Vinh quang và chiến thắng đáng được ngợi ca!

ANTD.VN - Sẽ là một sự liên hệ nhiều khập khiễng, nhưng khi chứng kiến đội tuyển U22 Việt Nam giành Huy chương Vàng môn bóng đá nam SEA Games 30, tôi nhớ lại một bộ phim mình đã từng xem: “Huyền thoại Pelé”. 

Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo đã làm nên kỳ tích cho bóng đá Việt Nam khi lên ngôi vô địch tại kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á sau 60 năm chờ đợi

Bộ phim về huyền thoại bóng đá Pelé thuở thiếu thời ở khu Sao Paulo cho đến khi dẫn dắt đội tuyển Brazil đến chiến thắng World Cup đầu tiên năm 17 tuổi. Sở dĩ như vậy vì ở 2 quốc gia, 2 nền bóng đá khác nhau, nhưng giống nhau ở sự mong chờ của người hâm mộ. 

Nếu như người hâm mộ ở Brazil chờ đợi khoảnh khắc đội tuyển của mình giành Cúp vô địch ở World Cup, thì người hâm mộ Việt Nam mất tới 60 năm để thấy đội tuyển nước nhà đứng trên bục vinh quang với tư cách nhà vô địch ở SEA Games. 

Trước khi trận đấu diễn ra, tôi ngược những nơi tấp nập để từ trung tâm Hà Nội về ngôi nhà của cầu thủ Quang Hải, nơi bố mẹ anh đã chuẩn bị sẵn để sẵn sàng đón bất cứ ai đến xem và cổ vũ cho đội bóng của con trai mình thi đấu. Rất nhiều người đã đến, chủ yếu là những người thân trong gia đình hay làng xóm xung quanh, lác đác có những thanh niên bước vào nhà một cách ngăn nắp, trật tự. Hai chiếc tivi được bật mở ở 2 căn nhà, đáp ứng nhu cầu xem bóng đá và cổ vũ của bất kỳ ai. 

Dù chẳng ai nói ra, nhưng có lẽ nhiều người khẳng định, nếu cầu thủ Quang Hải được thi đấu trong đêm chung kết, dòng người đến với ngôi nhà nơi Quang Hải đã cất tiếng khóc chào đời sẽ đông người hơn thế. Có thời điểm, đã có nhà tài trợ đưa ra sân vận động trước nhà Quang Hải một màn chiếu lớn để phục vụ tất cả người dân, chờ đón chiến thắng của đội nhà. Nhưng với bóng đá, sự huyên náo có thể bớt đi nhưng sự hào hứng thì không bao giờ bị nguội lạnh. Những tràng vỗ tay, những tiếng hò hét, thậm chí những tràng pháo tay vẫn được vỗ vang trong mọi không gian khi đội tuyển Việt Nam ghi bàn.

Sau bàn thắng đầu tiên, bố Quang Hải lặng lẽ thắp lên bàn thờ tổ tiên 3 nén hương. 

Không phải ngẫu nhiên mà bóng đá lại được coi là môn thể thao vua. Thể thao thì không có quốc tịch, bởi tất cả đều giống nhau ở luật lệ thi đấu, nếu có khác thì chỉ có khác nhau màu da, tinh thần dân tộc và những thứ li ti khác. 

“Mọi chiến thắng, mọi Huy chương Vàng đều như nhau bởi đó đều là những nỗ lực, những cố gắng của từng vận động viên để lá cờ Tổ quốc được tung bay, để bản Quốc ca hùng tráng của Việt Nam được cất lên trên đấu trường khu vực. Nhưng riêng bóng đá, nó vẫn có lý lẽ riêng của nó. Và vì thế cũng đừng trách nó được ưu ái hơn chút đỉnh. Tín đồ của bóng đá còn có cả tỷ người trên khắp thế giới cơ mà (?!)”.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Cũng vì vậy, người ta có khi có thể gọi cầu thủ là cầu thủ, có khi người ta vẫn gọi họ là những “nghệ sĩ sân cỏ”. Ngoài kỹ năng, sức khỏe, chiến lược, tầm vóc…, bóng đá có một thứ mà không có nó chiến thắng cũng là thứ xa vời - đó là sự đoàn kết. Dù có là cầu thủ tài năng đến đâu đi chăng nữa, nếu bị đồng đội xa lánh, bóng sẽ không được đưa đến chân người tài. 

