Vĩnh biệt một tình yêu Hà Nội

ANTĐ - Đó là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch và nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân, một tấm lòng gắn bó với Hà Nội suốt 75 năm qua và đã để lại cho đời hơn ba chục cuốn sách viết riêng về đề tài Thủ đô. Người được coi như cuốn từ điển sống về Hà Nội vừa thanh thản ra đi ở tuổi 90.

Vĩnh biệt một tình yêu Hà Nội ảnh 1Nhà báo, nhà văn Giang Quân

Cẩm nang sống về mảnh đất nghìn năm văn hiến 

Giang Quân tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thái, sinh ngày 4-10-1927 tại thị trấn huyện lỵ Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi đã ra đời Tự lực văn đoàn và về sau là nơi sinh các nhà văn Băng Sơn, Quang Huy và ông. Với hàng chục bút danh mà thường dùng nhất là Dân Quang, Mộng Hà, Kim Châm, Người KT... ông đã trở thành cây bút quen thuộc với bạn đọc Hà Nội cũng như cả nước.

Ông là con người điềm đạm, thân thiện, làm nhiều hơn nói và có bản lĩnh về tổ chức các hoạt động văn nghệ, tham quan, du lịch bởi ông đã có 20 năm hoạt động trong phong trào văn nghệ thanh niên, từng làm Đội trưởng Đội văn nghệ thanh niên Thủ đô mà những người tham gia từ thuở ban đầu ấy nay đều thành nghệ sĩ nhân dân như Doãn Hoàng Giang, Trần Hiếu (kịch), Trần Hiếu (ca nhạc), Quý Dương, Đoàn Dũng, Trung Kiên, Minh Ngọc, nghệ sĩ ưu tú Lê Mai.

Do có nhiều đóng góp cho phong trào văn hóa của Hà Nội, nhất là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tháng 10-2011, ông được thành phố vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú. Với những kiến thức đồ sộ về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội, ông trở thành cuốn cẩm nang sống về mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Sách viết về Hà Nội của ông, người đọc nhớ đến cuốn Từ điển đường phố Hà Nội đã xuất bản đến lần thứ 7; Thăng Long Hà Nội nghìn năm truyền thống và thanh lịch, Ký sự địa chí Hà Nội, Hà Nội phố phường... Ông cũng là người tham gia cuộc vận động viết về người tốt việc tốt mang tên “Những bông hoa đẹp” của thành phố 18 năm liền. Ông còn là tác giả của 6 tập thơ, hàng trăm kịch nói, hoạt cảnh chèo, tấu, tiểu phẩm phục vụ công tác tuyên truyền tư tưởng của ngành văn hóa thông tin Hà Nội trong suốt 40 năm công tác trong ngành.

Về nghiệp báo, ông đã là cộng tác viên của nhiều tờ báo xuất bản trong Hà Nội suốt 5 năm tạm chiếm (1950-1954), cộng tác từ thuở ban đầu với các báo sau ngày Thủ đô giải phóng như Thời Mới, Giang Sơn, Thủ đô, Hà Nội hàng ngày rồi sau này là Hà Nội mới, An ninh Thủ đô...

Tuổi cao vẫn không ngừng cống hiến

Nhưng cũng còn một mặt công tác mà ít người biết là ông đã góp sức cho ngành phát hành sách suốt 7 năm đầu giải phóng. Ông là người đã góp phần xây dựng Hiệu sách quốc văn tổng hợp ở số 40 phố Tràng Tiến, sau đổi là Hiệu sách kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Giang Quân cũng là người mở ra các hoạt động nghiệp vụ sinh động ở Hiệu sách như tổ chức cho các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tiếp xúc với với bạn đọc, ký tên lưu niệm khi sách mới ra; mở các đêm ca nhạc với sự tham gia của các nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Trần Hoàn...

Kể từ sau khi người bạn đời của ông sau gần 70 năm chung sống hạnh phúc mất năm 2012, ông dồn sức cho nghề văn, nghiệp báo. Đã ngoài 85 tuổi, ông vẫn là ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Thổ Quan, Mặt trận Tổ quốc quận Đống Đa, Ủy viên Hội đồng tư vấn những vấn đề văn hóa xã hội của MTTQ thành phố nhiều khóa liền. Ông còn là Ủy viên Hội đồng Khoa học tạp chí Giáo dục Thủ đô, cây bút chuyên luận của tạp chí Truyền hình Hà Nội.

Ông cho biết đã hoàn thành 2 tập Bách khoa thư Hà Nội phần mở rộng về Phong tục tập quán, lễ hội, ngày tết và Di tích danh thắng. Ông còn có tham vọng mà chưa thực hiện là viết cuốn Địa chí Hà Nội nhằm góp vào tủ sách Thăng Long - Hà Nội... Một niềm vui bất ngờ là ở tuổi 88, ông đã đoạt giải Nhất cuộc thi viết về an toàn giao thông Thủ đô năm 2014.

Cuộc đời khó có thể nói trước, sau hai lần tai biến mạch máu não không bắt được ông rời bỏ cõi đời này, thì đến ngày 12- 4- 2016, ông đã thanh thản ra đi ở tuổi 90. Thay mặt những người viết báo Hà Nội, xin có vài dòng tâm huyết vĩnh biệt ông: Một con người tràn đầy tình yêu Hà Nội!