Vinh dự và trách nhiệm "kép" năm 2020 của Việt Nam

ANTD.VN - Dù còn hơn một tháng nữa Việt Nam mới chính thức giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN cũng như bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nhưng chúng ta đã khẩn trương bắt tay vào việc để có thể đảm nhận nhiệm vụ “kép” đầy vinh dự song đi liền với trách nhiệm nặng nề này.

Kể từ khi hội nhập sâu rộng và tham dự vào các công việc chung của khu vực và thế giới, Việt Nam hiếm hoi cùng một lúc gánh vác hai trọng trách nặng nề: Chủ tịch luân phiên của ASEAN - một trong những tổ chức khu vực thành công nhất thế giới và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - cơ quan có quyền lực nhất của tổ chức Liên hợp quốc với trách nhiệm cao nhất trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên toàn thế giới. Trách nhiệm “kép” này vừa là vinh dự nhưng cũng đồng thời là một thử thách, trách nhiệm to lớn đối với Việt Nam.

Vinh dự và trách nhiệm "kép" năm 2020 của Việt Nam ảnh 1Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam ngày 19-11 lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan

Cùng lúc gánh vác trách nhiệm “kép” lớn lao

Việt Nam gánh vác hai trọng trách khu vực và quốc tế lớn trong bối cảnh thế giới và khu vực có những biến chuyển nhanh và phức tạp trên nhiều lĩnh vực, bao gồm từ kinh tế cho tới an ninh và ổn định. Tốc độ tăng trưởng và sự ổn định của kinh tế thế giới cũng như khu vực bị tác động trực diện và rất mạnh từ việc trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dẫn tới những va chạm, xung đột, thậm chí chiến tranh thương mại giữa các cường quốc và trung tâm kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà khu vực cũng như thế giới đang phải đối mặt là môi trường hòa bình, an ninh và ổn định vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi xung đột, bạo lực cũng như các tham vọng đơn phương. Trong đó, ASEAN hiện đang đứng trước những thách thức và khó khăn không nhỏ trong tình hình khu vực và thế giới biến động nhanh, phức tạp từ kinh tế cho tới an ninh và ổn định. Những hoạt động quân sự hóa ráo riết trên quy mô lớn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền các bên liên quan ở Biển Đông của Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh và ổn định trên vùng biển này, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch quan trọng của thế giới với 3.400 tỷ USD lưu lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm. Đặc biệt là những vụ việc nghiêm trọng vi phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế trên vùng biển khu vực và Việt Nam khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính ở phía Nam Biển Đông.

Những biến chuyển mới cùng thách thức kinh tế và an ninh đó mang lại những bài học sâu sắc cho ASEAN. Đồng thời cũng cho thấy điều rõ ràng là an ninh và ổn định trên Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại. Để thích ứng nhanh cũng như vượt qua những thách thức kinh tế và an ninh ấy, đòi hòi ASEAN phải tiếp tục củng cố, phát huy giá trị cốt lõi, nền tảng làm nên thành công của tổ chức khu vực thời gian dài qua. Đó chính là đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hiệp hội cũng như giữa hiệp hội với các bên đối tác và đối thoại. 

Niềm tin hoàn thành trọng trách “kép”

Thách thức lớn, trọng trách nặng nề nhưng Việt Nam tự tin đủ khả năng đảm đương trách nhiệm “kép” Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Sự tự tin ấy không chỉ có từ những cống hiến, đóng góp bền bỉ của Việt Nam cho hợp tác phát triển cũng như gìn giữ hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Niềm tin hoàn thành trọng trách còn bởi Việt Nam từng hoàn thành tốt trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN, trách nhiệm chủ nhà của Hội nghị cấp cao Diễn đàn châu Á-Thái Bình Dương (APEC)… và trách nhiệm Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.

Niềm tin của chúng ta có thể thấy từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài trước đó cho việc đảm nhận trách nhiệm “kép” trong năm 2020. Trước và sau nhiệm kỳ làm thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam vẫn tích cực, trách nhiệm trong việc tham gia, đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung của cộng đồng thế giới mà một trong những biểu hiện thiết thực là tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mới đây nhất, ngày 19-11, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của Việt Nam đã lên đường làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Cũng không phải chờ đến khi chính thức đảm nhận các trọng trách, Việt Nam đã sớm bắt tay, chuẩn bị chu đáo cho việc hoàn thành những nhiệm vụ nặng nề, song cũng rất vinh dự trong năm giữa cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Ngay tại buổi lễ tiếp nhận cương vị này từ Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN. 

Tiếp nối những nỗ lực mà các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam đã làm nhiều năm qua, Việt Nam trong năm 2020 trên cương vị Chủ tịch sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của cộng đồng ASEAN, và cũng chính thông qua sự gắn kết bền vững đó mà hiệp hội có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra. Với ý nghĩa ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là Chủ đề của năm ASEAN 2020. Một cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ.  

Nâng cao vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam

Đảm nhiệm vai trò “kép” Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 đương nhiên sẽ khiến Việt Nam vất vả hơn với khối lượng công việc lớn hơn, nhưng hai trọng trách này có sự bổ trợ cho nhau rất tốt. Và đây cũng là cơ hội rất đáng quý đối với Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm trong khu vực cũng như với cộng đồng quốc tế.

Là Chủ tịch ASEAN, với tư cách đại diện cho hiệp hội  gồm 10 thành viên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ quan liên quan, Việt Nam sẽ làm cầu nối của Liên hợp quốc với ASEAN để thực hiện, triển khai các chương trình, kế hoạch của ASEAN đồng bộ với những mục tiêu của Liên hợp quốc. Với 2 tư cách này, vai trò, vị thế và tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng, được nhiều nước quan tâm hơn. 

Việt Nam chắc chắn sẽ cũng phải phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN cũng như với các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các nước khác trong tổ chức Liên hợp quốc để duy trì hợp tác phát triển cũng như môi trường hòa bình, an ninh và ổn định không chỉ tại khu vực mà trên phạm vi cả thế giới. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề đòi hỏi Việt Nam cần phải nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt.

Quan tâm hàng đầu của khu vực cũng như các thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là vấn đề Biển Đông với 5 nội dung lớn là Hòa bình ổn định; Tự do, an toàn đi lại hàng hải, hàng không; Tuân thủ luật pháp, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); Tình hình trên thực địa; Tình hình hoạt động của ngư dân, cả về hoạt động đánh cá của ngư dân và công tác bảo hộ cho ngư dân. Cả 5 nội dung chính này sẽ được Việt Nam đưa ra trong chương trình nghị sự của ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với mong mỏi góp phần tích cực vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trên vùng biển có vai trò to lớn với không chỉ khu vực mà cả thế giới.

Một năm đầy bận rộn và sôi động với vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề với Việt Nam khi đồng thời giữ trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Trách nhiệm nặng nề, công việc bề bộn, song đó cũng là dịp để Việt Nam nâng cao vị thế, uy tín và quan trọng nhất là đóng góp hiệu quả vào các công việc chung ở khu vực cũng như trên thế giới.