Vĩnh biệt NGND Hoàng Kiều: Người lặng lẽ với những đóng góp lớn

ANTD.VN - Ba giờ sáng nhận được tin của Giáng Son thông báo về tình trạng xấu của NGND Hoàng Kiều. Tôi và Mai Tuyết Hoa đã hẹn với nhau sáng ra sẽ vào viện thăm ông. Thế mà sáng hôm sau, điện thoại cho Giáng Son, từ đầu dây bên kia vang lên những tiếng nấc...

Bạn bè gắn bó bao nhiêu năm, cùng nhau chứng kiến bao biến động, chưa bao giờ thấy Son mềm lòng như lúc này. Những giọt nước mắt ngập tràn yêu thương dành cho cha mình giờ phút biệt ly. Chắc chắn lúc ấy, trong trái tim của Son, những kỷ niệm về tuổi thơ ấm áp gắn với bố Hoàng Kiều sẽ tràn ngập.

Vĩnh biệt NGND Hoàng Kiều:  Người lặng lẽ với những đóng góp lớn ảnh 1

1. Có lẽ, trong những kỷ niệm ấy, Son sẽ nhớ nhất lần viết thư bày tỏ quan điểm rõ rõ ràng để phản đối một quyết định của bố dành cho mình. Khi ấy Son mới là cô bé 8 tuổi, mê Chèo từ những giai điệu âm nhạc của bố, những lời hát và điệu múa của mẹ, nên cô bé chỉ có một ước mơ duy nhất lớn lên sẽ được trở thành diễn viên Chèo.

8 tuổi, cô bé Son đã thuộc làu nhiều làn điệu, nhiều trích đoạn, thuộc cả lời hát và động tác diễn. Ấy vậy mà bố Hoàng Kiều lại quyết định cho cô con gái út của mình học piano. Khi nhận được quyết định ấy, Giáng Son đã bày tỏ thẳng thắn quan điểm về việc mình thích học Chèo. Quan điểm ấy không được chấp nhận. Son vẫn chưa dừng ý định bày tỏ. Không gặp trực tiếp thì Son quyết định bày tỏ bằng cách viết thư.

Có lúc nói nhẹ nhàng như một ngầm ý, có lúc nói rất mạnh mẽ: “Con thì học gì cũng được nhưng đàn thì con chịu, đã đến lúc con phải nói thẳng với bố rồi đấy, con ghét nững người làm việc không hợp ý mình” (viết năm 1983). Trên thư không quên đề rõ Kính gửi “Bố Hoàng Kiều” và cuối thư có ghi rõ tên người viết “Tạ Thị Giáng Son” có kèm theo chữ ký.

Thư của cô con gái Giáng Son gửi bố - NGND Hoàng Kiều năm 1983

Nhưng ngay kể cả khi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm như vậy nhưng bố Hoàng Kiều vẫn nhất định không thỏa hiệp. Giáng Son chính thức học piano trong sự miễn cưỡng như vậy. Rồi thì cũng không mất lâu thời gian Giáng Son đã làm quen và bắt nhập được phần hồn của tiếng đàn.

Cái lá thư ấy cũng chìm vào quên lãng cùng sự thăng hoa với piano tại trường Nghệ thuật Hà Nội và sau này là khám phá lĩnh vực sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.

Khi ấy, Giáng Son mới thực sự hiểu về quan điểm của bố. Và cũng từ quyết định ấy, nền âm nhạc nước nhà mới có thêm một một nữ nhạc sĩ với những sáng tác dù mang hơi thở thời đại nhưng vẫn có mối liên hệ mật thiết với âm nhạc cổ truyền dân tộc, nhạc sĩ Giáng Son. 

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều tên thật Tạ Khắc Kế, sinh ngày 12 tháng 4 năm 1925, quê ở Dốc Lã, xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông tạ thế hồi 07h40’ , sáng 10 tháng 8 năm 2017. Lễ viếng sẽ được tổ chức vào sáng 12-8 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy - Hà Nội.

