Vinh dự là người cán bộ công an về tiếp quản Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một chiều thu Hà Nội, chúng tôi theo chân Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội đến thăm vợ chồng Thiếu tá Vũ Thị Minh Châu (nguyên Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội) và ông Trần Đức Thành (nguyên cán bộ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội). Đây là những cán bộ công an từng tham gia tiếp quản Thủ đô năm xưa. Câu chuyện 70 năm trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức của họ dù giờ đây ông bà đều đã ở tuổi thượng thượng thọ…

Học viên trường Công an Trung ương khóa I và khóa II thành bạn đời của nhau

Ông Trần Đức Thành năm nay đã 92 tuổi, còn Thiếu tá Vũ Thị Minh Châu 70 năm trước là cô thiếu nữ 18 tuổi xuân. Ông Thành nặng tai, muốn hỏi gì đều phải viết ra giấy. Nhưng trí nhớ của ông thì nhiều người bái phục, bởi câu chuyện của hơn 70 năm trước, qua lời kể của ông, như những thước phim quay chậm.

Ông Trần Đức Thành và bà Vũ Thị Minh Châu vẫn vẹn nguyên những ký ức 70 năm trước về tiếp quản Thủ đô

Ông Trần Đức Thành và bà Vũ Thị Minh Châu vẫn vẹn nguyên những ký ức 70 năm trước về tiếp quản Thủ đô

Năm 1953, ông Trần Đức Thành là cán bộ của Công an huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định - Đảng viên duy nhất được chọn cùng một đồng chí khác đi học Khóa I, Trường Công an Trung ương tại chiến khu Việt Bắc. Vài tháng sau, cô thiếu nữ Vũ Thị Minh Châu vốn là con em một gia đình cơ sở cách mạng cũng được chọn đi học Khóa II tại chính ngôi trường này. “Huyện Nghĩa Hưng những năm tháng ấy bị địch tạm chiếm, gia đình tôi đã đào hầm nuôi giấu cán bộ. Tôi lúc ấy chỉ là một cô gái sắp trưởng thành, có nhiệm vụ canh gác, nếu phát hiện địch đi càn thì đưa cán bộ xuống hầm. Nhờ đó, cuối năm 1953, tôi đã được tuyển vào Công an tỉnh Nam Định và tháng 3-1954 trở thành học viên Khóa II Trường Công an Trung ương” - Thiếu tá Vũ Thị Minh Châu nhớ lại.

“Chúng tôi đi từ vùng địch tạm chiếm ở Nam Định đến trường học ở bản Phai Cống, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang mất đúng 1 tháng. Ngày nghỉ đêm đi, vượt qua muôn vàn khó khăn, nhất là tại dốc Cun bị giặc Pháp chặn đánh quyết liệt, cuối cùng cũng đến đích. Tại đây chúng tôi phải tự dựng nhà, tự “thiết kế” các dụng cụ để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ai nấy đều nỗ lực học tập. Khi thảo luận tổ, các anh chị đã có kinh nghiệm công tác thực tế trao đổi lại cho học sinh mới để bổ sung kiến thức ngoài bài giảng” - ông Trần Đức Thành nói.

Để đảm bảo yếu tố bí mật, ngày đó trường được đặt tên là “Trại chăn nuôi số 1 - E200”. Trong những lá thư gửi về quê hương, nhiều người trong gia đình luôn hỏi ông Thành, tại sao đang là công an, được chọn đi học trường Công an mà giờ lại thành cán bộ trại chăn nuôi.

Cuộc trò chuyện, thăm hỏi ấm áp của Đại tá Phạm Thanh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội với vợ chồng ông bà Trần Đức Thành - Vũ Thị Minh Châu trong một chiều thu Hà Nội

Cuộc trò chuyện, thăm hỏi ấm áp của Đại tá Phạm Thanh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội với vợ chồng ông bà Trần Đức Thành - Vũ Thị Minh Châu trong một chiều thu Hà Nội

Theo chủ trương thì thời gian của mỗi khóa học là 18 tháng. Học viên của cả 2 khóa đang nỗ lực học tập thì nhận được tin vui chiến thắng của các mặt trận, đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Bước sang giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ quan trọng lúc này là tổ chức tiếp quản các vùng mới giải phóng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng. Vì vậy, học viên của 2 khóa phải kết thúc học tập sớm để ra công tác. Không có xe ô tô, học viên “Trại chăn nuôi số 1” đóng bè mảng đi xuôi theo sông Gâm, sông Lô ra sông Hồng để về Hà Nội thực hiện nhiệm vụ.