Người hâm mộ có thể thấy những hình ảnh của tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia mà đội bóng của ta đã làm được. Sau sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng dẫn đến bàn thắng của đội bạn, cầu thủ Thành Chung khi gỡ hòa không quên trở về an ủi người trấn giữ khung thành. 

Sự chia sẻ đó còn đến cả huấn luyện viên Park Hang-seo. Không chỉ là một chiến lược gia, ông có lúc là người thầy, có lúc như một người cha. Những cái xoa đầu, những lần xoa bụng học trò, những cử chỉ tay và biểu cảm trên khuôn mặt của ông truyền đi những thông điệp về sự cố gắng, nỗ lực không bao giờ từ bỏ đến học trò. 

Sân Rizal Memorial tràn ngập sắc đỏ của cổ động viên Việt Nam

Không bao giờ từ bỏ, nỗ lực vì màu cờ sắc áo của các vận động viên không chỉ được thể hiện ở những cầu thủ trên sân bóng, trong kỳ SEA Games chúng ta có thể thấy ở nhiều vận động viên ở nhiều môn thể thao khác. 

“30 chưa phải là Tết” - câu ví von vui, nằm lòng không biết bao nhiêu thế hệ người Việt áp vào chiến thắng của vận động viên Phạm Thị Hồng Thanh ở SEA Games này bỗng trở nên chính xác vô cùng. Đó là khi cô bứt phá xuất sắc ở nội dung cử đẩy từ cử giật 90kg, cử đẩy 124kg và thành công. Trước đó, thầy trò của đội bạn đã ăn mừng tưởng như chiến thắng đã đến gần, nhưng Hồng Thanh đã tước đi của họ cơ hội đó. 

Hàng triệu người hâm mộ đổ khắp ngả đường đón mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam SEA Games 

Góp phần vào tổng sắp huy chương với vị trí thứ 2 tại SEA Games 30 còn có rất nhiều nỗ lực của những cá nhân, họ đã thi đấu với một tinh thần mà đem đo đếm với các cầu thủ bóng đá cũng chẳng thua kém gì. 

Ánh Viên - “cô gái vàng” của đường đua xanh ngoài việc mất sức khi thi đấu để bổ sung nhiều Huy chương Vàng cho Việt Nam còn mất cả máu. Máu của của cô luôn được ban tổ chức đưa đi xét nghiệm, cẩn thận kiểm tra doping sau mỗi lần chiến thắng. 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Mọi chiến thắng, mọi Huy chương Vàng đều như nhau bởi đó đều là những nỗ lực, những cố gắng của từng vận động viên để lá cờ Tổ quốc được tung bay, để bản Quốc ca hùng tráng của Việt Nam được cất lên trên đấu trường khu vực. Nhưng riêng bóng đá, nó vẫn có lý lẽ riêng của nó. Và vì thế cũng đừng trách nó được ưu ái hơn chút đỉnh. Tín đồ của bóng đá còn có cả tỷ người trên khắp thế giới cơ mà (?!).

Nhưng nói đi thì nói lại, vinh quang và chiến thắng đều đáng được ngợi ca và cổ vũ, chẳng ai có thể bắt người hâm mộ phải yêu quý chiến thắng nào hơn, cổ vũ cầu thủ hay đội tuyển nào hơn, nhưng có những lúc, ở những cơ quan khác có thể làm được những điều để “không ai bị bỏ lại lặng lẽ ở phía sau” dù họ đều đem về vinh quang cho nước Việt.