2. Không chỉ định hướng nghề nghiệp cho các con một cách chính xác, NGND Hoàng Kiều còn là một người có đóng góp lớn cho nền nghệ thuật nước nhà trên nhiều lĩnh vực. Ông chính là một trong những người góp phần xây dựng nên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội ngày nay.

Từng là Hiệu trưởng nhà trường trong giai đoạn còn là trường Trung cấp và sau này khi đã lên Đại học cho đến khi ông nghỉ hưu năm 1989. Ông cũng từng là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam.

Trong lĩnh vực sư phạm, NGND Hoàng Kiều trực tiếp tham gia đào tạo nhiều thế hệ diễn viên, nhạc công, nhà nghiên cứu sân khấu.

Nhiều học trò của ông cũng đã có những đóng góp đáng kể cho nền nghệ thuật nước nhà, nhiều người là học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo, nghệ sĩ, nhạc công tài ba của các đơn vị nghệ thuật trên khắp cả nước. Trong khi đó, ông cũng là tác giả của nhiều cuốn giáo trình của Khoa Kịch hát truyền thống, những cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên kịch hát dân tộc.

NGND Hoàng Kiều thời trẻ 

Đối với nền nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng như nghiên cứu âm nhạc Việt Nam NGND Hoàng Kiều cũng có những đóng góp rất đáng kể, khi ông đã công bố nhiều công trình khoa học có chất lượng, được nhiều nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước sau này lấy làm tài liệu tham khảo trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Nổi bật trong số đó phải kể tới đó là “Sử dụng làn điệu chèo” (1974), “Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền” (2001), “Tìm hiểu các làn điệu chèo cổ” 2001, “Tìm hiểu sân khấu chèo” (Hoàng Kiều - Trần Việt Ngữ), “Lịch sử sân khấu chèo và phát triển” (2009)…

Tuy nhiên, nhắc tới NGND Hoàng Kiều không thể không kể tới là lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Ông là tác giả kịch bản hoặc âm nhạc của rất nhiều vở kịch hát truyền thống (chèo, cải lương), đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật chèo.

Một số vở đến nay đã trở thành kinh điển của nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc. Trong đó, nổi bật nhất là vở chèo “Súy Vân”, “Từ Thức gặp tiên”… Với sự sáng tạo âm nhạc, ông đã góp phần đưa các vở chèo này nói riêng, nghệ thuật sân khấu và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói chung đạt tới chất lượng nghệ thuật cao của nghệ thuật chèo thế kỷ 20.

3. Đóng góp nhiều là vậy, nhưng gần như NGND Hoàng Kiều lại rất kiệm lời. Ông dành phần lớn thời gian của mình chỉ để chuyên tâm vào lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu và hầu như không giao lưu với thế giới bên ngoài lĩnh vực nghệ thuật mà mình đang hoạt động.

Gia đình nhỏ ngập tràn hạnh phúc của NGND Hoàng Kiều

Ngoài thời gian cho sáng tạo nghệ thuật,những thời gian còn lại ông dành cho gia đình và con cái. Có lẽ cũng chính vì vậy mà ông cũng chịu những thiệt thòi nhất định khi vững vàng trong trái tim của những đồng nghiệp cùng thế hệ, những đồng nghiệp thuộc thế hệ sau và các học trò là một nhà nghiên cứu nghệ thuật có đóng góp giá trị, là một tác giả âm nhạc, kịch bản đạt tới mức để coi là chuẩn mực cho giai đoạn nhưng với đại bộ phận công chúng. Ngay cả những người yêu nghệ thuật truyền thống, yêu chèo, không hẳn đã biết tới những cống hiến đáng trân trọng mà thầm lặng ở phía sau ấy.

Dẫu thế, ông lại có được tình yêu thương và sự quan tâm hết mình của vợ và những người con. Và sự kính trọng cả trong nghề nghiệp cũng như nhân cách của đồng nghiệp và các thế hệ học trò.