Ngày về Hà Nội

Cuối tháng 9, đầu tháng 10-1954, Hà Nội đã vào thu, ban ngày mát dịu nhưng khi đêm xuống không khí bắt đầu se lạnh. Ông Trần Đức Thành, Thiếu tá Vũ Thị Minh Châu cùng hàng trăm học viên Trường Công an Trung ương được phân công ngay về Công an Hà Nội để đảm nhận các việc chuẩn bị phục vụ cho ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. Ông Trần Đức Thành được phân công về Phòng Bảo vệ chính trị làm trinh sát. Để thực hiện nhiệm vụ, ông mất gần 1 tháng tiếp cận các huyện ngoại thành nắm tình hình. Đầu tiên là ở huyện Thường Tín, sau đó di chuyển sang thị trấn Phùng (Đan Phượng), rồi về đến ga Hàng Cỏ, trung tâm Thủ đô.

Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng

Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng

Những ngày tháng này, nhiệm vụ của ông là nắm tình hình gián điệp cài lại ở miền Bắc, các âm mưu phá hoại buổi lễ trong ngày 10-10 - ngày Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến trường kỳ. Từ những ngày đầu tiên ấy, thực hiện công tác phản gián, ông cùng các đồng đội đã phá thành công Chuyên án C30 - cuộc đối đầu đầu tiên giữa lực lượng An ninh Công an nhân dân Việt Nam với gián điệp Mỹ nối chân Pháp cài lại ở miền Bắc.

Còn Thiếu tá Vũ Thị Minh Châu không thể nào quên khoảnh khắc về Thủ đô 70 năm trước. Nhân dân phấn khởi nhưng cũng không khỏi lạ lẫm với những cán bộ Việt Minh. “Trong suy nghĩ của nhân dân Hà Nội khi đó, cán bộ Việt Minh sống lâu trong rừng nên toàn người ốm đau, không có sức khỏe. Nhưng trong đoàn quân trở về hôm nay, bà con thấy toàn những thanh niên trẻ trung, xinh đẹp, bà con khen chúng tôi lắm” - Thiếu tá Vũ Thị Minh Châu chia sẻ.

Cống hiến trọn đời vì Thủ đô bình yên

Về tiếp quản Thủ đô, Thiếu tá Vũ Thị Minh Châu khi đó cùng hơn 30 chị em cán bộ được điều sang học tập ở Bưu điện Hà Nội để sau này phục vụ đảm bảo thông tin thông suốt lẫn công tác nghiệp vụ công an. Sau khóa đào tạo tại Bưu điện, bà được điều về Công an quận Hàng Đậu thuộc Liên khu phố 1, thực hiện nhiệm vụ điện thoại viên và văn thư, đánh máy. Đến năm 1961, bà nhận nhiệm vụ tại Sở Công an Hà Nội. Lúc này, mô hình tổ chức của Sở bắt đầu thay đổi. Phòng Cảnh sát kinh tế được thành lập và bà trở thành cán bộ Đội Nghiên cứu tổng hợp. Với nỗ lực học tập không ngừng, năm 1981 bà được đề bạt chức vụ Phó Trưởng phòng, làm việc đến lúc hưởng chế độ hưu trí.

Còn ông Trần Đức Thành, sau chuyên án C30, ông chuyển ngành về Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội. Con, rồi cả cháu của ông bà cũng đã trở thành những chiến sỹ phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân Việt Nam và đều là những người thành công, có vị trí trong sự nghiệp. Đại tá Trần Trọng Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), con trai của Thiếu tá Vũ Thị Minh Châu và ông Trần Đức Thành bày tỏ, chúng tôi luôn tự hào vì là con của những chiến sỹ Công an đầu tiên về tiếp quản Thủ đô. Từ những năm tháng khó khăn nhất đến thời bình, được học hành, phấn đấu, chúng tôi luôn nhắc nhở mình phải sống sao cho xứng đáng với niềm tự hào ấy. “Từ bố mẹ đến chúng tôi, và giờ đây là con của người em gái, cháu ngoại của bố mẹ tôi đã tiếp tục cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự bình yên của Thủ đô” - Đại tá Trần Trọng Bình chia sẻ.

70 năm đã trôi qua, mỗi năm họp mặt, những chiến sỹ công an về tiếp quản Thủ đô ngày ấy lại thấy “quân số” hao hụt dần… Những nam thanh nữ tú năm nào giờ đều đã ở tuổi thượng thượng thọ, họ không còn sức khỏe như xưa nhưng trí tuệ vẫn còn minh mẫn. Cứ vào dịp 10-10, trong ngôi nhà của những cán bộ, chiến sỹ ấy lại rộn ràng tiếng cười, tiếng trò chuyện nhắc lại một thời khí thế hào hùng từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô trong vòng tay hân hoan của nhân dân Hà Nội, hoàn thành nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội của vùng Thủ đô mới giải phóng.