Vịnh Ba Tư "bùng cháy": Mỹ tính "chơi rắn" với Iran như năm 1988?

ANTD.VN - Quan hệ giữa Mỹ - Iran những ngày gần đây liên tục gia tăng căng thẳng, nguy cơ bùng phát chiến tranh như kịch bản trận Hải chiến năm 1988 sau khi Mỹ triển khai tàu quân sự và tiến hành tập trận khiêu khích tại Vịnh Ba Tư. Trong khi đó, phía Iran khẳng định nước này sẵn sàng "đáp trả" nếu một cuộc xung đột quân sự nổ ra.

Hải chiến 1988: Lịch sử liệu có lặp lại?

Hải quân Mỹ (20-5) thông báo, nhóm "tác chiến" tàu sân bay USS Abraham Lincoln (ABECSG), nhóm tàu đổ bộ Kearsarge và đơn vị lính thủy đánh bộ viễn chinh số 22 của Mỹ vừa hoàn thành cuộc tập trận hai ngày trên biển Arab.

Giới chuyên gia nhận định, việc Mỹ đã đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và nhiều máy bay ném bom đến Vịnh Ba Tư tập trậnđể "gửi thông điệp cảnh báo" nước này, sau khi có thông tin Tehran đang lên kế hoạch tấn công lực lượng Mỹ ở Trung Đông.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln (Nguồn: National Interest)

Trước đó, Tình báo Mỹ cho biết, Iran đã chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn bằng đường biển đến vịnh Ba Tư, từ đó sẽ có thể tấn công các vị trí của Mỹ trong khu vực. Số tên lửa này được lắp ráp hoàn chỉnh bởi lực lượng Vệ binh cách mạng Iran (IRGC), vốn bị Mỹ coi là một "tổ chức khủng bố nước ngoài". Tuy nhiên, chưa rõ Iran sẽ phóng tên lửa từ tàu hàng hay sử dụng bệ phóng trên đất liền.

Các mục tiêu nằm trong tầm bắn tên lửa Iran được cho là Saudi Arabia, Bahrain và Qatar. Điều này khiến Mỹ dự định triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa như Patriot để tăng cường an ninh cho đồng minh.

Tình hình hiện tại khiến giới quan sát lo ngại rằng sẽ có một cuộc chiến cục bộ giữa Mỹ và Iran dẫn tới việc không thể kiểm soát nổi xung đột, tuy nhiên cần lưu ý rằng trong lịch sử đây không phải lần đầu Mỹ-Iran có hành động tương tự mà thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Một tàu khu trục của Hải quân Iran

Sự kiện này diễn ra vào năm 1988, trong chiến dịch Praying Mantis (14-4-1988) do Hải quân Mỹ tiến hành nhằm ngăn chặn Iran rải thủy lôi "phong tỏa" Vịnh Ba Tư, họ đã tung vào trận tuần dương hạm USS Wainwright (CG-28) lớp Belknap và khinh hạm USS Simpson (FFG-56) lớp Oliver Hazard Perry.

Ở phía bên kia, Iran triển khai các tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Kaman, nguyên gốc là tàu tên lửa tấn công nhanh Type 148 của Hải quân Đức, sau đó nó được Pháp sản xuất dưới tên gọi La Combattante IIa.

Vụ đụng độ trên cũng ghi nhận là lần đầu tiên tên lửa phòng không được sử dụng trong vai trò chống hạm và đã phát huy hiệu quả tốt. Tàu chiến USS Simpson đã phóng 4 tên lửa RIM-66 Standard MR còn USS Wainwright phóng 2 tên lửa RIM-67 Standard ER vào chiếc Joshan lớp Kaman.

Cuộc tấn công bằng tên lửa phòng không của tàu chiến Mỹ đã phá hủy chỉ phần thượng tầng của chiến hạm Iran, do trọng lượng khá nhỏ và kết cấu nổ phá mảnh của đầu đạn mà tàu Iran đã không bị đánh chìm.

Sau khi Hải quân Mỹ có hành động "chơi rắn", chiến dịch thả ngư lôi phong tỏa vịnh Ba Tư của Iran đã bị phá sản. Theo nhiều chuyên gia quốc tế, không có gì đảm bảo sẽ không diễn ra một hành động tương tự trong vài ngày tới khi các lực lượng Mỹ và Iran đang trong trạng thái sẵn sàng, và cũng không có gì đảm bảo rằng Mỹ hay Iran sẽ áp đảo được đối phương vì cả hai đều đã có kinh nghiệm va chạm thực chiến.

Nguyên nhân căng thẳng leo thang

Quan hệ Mỹ-Iran ngày càng "căng như dây đàn", nguy cơ nổ ra xung đột bởi một số động thái gần đây của Mỹ.

