp phát hiện virus cúm trên các mẫu lấy tại chợ sẽ cấm tạm thời việc bán gia cầm sống đối với chợ đó trong khoảng thời gian tối thiểu 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của virus lưu hành. 
Nếu phát hiện virus từ các trại chăn nuôi sẽ truy xuất ngược và xuôi đối với trang trại như gia cầm đã mua hoặc bán đến đâu, ở đâu. Tiêu hủy gia cầm trong trang trại, đóng chửa trang trại trong 21 ngày, tiêu độc khử trùng… 
Nếu virus được phát hiện tại nông hộ sẽ tổ chức tiêu độc, tạm dừng vận chuyển gia cầm trong thôn bản…

Châu Á lo ngại

Bộ Y tế  Campuchia ngày 12-2 đã xác nhận ca tử vong đầu tiên ở nước này trong năm nay do virus cúm gia cầm H5N1 là một bé trai 8 tuổi.  Người em gái 2 tuổi của bé trai này cũng tử vong cùng ngày sau khi có những triệu chứng nhiễm virus H5N1. Ông Sok Touch, quan chức Bộ Y tế Campuchia cho biết, cả hai anh em đã tử vong cách nhau vài giờ tại cùng một bệnh viện hôm 7-2 và đều có tiếp xúc với gia cầm sống trước khi nhiễm bệnh tại ngôi làng ở tỉnh Kratie, phía Đông Campuchia. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này đã xuất hiện ca nhiễm cúm H7N9 đầu tiên. Bệnh nhân là một nữ du khách 76 tuổi, trong đoàn khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trường hợp nhiễm H7N9 tại Malaysia là ca nhiễm H7N9 đầu tiên ngoài lãnh thổ Trung Quốc được phát hiện từ trước đến nay. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện Kota Kinabalu trong tình trạng ổn định, 20 người có tiếp xúc với người bệnh cũng đã được cách ly để kiểm tra.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế Hồng Kông (Trung Quốc) cũng xác nhận một trường hợp mới nhiễm cúm gia cầm H7N9 hôm 12-2, đưa tổng số ca nhiễm H7N9 ở đặc khu hành chính này lên 5 người. Toàn bộ các trường hợp nhiễm virus H7N9 tại Hồng Kông cũng đều nhiễm bệnh sau khi trở về từ Quảng Đông, Trung Quốc. Nhà chức trách Trung Quốc cũng đã xác nhận thêm 3 trường hợp mới nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 tại tỉnh Chiết Giang, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại tỉnh này lên con số 82 người.