VINPA chỉ ra hàng loạt bất cập trong kinh doanh xăng dầu

ANTD.VN - Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa chỉ ra hàng loạt bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu khi mặt hàng này được điều hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP. 

Hoạt động kinh doanh xăng dầu đang bộc lộ nhiều bất cập

VINPA cho hay, Nghị định 83 đã bổ sung thêm 2 loại hình phân phối xăng dầu mới là thương nhân phân phối xăng dầu và thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu. Quy định này đã giúp tăng số lượng thương nhân phân phối đầu mối, hiện có 29 thương nhân đầu mối và khoảng hơn 120 thương nhân phân phối xăng dầu. 

"Tuy nhiên trong thực tế, quy định này chưa tạo được sự cạnh tranh giữa các loại hình với nhau"- VINPA cho hay.

Về quỹ bình ổn giá, theo quan điểm của VINPA, bản chất của việc trích lập quỹ này là người tiêu dùng đã ứng trước cho Quỹ. Việc sử dụng quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó thị trường và hàng nghìn tỷ đồng dư quỹ để riêng không đưa vào kinh doanh là sự lãng phí.

Về tần suất điều chỉnh giá, Nghị định 83 quy định, "thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Với quy định này, giá bán lẻ trong nước khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh khó dự báo những yếu tố tác động lên giá dầu như: kinh tế, chính trị... liên tục diễn biến phức tạp như hiện nay"- VINPA cho hay.

Đáng chú ý, liên quan đến thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở, VINPA cho rằng thuế này không đúng với Nghị định 83, quá phức tạp, không minh bạch và gây nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ thực tế nêu trên, VINPA cho hay sẽ tích cực tham gia bổ sung, sửa đổi Nghị định 83 để hoạt động kinh doanh xăng dầu đem lại lợi ích cho cả Nhà nước- người dân và doanh nghiệp.

                         Kiến nghị cho sử dụng lại xăng RON 92

Liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, mới đây, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) có công văn đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính một số nội dung có liên quan đến thuế bảo vệ môi trường và chính sách phát triển xăng sinh học trong thời gian tới. Theo kiến nghị của doanh nghiệp này, nếu trong thời gian tới sản lượng xăng E5 vẫn thấp dù đã áp dụng các biện pháp thì nên cho sử dụng lại xăng RON 92.

Theo Saigon Petro, thực tế thị trường cho thấy cả người tiêu dùng, bán lẻ đều không "mặn mà" với xăng E5. Lượng tiêu thụ xăng E5 của các doanh nghiệp tăng so với năm 2017 nhưng tỷ trọng chiếm thấp. Sản lượng tiêu thụ xăng E5 của các cửa hàng kinh doanh chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt cao, ảnh hưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.