Virus cúm A/H5N1đã biến đổi

ANTĐ - Mới đây, Bộ NN&PTNT cảnh báo về loại virus H5N1 mới xuất hiện có sự khác biệt với những virus 2.3.2.1 (cả nhóm A, B) gây bệnh ở nước ta năm 2011. Nhóm virus này có khả năng khiến dịch cúm gia cầm tiếp tục lan rộng trong thời gian tới là rất cao. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng đây chỉ là sự biến đổi bình thường.
Virus cúm A/H5N1đã biến đổi ảnh 1
Biến đổi của virus H5N1 chưa thể tạo ra chủng virus mới
- PV: Xin ông cho biết loại virus mới này có nguy hiểm đến sức khỏe con người hay không?

- PGS.TS Nguyễn Trần Hiển: Từ tháng 8-2011 Tổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO) cảnh báo sự tăng trở lại của dịch cúm A/H5N1 ở các đàn chim và gia cầm do có sự biến đổi, lây truyền và lưu hành phổ biến của virus cúm A/H5N1 phân nhóm 2.3.2.1 ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus biến đổi này có đặc điểm di truyền giống với các virus 2.3.2 được phân lập trước đó (từ năm 2004). Tuy nhiên, sự biến đổi nhỏ này của virus cúm gia cầm không có gì bất thường trong quá trình tiến hóa tự nhiên của virus. Hơn nữa, đây chỉ là biến đổi nhỏ của virus tạo ra một phân nhánh mới, chứ chưa biến đổi lớn để tạo ra một chủng virus mới. Cho đến nay, ở Việt Nam chưa phát hiện được người nhiễm virus H5N1 phân nhóm mới hiện đang lưu hành ở gia cầm.

-  Điều đó có nghĩa dù virus cúm A/H5N1 đã có những biến đổi nhỏ song chưa đến mức phải lo lắng?

- Ngay sau khi có sự xuất hiện phân nhóm mới này của virus cúm A/H5N1 ở nhiều nước, Tổ chức Y tế thế giới cũng thông báo rằng dựa trên các thông tin hiện có, sự biến đổi này không làm tăng các nguy cơ về y tế công cộng đối với con người. Bức tranh về cúm gia cầm ở người vẫn không thay đổi và chưa có sự lây truyền từ người sang người.

Qua theo dõi giám sát các ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 ở người tại nước ta, nhìn chung cho đến thời điểm hiện nay tôi chưa thấy có điều gì bất thường. Tuy nhiên vẫn cần phải tăng cường giám sát virus đang lưu hành ở gia cầm để sớm phát hiện sự thay đổi lớn hơn của virus và đưa ra các chiến lược khống chế phù hợp đối với dịch ở gia cầm và bảo vệ sức khỏe con người.

- Vậy ông có lời cảnh báo nào cho người dân?

- Nguy cơ đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là virus cúm A/H5N1 đang tiếp tục lưu hành và gây dịch ở gia cầm. Nó có thể tiếp tục biến đổi nhỏ trong quá trình tiến hóa tự nhiên, sắp xếp lại các gene trong quá trình nhân lên và phát triển, tái tổ hợp với các virus cúm lưu hành ở động vật và người để hình thành một chủng virus cúm mới có độc lực cao và có khả năng lây truyền từ người sang người. Do đó, ngành thú y phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, cần chủ động tăng cường công tác giám sát virus cúm ở gia cầm và ở người để sớm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thích hợp, ngăn chặn sự lây truyền dịch ở gia cầm và từ gia cầm sang người, phát hiện sớm các phân nhóm virus mới ở gia cầm và chùm ca bệnh viêm phổi nặng bất thường ở người.

Để phòng tránh bệnh dịch này, người dân cần phải thực hiện tốt các khuyến cáo về an toàn vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, nhất là không được giết mổ và sử dụng gia cầm bệnh. Khi có người bị sốt cao liên quan đến gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để khám phát hiện và điều trị kịp thời.