Vĩnh biệt Trần Lưu Hậu- một hoạ sĩ tài năng, phóng khoáng và hào hoa

ANTD.VN - Họa sĩ Phạm An Hải, người học trò thân tín của họa sĩ Trần Lưu Hậu cho biết, danh họa Trần Lưu Hậu vừa qua đời vào tối ngày 29-2-2020, hưởng thọ 92 tuổi. 

Theo hoạ sĩ Phạm An Hải, trước khi mất, họa sĩ Trần Lưu Hậu bị ốm vài tháng, không thể đứng lên đi lại được. Các sinh hoạt hoạt cá nhân đều cần có người giúp đỡ. Sau đó, sức khỏe của ông chuyển biến xấu và danh họa đã trút hơi thở cuối cùng vào tối ngày 29-2. 

Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928, thuộc thế hệ hoạ sĩ được đào tạo trong khóa đầu tiên (khóa kháng chiến) của trường Mỹ thuật Việt Nam do danh họa Tô Ngọc Vân thành lập năm 1949 tại chiến khu Việt Bắc. Sau đó ông tốt nghiệp khoa Trang trí Sân khấu khóa 1955-1962 tại Học viện Mỹ thuật Mátxcơva, tham gia thiết kế mỹ thuật cho nhiều vở như Âm mưu và tình yêu, Con cáo và chùm nho, Đại đội trưởng của tôi, Nguyễn Trãi ở Đông Quan...

Họa sĩ Trần Lưu Hậu (ngồi xe lăn) chụp ảnh cùng các học trò

Ông đã giảng dạy 28 năm ở trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, từng là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều họa sĩ danh tiếng hiện nay từng là học trò của ông. Đối với họ, ông là tấm gương sáng về tinh thần lao động và sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc.

Là một trong những họa sĩ tiêu biểu của nền Mỹ thuật Việt Nam những năm 80, 90 thế kỷ trước, Trần Lưu Hậu có những đóng góp cả về bút pháp lẫn cái nhìn trong hội họa. Bảng màu rực rỡ, những đường bút mạnh mẽ, những gam màu đỏ, trắng, xanh nước biển nguyên chất đan xen tự nhiên, như tình cờ, sự “tình cờ” mà chỉ các bậc thầy mới làm được.

Một tác phẩm vẽ hoa của danh họa Trần Lưu Hậu

Phong cảnh và sự vật lúc như cuốn theo nét vẽ cuồn cuộn chảy, lúc thì vỡ òa trong một miền cảm hứng của sắc độ, để không còn rõ đâu là cảnh là hình, đâu là màu sắc đang hoan ca trên nền tranh. Cảnh là đối tượng sáng tác của họa sỹ, hay cảnh và hình chỉ là cái cớ để hội họa cất lên tiếng nói cá nhân bên trong?

Tranh của ông thấp thoáng những đường cong của rừng núi, nếp nhà, hình lá, thân cây, chỉ một vài nét mơ hồ níu giữ hiện thực. Các đường sổ đỏ quyết liệt đè lên các đường sổ đen, các phẩy ghi sẫm lướt trên phẩy ghi nhạt…. tưởng rối tung nhưng rành rẽ, càng nhìn càng tách bạch, các tầng, lớp màu, đường nét, chúng hiện ra cạnh nhau, chồng lên nhau trong một âm hưởng hoà tấu bí ẩn. Một nét màu lé ra, một nét sổ dọc, một nét chấm cũng khó dịch chuyển hay thêm bớt... Sáng tác, vì thế mà sâu sắc và ý nhị hơn, dù người xem tranh của ông vẫn như được đứng trước một bữa tiệc thị giác của hội họa.

Tác phẩm của ông có mặt trong nhiều triển lãm, bảo tàng, các cuộc đấu giá quốc tế và bộ sưu tập quan trọng ở Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.

Nhà thơ Dương Tường đánh giá họa sĩ Trần Lưu Hậu là họa sĩ biểu hiện đầu tiên và trọn vẹn nhất của thế hệ ông và cũng là của hội họa đương đại Việt Nam. Nhà phê bình mỹ thuật Mỹ Jefferey Hantover thì cho rằng : "Ta có thể vạch một đường nối liền chủ nghĩa biểu hiện hiện đại Tây Ban Nha của El Greco đến Tahiti của Gauguin và Pháp của Matisse đến làng quê Việt Nam của Trần Lưu Hậu”.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu

Còn tạp chí Mỹ thuật nhận xét, Trần Lưu Hậu là một trong mấy họa sĩ đã xóa bỏ định kiến về tính “bảo thủ” của thế hệ ông, nếu không muốn nói ông là người duy nhất đã triệt để làm điều ấy. Suy cho cùng, sự đơn giản vẫn chính là mục tiêu cao nhất của hội họa hiện đại, bởi vì nó bắt đầu được gọi là “hiện đại” kể từ khi nó bắt đầu đơn giản.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu từng nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuât năm 2001. Ông là tấm gương cho các thế hệ học trò khi cả cuộc đời đam mê với sự nghiệp sáng tác. Ở tuổi 84, ông vẫn say sưa với cây cọ, bảng vẽ và đã ra mắt triển lãm 40 bức tranh hoa tại TP.HCM.  

Khi nghe tin danh họa Trần Lưu Hậu ra đi, nhà điêu khắc Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL bày tỏ, vĩnh biệt một người thầy lớn, một tài năng lớn của mỹ thuật Việt Nam và của đất nước. 

Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật, Đặng Thị Bích Ngân chia sẻ: "Thành kính phân ưu cùng gia đình thầy Trần Lưu Hậu. Chúng em sẽ nhớ mãi người thầy tài năng và đôn hậu, luôn yêu quý học trò".