Vĩnh biệt nhạc sĩ Phú Quang - một người Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phú Quang từng tâm sự, ông thích khoảnh khắc giao mùa của thời tiết Hà Nội, kiểu như mùa thu chớm tới, mùa đông sắp qua, mùa xuân nắng nhạt…Cũng bởi thế mà nhiều năm trở lại đây, đều đặn vào tầm này, ông đều làm đêm nhạc riêng lúc tiết trời “thu chớm đông sang”.

Tác giả của những bản tình ca lãng mạn về Hà Nội kể, ông thích cảm giác đón những cơn gió heo may bất chợt ùa về, chạm khẽ vào vai áo, vào cả những rung động sâu thẳm nhất trong mỗi người mặc dù nó dễ khiến người ta cảm thấy cô đơn và hoài niệm về những điều đã mất. Hai năm nay, Hà Nội chuyển giao mùa trong sự thiếu vắng những đêm nhạc có bóng dáng Phú Quang. Để rồi đúng vào lúc đợt gió mùa mới đang chuẩn bị tràn về, giữa tiết trời dùng dằng dở lạnh dở không, ông nhẹ nhàng ra đi như sự sắp đặt của định mệnh.

Có một vị đạo diễn nổi tiếng từng nói dí dỏm tưởng tượng, vào thời kỳ cực thịnh, người ta đồn để chứng minh mình là dân Hà Nội thì mọi công dân đều phải xuất trình hai thứ: một là sổ hộ khẩu và hai là nhạc Phú Quang. Thiếu một trong hai thứ này xem như chưa đủ tiêu chuẩn. Ấy là nói tưởng tượng, là nói vui, song để thấy nhạc Phú Quang có ý nghĩa quan trọng thế nào trong đời sống tinh thần của người Hà Nội. Minh chứng là chẳng phải đến mức yêu Hà Nội thì người ta mới biết đến, mới “say” những sáng tác âm nhạc của Phú Quang. Không ít người dù chưa từng đặt chân đến mảnh đất này nhưng vẫn nằm lòng nhiều câu hát giản dị, mộc mạc, vừa thơ, vừa tình trong các ca khúc mà ông viết về Hà Nội.

Còn Phú Quang thì từng tự nhận, tình yêu mà ông dành cho Hà Nội cực đoan đến nỗi quãng thời gian gần 20 năm sống xa Hà Nội, ông ngắm chiếc là và tự nhủ: “lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”. Nỗi nhớ Hà Nội của một người đàn ông bước vào tuổi trung niên khi ấy chỉ đơn giản là ký ức về ngày nhỏ cùng với lũ bạn cùng trang lứa chơi thổi búp lá đa, bắt dế cho vào ống bơ; là những buổi chơi bắn bi cạnh bãi rác ven hồ, lòng khấp khởi rộn ràng khi nhìn những viên bi trong véo lấp lánh và nhận thấy chúng cũng đẹp như nụ cười rạng rỡ của bà bán xôi gần nhà khi nhìn thấy ông cầm tiền ra mua gói xôi mở hàng vì tin rằng “vía” ông tốt, mở hàng thì sẽ đắt khách…

Phú Quang bộc bạch, càng có tuổi, ông lại càng nhớ về tuổi thơ, về những hồi ức yên ả đẹp đẽ và cả những kỷ niệm dữ dội khi sống giữa thành phố một thời bom đạn. Ngoại trừ 20 năm sống xa Hà Nội (từ năm 37 đến ngoài 50 tuổi) thì tuổi thơ, thời trẻ và cả những năm tháng cuối đời của ông đều gắn với Hà Nội. Mà tính ra trong suốt 20 năm sống xa Hà Nội, điều mà bạn bè của Phú Quang vẫn hay nghe ông giãi bày nhiều nhất là nỗi nhớ quay quắt, đầy khắc khoải về Hà Nội. Ông gửi nó vào âm nhạc, làm nên một vệt dài các sáng tác thổn thức về Hà Nội. Phú Quang quả quyết, bài nào cũng được ông viết từ những kỷ niệm sâu thẳm nhất. Để rồi khi ở tuổi xế chiều, ông lại quyết định bỏ lại tất cả những gì mình đã gây dựng ở nơi khác, khăn gói quay trở lại tìm sự lãng đãng, mộng mơ và trầm mặc của Hà Nội.

