Vietinbank “tố” ACB “làm bừa”

ANTĐ - Ngày xét xử thứ tám liên tiếp hôm qua (9-12), luật sư bào chữa cho cả 6 bị cáo từng là lãnh đạo Ngân hàng ACB đã lần lượt bày tỏ quan điểm không đồng tình hoặc chỉ đồng ý một phần bản án sơ thẩm. Trong khi đó, đại diện Vietinbank cho rằng ngân hàng này không phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 718 tỷ đồng.   

Vietinbank “tố” ACB “làm bừa”    ảnh 1Trong khi luật sư bày tỏ quan điểm thì bị cáo Nguyễn Đức Kiên tỏ ra mệt mỏi

Đề nghị hủy một phần án sơ thẩm

Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Đình Hưng khi bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải – cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB. Luật sư Hưng đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét lại việc viện dẫn và áp dụng các điều 90, 104, 106 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tại bản án sơ thẩm khi quy kết bị cáo Lý Xuân Hải phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi lẽ, Luật Các tổ chức tín dụng chỉ có hiệu lực vào ngày 1-1-2011. Theo phân tích của luật sư Hưng, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi là ngày 22-3-2010. 

Về hậu quả trong hành vi cố ý làm trái của bị cáo Hải, luật sư Hưng cho rằng hồ sơ vụ án còn thiếu một chứng cứ rất quan trọng, đó chính là bản án có hiệu lực pháp luật đối với Huỳnh Thị Huyền Như. Bản án sơ thẩm quy kết số tiền gần 719 tỷ đồng của ACB đã bị lừa đảo chiếm đoạt hết, nhưng thực tế vẫn còn nhiều tranh cãi. Và mặc dù chưa có kết luận cuối cùng là số tiền ấy có bị mất hay không, song cấp tòa sơ thẩm vẫn lấy đó làm hậu quả vụ án và làm căn cứ để xác định bị cáo Hải phạm tội là không thỏa đáng.

Cùng bào chữa cho cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, luật sư Lưu Văn Tám nêu quan điểm Lý Xuân Hải không thể là chủ thể của Điều 165 - BLHS vì Ngân hàng ACB không có một đồng vốn nào của Nhà nước. Tất cả đều được hình thành từ vốn góp của tư nhân, do đó ACB chỉ phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp như một công ty cổ phần. Luật sư Tám phân tích, chức danh Tổng Giám đốc của bị cáo Hải là do Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB bầu ra nên bị cáo chỉ phải chịu trách nhiệm trước thường trực HĐQT và trước Đại hội cổ đông của ngân hàng này. Và cũng chính vì không có sở hữu công ở đây nên chủ sở hữu tư được quyền định đoạt tài sản và hướng kinh doanh của mình. Nếu bị cáo Hải vi phạm pháp luật và gây thất thoát tài sản của ACB thì các cổ đông có quyền miễn trừ trách nhiệm đối với bị cáo.

Nhân viên ACB thỏa thuận ngầm vì hám lãi

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), luật sư Nguyễn Thị Bắc khẳng định ngân hàng này hoàn toàn đồng tình với kết luận của đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm. Bởi theo luật sư Bắc, bị án Huỳnh Thị Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền của Ngân hàng ACB ngay từ đầu. Điều này được thể hiện ở chỗ Như thỏa thuận ngầm với Huỳnh Thị Bảo Ngọc (cán bộ quản lý kho quỹ ACB) để huy động tiền gửi với lãi suất cao hơn quy định.  Luật sư này nhìn nhận, ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của Như còn thể hiện ở chính lời khai của bị án trong suốt quá trình tố tụng vụ án này.

Cụ thể Như khai do làm ăn thua lỗ và vì sức ép của các chủ nợ nên đồng ý ngay khi Ngọc trao đổi về việc gửi tiền với lãi suất cao. Thậm chí Như còn sẵn sàng chi thêm cho Ngọc lãi suất ngoài hợp đồng từ 3,8 - 4%/năm và 1,5%/năm tùy theo từng món tiền gửi. Tiếp đến, Như từng bước dẫn dụ cán bộ Ngân hàng ACB thực hiện một số thao tác, công đoạn bất bình thường là mở tài khoản thanh toán tại Vietinbank, nhưng sau khi tiền vào tài khoản thanh toán, bị án lại bảo Ngọc ký các lệnh chi để chuyển từ tài khoản thanh toán sang tài khoản có kỳ hạn. Và còn một thực tế nữa là bị án Như đã dùng tiền của mình để trả lãi suất chênh lệch cho Ngân hàng ACB hơn 10,3 tỷ đồng, đồng thời biếu riêng Ngọc 3,7 tỷ đồng, thông qua tài khoản của chị gái Ngọc. 

Luật sư Bắc cũng chỉ rõ bị án Như thực hiện hàng loạt thao tác gian dối khác, đó là đánh tráo chữ ký của một số nhân viên ACB; lập các hợp đồng tiền gửi giả của Vietinbank, thuộc Chi nhánh Nhà Bè và sắp đặt để nhân viên ACB ký lệnh chi khống. 

Cũng trong phần tranh luận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank, luật sư Bắc còn “tố cáo” nhân viên của ACB đi gửi tiền rất thờ ơ, vô trách nhiệm, do đó mới dẫn tới việc Như dễ dàng thực hiện được các lệnh chi khống, chi giả và chiếm dụng các thẻ tiết kiệm. 

Sau cùng, luật sư Bắc khẳng định: “Vietinbank không biết và không thể biết các nội dung thỏa thuận ngầm giữa cá nhân bị án Huỳnh Thị Huyền Như và Ngân hàng ACB như thế nào. Vietinbank cũng hoàn toàn không biết nguồn tiền gửi của ACB. Vietinbank không có lỗi đối với sai phạm cũng như sự tắc trách của lãnh đạo và nhân viên ACB. Do đó, Ngân hàng ACB phải tự chịu trách nhiệm về các thiệt hại của mình”.