Vĩnh biệt Giáo sư-họa sĩ hiện thực Phạm Công Thành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Họa sĩ hiện thực, GS Phạm Công Thành, người thầy của nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã trút hơi thở cuối cùng vào 21 giờ ngày 22/9/2022, hưởng thọ 91 tuổi. Ông được trao tặng nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý như: Học hàm Giáo sư, danh hiệu Nhà giáo ưu tú và nhiều huân chương về giáo dục.

GS. Phạm Công Thành sinh năm 1932 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và bắt đầu công việc giảng dạy từ năm 1962.

Là một họa sĩ hiện thực, ông luôn yêu thích nghệ thuật dân gian. Ông vẽ những gì có sẵn trong thiên nhiên và cuộc sống, tái hiện lại những vẻ đẹp hoàn mỹ, phong cảnh đồng quê, vùng núi tĩnh lặng, những bản làng đầy ắp các nhân vật với những khuôn mặt tươi rói, hồn hậu. Mỗi nét vẽ đều chi tiết, công phu, kỹ lưỡng thấm đượm chất trữ tình, chất nhân văn chỉ với một mục đích phản ánh hiện thực những điều tốt đẹp, sự trong sáng của con người và cuộc sống.

Quan điểm nghệ thuật của GS. Phạm Công Thành rất đơn giản, đó là sự tái hiện lại trong tranh những gì ngoài thiên nhiên và xã hội vốn có. Thiên nhiên luôn luôn đẹp, cuộc sống luôn đa dạng và thú vị. Tái hiện lại được đúng và chân thực những điều này đã là sự khó khăn mất rất nhiều thời gian và tâm sức.

GS, họa sĩ Phạm Công Thành

GS, họa sĩ Phạm Công Thành

GS Phạm Công Thành từng chia sẻ, ông đã từng thử vẽ theo những trường phái khác như trừu tượng, siêu thực, lập thể. Nhưng ông nhận thấy không hợp với mình. Vì "vẽ chẳng ra đâu vào đâu nên tôi lại quay trở về với phong cách đã quen thuộc của mình. Tôi luôn muốn vẽ những cái tốt đẹp, cái trong sáng của con người và cuộc sống. Và điều ấy trong tôi là không thay đổi. Chất nhân văn, chất trữ tình nằm ở trong những tạo hình về phong cảnh và con người ấy. Nông thôn vẫn là nông thôn mấy mươi năm trước; nông trường tập thể vẫn như xưa rộn rã tiếng cười và hăng say lao động… Tôi muốn thể hiện con người Việt Nam với niềm lạc quan về cuộc sống, tình yêu với cuộc sống", ông nói.

Phạm Công Thành chủ yếu vẽ tranh sơn dầu và minh họa. Tác phẩm của ông được giới chuyên môn nhận xét là “chuẩn mực về kỹ thuật, bố cục, ánh sáng”. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông có 7 bức lụa và sơn dầu được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm.

Vợ chồng GS Phạm Công Thành và 2 sinh viên ngành thiết kế

Vợ chồng GS Phạm Công Thành và 2 sinh viên ngành thiết kế

Là một người thầy, GS Phạm Công Thành luôn cảm thấy hạnh phúc và thanh thản với công việc trồng người. Bao nhiêu thế hệ học trò được dạy dỗ, đã thành đạt, trở thành những con người có ích là món quà lớn nhất, quý nhất mà ông cũng như bất cứ một nhà giáo nào cũng đều mong mỏi.

Nhớ về người thầy từng dạy lớp Lý luận khóa đầu tiên năm 1990 của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhà báo Hoàng Anh, Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật cho biết, thầy Phạm Công Thành rất hiếm khi cầm tài liệu lên lớp. Nhưng ở trên bục giảng, não bộ của thầy dường như chứa cả kho tàng kiến thức đồ sộ vô tận khiến lũ học trò ngày ấy say sưa lắng nghe. Với lối giảng thiên về dẫn dụ và ví dụ bằng rất nhiều hình ảnh và các câu chuyện khác nhau liên quan đến tạo hình, gần gũi với cuộc sống nên các bài giảng của thầy đều hết sức sinh động. Ký ức những giờ học sôi nổi ấy còn lưu lại mãi trong nhà báo Hoàng Anh đến tận hôm nay.

GS Phạm Công Thành và con trai-họa sĩ Phạm Bình Chương
GS Phạm Công Thành và con trai-họa sĩ Phạm Bình Chương

"Lũ sinh viên chúng tôi hồi ấy chỉ biết ngưỡng mộ kiến thức sâu rộng của thầy theo kiểu đơn giản nhất như “yêu một thần tượng”. Còn nghệ thuật tạo hình thì “thầy mình lúc nào cũng là nhất rồi”. Đến bây giờ, 20 năm sau ngày ra trường, được ngồi chuyện trò với thầy về các quan niệm nghệ thuật, các tìm tòi trong tạo hình, được xem tận mắt những công việc nghệ thuật âm thầm khác mà thầy đã từng làm…thấy trong lòng dâng lên một sự yêu kính sâu sắc rõ rệt với những thành tựu của cả một đời làm nghệ thuật và học thuật của thầy gây dựng", bà Hoàng Anh nói.

Tuy không có nhiều giải thưởng về nghệ thuật, ông lại có nhiều thành tựu lớn về giáo dục. Điển hình như: Nghiên cứu phê bình mỹ thuật, các giáo trình quan trọng. Đặc biệt, cuốn “Luật xa gần” xuất bản năm 1982 của ông đã trở thành cuốn sách kinh điển được tái bản tới bốn lần, là cuốn giáo trình gối đầu giường cho các thế hệ sinh viên chuyên ngành mỹ thuật 35 năm qua.

GS Phạm Công Thành là bố của họa sĩ hiện thực Phạm Bình Chương, người chuyên vẽ phố xưa Hà Nội và là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Tang lễ của GS, họa sĩ Phạm Công Thành diễn ra vào 9 giờ 30 ngày 27/9 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Một số tác phẩm của GS Phạm Công Thành:

Tranh "Ca trù" của họa sĩ Phạm Công Thành

Tranh "Ca trù" của họa sĩ Phạm Công Thành

Một số trang bìa tranh truyện do Giáo sư – Họa sĩ Phạm Công Thành vẽ minh họa

Một số trang bìa tranh truyện do Giáo sư – Họa sĩ Phạm Công Thành vẽ minh họa

Tác phẩm "Trai gái làm thủy lợi", 1967, lụa. 60x100cm

Tác phẩm "Trai gái làm thủy lợi", 1967, lụa. 60x100cm

Tác phẩm "Trên đồi hoang", 1962, sơn dầu. 120x160cm

Tác phẩm "Trên đồi hoang", 1962, sơn dầu. 120x160cm