Sự trở về khi ấy của Phú Quang được ví von là chim bay về trời, cá bơi dưới nước. Còn với ông, đó chỉ đơn giản là tìm lại cảm giác bình yên và thanh thản hơn sau những chen lấn, xô bồ trong cuộc sống, là cuộc trở về với những gì thật nhất với chính mình. Phú Quang bảo, vốn dĩ mình không phải tuýp người nghĩ nhiều đến sự được – mất, vinh – nhục, có – không, càng không bao giờ nghĩ đến việc ganh đua hay tị hiềm, thế nên bằng lòng với cuộc sống an yên khi quay về với Hà Nội. Ngôi nhà nơi ông chọn mua và xây cất nằm ở con đường lớn dẫn ra ven sông Hồng, ông gọi đây là mảnh đất “đế vương”, tức là “vướng đê”. Quãng thời gian sống xa Hà Nội, Phú Quang viết “Hà Nội ngày trở về”, “Mơ về nơi xa lắm”…. còn khi trở về sống giữa Hà Nội, ông lại viết “Im lặng đêm Hà Nội”, “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi”…

Vị nhạc sĩ tài hoa tự nhận, ông thuộc tuýp người hoài cổ nên cứ nhớ mãi cái thờ nghèo khó mà đẹp của Hà Nội khi xưa, một Hà Nội mái ngói lô xô, không có nhà cao tầng mọc lên san sát, chỉ có những cô gái thong dong đạp xe ngoài đường…

Còn một góc khác về Hà Nội như Phú Quang từng tâm sự là ông ít nhắc đến trong âm nhạc , song đó lại là góc khuất đầy khắc khoải, dữ dội, là ký ức kinh hoàng thời bom đạn mà ông từng trải qua về Hà Nội. Nhà ông ở phố Khâm Thiên và ông là nhân chứng đã thoát chết trong trận Mỹ ném bom trải thảm B52 xuống Hà Nội. Căn phòng nhỏ mà gia đình ông từng ở giờ đây chính là nơi đặt đài tưởng niệm Khâm Thiên. Mãi cho tới sau này, ở đoạn cuối sự nghiệp sáng tác âm nhạc, ông mới hoàn thành được tâm nguyện viết một tác phẩm về ký ức này, đó là bản giao hưởng mang tên “Hồi ức”. Phú Quang từng xót xa trải lòng, giá như không người Hà Nội nào, trong đó có ông, phải trải qua những hồi ức đau thương và mất mát ấy.

Từng có thời, ngoài âm nhạc ra thì Phú Quang còn lấn sân sang cả công việc kinh doanh. Ông mở nhà hàng ở cả TP.HCM lẫn Hà Nội, khách đông nườm nượp, phần nhiều kéo đến vì muốn gặp Phú Quang. Vậy nhưng giữa lúc công việc kinh doanh đang thuận lợi, ông quyết định đóng cửa với lý do: “Mọi người quá yêu mình, ai đến cũng mời mình một ly rượu” mà ông thì không có cách nào từ chối nổi. Thế nên ở nhà hàng thì ngày nào ông cũng phải uống từ 20-30 ly, thấy nguy cơ hại đến sức khỏe nên ông đành bỏ ngang, trở về loanh quanh với âm nhạc.

Ấy thế nhưng dạo sau đó, ngoài đường, ngoài phố nhiều nơi vẫn lấy tên ông ra trưng trên biển hiệu làm nhiều người tưởng ông vẫn bịn rịn với việc kinh doanh kiếm tiền. Nhắc đến điều này, Phú Quang cười hiền bảo, thật ra tên của ông cũng hiếm, nên bảo trùng tên thì rất khó, có điều người ta làm thế thì ông đành tự an ủi mình mặc kệ chứ biết làm sao. May ngày xưa hồi 13 tuổi, ông từng đọc “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn, ý thức được rằng ai có đánh mình thì mình cũng chẳng thèm chấp, coi như họ đánh…bố họ nên không việc gì phải giận dỗi hay ghét bỏ ai làm gì. Huống hồ người ta yêu quý mình quá nên mới trưng tên mình lên như thế.

Nhiều năm gần đây, trước khi phải nhập viện cấp cứu vào tháng 5-2020 và nằm viện lâu dài để điều trị biến chứng căn bệnh tiểu đường, Phú Quang tự đặt ra cho mình thời gian biểu: mỗi năm làm đủ 10 đêm nhạc ở Hà Nội, 10 đêm còn lại chia đều cho các tỉnh thành khác. Tính ra một năm có 12 tháng thì ông làm tới 20 đêm nhạc. Lý do của sự miệt mài và bận rộn ấy, đơn giản như ông nói là vì quen làm việc rồi, làm cho đỡ chán và ông làm vì nhu cầu được đến với khán giả chứ không phải vì tiền. Vì vậy mà khoảng thời gian trống ít ỏi giữa các đêm nhạc, ông lại ngồi cặm cụi sáng tác cho đỡ “rồ” người.