Ngày 22-4-2019, Tổng thống Mỹ D. Trump đã quyết định không gia hạn miễn trừ các lệnh trừng phạt dầu mỏ Iran đối với một số quốc gia. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 2-5-2019. Việc không gia hạn này có nghĩ là Mỹ cũng sẽ trừng phạt bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Iran mà không có ngoại lệ.

Quyết định này nhằm mục đích "đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0". Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, lệnh trừng phạt này sẽ được duy trì tới chừng nào Tehran chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Tháng 5-2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân  (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức). Tháng 9 cùng năm, Mỹ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt, trong đó có việc cấm xuất khẩu dầu mỏ đối với Tehran (8 quốc gia: Trung Quốc, Ấn Độ, Italia, Hy Lạp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ được Mỹ miễn trừ tạm thời, có nghĩa là được nhập khẩu dầu Iran đến một thời điểm nhất định).

Ngày 8-4-2019, Tổng thống D. Trump quyết định liệt kê Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách khủng bố.

Chiến hạm của Mỹ vào Vịnh Ba Tư

Các động thái này của Mỹ bị hầu hết các nước trên thế giới phản đối do vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, ngoại trừ một số nước có thù địch với Iran như Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain.

Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố tố cáo các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "bất hợp pháp", coi quyết định của Mỹ là không có giá trị pháp lý, khẳng định sẽ tiến hành tham vấn với các đối tác để chống lại quyết định của Mỹ.

Trong buổi họp báo hôm 20-5, cơ quan hạt nhân Iran nhấn mạnh, Tehran chưa vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký với 6 cường quốc hạt nhân, Iran cũng chưa tăng số máy ly tâm - loại máy cần thiết để làm giàu urani.

Trong khi đó, Tư lệnh IRGC, Đô đốc Alireza Tenksiri đe dọa Tehran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz trong trường hợp Iran không được sử dụng con đường thủy này.

Mục đích sâu xa của Mỹ

Chính quyền Mỹ tiến hành áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, đe dọa quân sự nhằm đích là buộc Iran ngừng phát triển tên lửa đạn đạo, hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, chấm dứt đe dọa các đồng minh của Mỹ ở khu vực, trước hết là Israel và Saudi Arabia.

Về chính trị, thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế, chơi rắn bằng quân sự, Mỹ muốn gây sức ép tối đa buộc Iran chấm dứt các hoạt động nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là ở Syria, Lebanon, Iraq, Yemen, Qatar... Mục tiêu cuối cùng của Mỹ là "thay đổi chế độ Hồi giáo Iran".

Mặt khác, Tổng thống D. Trump đang tìm mọi cách để phá hoại nền kinh tế Iran, cô lập và ngăn cản không cho nước này xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Liên minh châu Âu (EU), buộc Iran phải ngồi lại vào bàn đàm phán với Mỹ ở thế yếu về JCPOA, chương trình tên lửa đạn đạo và chính sách khu vực.

Đồng thời thông qua các biện pháp trừng phạt Iran, Mỹ cũng muốn tập hợp lực lượng, tranh thủ sự ủng hộ của các nước Arab trong cuộc đối đầu với Tehran.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ chắc chắn sẽ làm "xấu đi" tình hình kinh tế của Iran. Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA tháng 5-2018, đến tháng 11-2018, đồng nội tệ Rial của Iran mất giá 70%. Quyết định trừng phạt của ông D. Trump buộc Iran phải tìm cách tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Eu và một số quốc gia khác.

Theo các chuyên gia quân sự, trong bối cảnh khu vực và cán cân so sánh lực lượng hiện nay, Mỹ ít khả năng đối đầu quân sự trực tiếp với Iran. Bởi lẽ, nếu tiến hành chiến tranh với Iran lúc này, Mỹ sẽ phải đối đầu trực diện không chỉ với quân đội Iran mà còn với các quân đoàn IRGC tinh nhuệ, được trang bị các loại vũ khí hiện đại, sẵn sàng tử vì đạo. Đẩy Iran vào con đường cùng, trong tình thế không còn gì để mất, người Iran sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước và "phẩm giá" dân tộc của mình.

Tàu chiến Mỹ khai hỏa trong cuộc tập trận ngày 20-5-2019 (Nguồn: AP)

Cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran chỉ có thể giải quyết được bằng "thương lượng hòa bình". Dù có những động thái hết sức căng thẳng, nhưng cả hai bên vẫn "để ngỏ" cánh cửa đối thoại, đây là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, đến nay giữa hai bên vẫn chưa có quan điểm thỏa hiệp.

Iran là một trong những nước lớn ở khu vực, do đó muốn xây dựng một Trung Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng, nhất thiết phải có sự đóng góp của họ. Ngược lại, nếu một Iran luôn bị chèn ép quá mức có thể dẫn đến những hệ quả không lường.

Đây là một vấn đề mà Mỹ cần lưu ý trong việc triển khai các chính sách ở Trung Đông nói chung và trong quan hệ với Iran nói riêng.