Quãng thời gian còn khỏe, chưa lúc nào người ta thấy Phú Quang hết bận. Ông nói vui, văn phòng của mình là ở một quán cà phê quen thuộc gần Nhà hát Lớn Hà Nội; địa điểm thường trú là trên xe ôtô, trừ lúc ngủ; còn công việc như ông giới thiệu thì là nhạc sĩ “đẻ” ra chương trình. Không thiếu những “bầu sô” tìm đến mong muốn được làm chương trình cho ông từ A đến Z, nhưng Phú Quang không muốn. Lý do như ông từng tiết lộ là bởi muốn tự mình làm chương trình của mình để phục vụ khán giả cho tử tế, tươm tất, chứ không phải như một “món hàng” được đem ra kinh doanh. Vả lại, làm việc với ông là niềm vui chứ không phải vì tiền. Thế nên nhiều người hỏi ông: “bây giờ thiếu gì tiền, đủ ăn đủ tiêu rồi, làm gì nữa cho mệt”. Đáp lại, ông bảo với họ rằng không, ông làm là để thấy mình vẫn còn sống, còn tồn tại, để thỏa mãn việc đốt năng lượng của mình chứ có phải để kiếm tiền đâu. Tất nhiên, sau đấy làm tử tế thì tiền tự đến, mà tiền đến thì ông đành phải nhận.

Trở lại với Phú Quang của cuộc sống đời thường, sau hai lần đổ vỡ trong hôn nhân, ông tái hôn khi đã bước sang tuổi 60 với người phụ nữ kém mình gần 20 tuổi. Vợ ông – chị Anh Thư là một. người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi, cũng từng trải qua một lần “đứt gánh giữa đường” và có một cô con gái riêng. Khác với những người đồng nghiệp của mình, Phú Quang không giấu vợ, hay nói cách khác là không ngại đưa vợ đến những chỗ đông người. Tất nhiên, dù chỉ là vài lần hiếm hoi “bị” bắt gặp xuất hiện cùng nhau nhưng cũng đủ thấy ông trân trọng và tự hào về người bạn đời của mình thế nào.

Phú Quang vẫn bông đùa gọi vợ là người phụ nữ không thèm chấp tất cả những cái “dở hơi” ở mình. Còn người bạn đời của ông từng tâm sự, cô đến với vị nhạc sĩ tài hoa này không phải vì ông nổi tiếng, ngược lại cả hai gặp nhau vào đúng giai đoạn Phú Quang gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, có những lúc bệnh tình còn nặng. Và ở thời điểm ấy, Phú Quang gần như có tất cả, trừ một tình yêu đích thực và bền vững. Nhưng cũng phải tìm hiểu và gắn bó với nhau suốt 6 năm, cả hai mới chính thức kết hôn. 6 tháng sau thành vợ thành chồng, người vợ thứ ba của Phú Quang chia sẻ cô không nghĩ việc kết hôn sẽ giúp mình trở thành “bà Phú Quang” hợp pháp mà chỉ đơn giản là cái kết có hậu. Vậy mới thấy tình yêu là thứ cảm xúc rất khó định lượng và giải thích, chỉ cần hai trái tim cùng chung nhịp đập thì những e ngại về sự khác biệt tuổi tác, nhất là những người ngoài cuộc, có vẻ hơi thừa.

Cách đây 2 năm, Phú Quang trong một lần trò chuyện buột miệng bảo, không biết sau này mà ông vắng bóng trong những đêm nhạc của chính mình thì khán giả cảm thấy thế nào. Chẳng ai dám trả lời. Chắc chắn rồi, vì sẽ chẳng có câu trả lời nào giãi bày hết sự nghẹn ngào khi buộc phải chấp nhận sự thiếu vắng đó. Giờ thì ông ra đi thật, khi còn nhiều chuyện chưa nói, nhiều cái để viết và nhiều thứ để trút vào âm nhạc. Song như ông từng tâm sự: “chết không có gì mới cả”, ông ra đi là để bắt đầu một cuộc hành trình mới, nhẹ nhàng, thong thả và an nhiên như đã từng ở kiếp sống này.