Viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử: Xử lý như thế nào?

ANTD.VN - Tình trạng viết, vẽ bậy lên các di tích lịch sử đã trở thành một “thói quen vô thức” của người Việt và làm biến dạng thành trì mà ông cha bao đời xây dựng. Không những thế nó còn làm méo mó những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống văn hiến của quốc gia, dân tộc. Thói quen vô thức này đã tạo ra hình ảnh xấu trong mắt du khách quốc tế và gây tổn hại với di sản dân tộc. Vậy phải làm gì để ngăn chặn hành vi thiếu ý thức văn hóa này, có nên đưa ra một khung hình phạt để giáo dục, răn đe với những người “cố tình” viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử dân tộc.

Theo báo Dân trí đưa tin, gần đây hàng loạt những trang báo lớn của Nhật Bản như Asashi, NHK… vừa đồng loạt đưa tin về vụ việc Ban quản lý khu di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori, chính thức thông báo việc phát hiện những dòng chữ, ký hiệu vẽ bậy. Theo thông báo ban đầu, có thể người vẽ đã dùng vật nhọn để khắc lên tường đá của thành cổ.

Những dòng chữ lạ được phát hiện hôm 26-10. Cụ thể, trên tường đá bị khắc chữ nổi bật “A.HÀO” cùng hình vẽ trái tim.

Viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử: Xử lý như thế nào? ảnh 1 

Dòng chữ "A.HÀO" bị vẽ bậy lên một phần đá của thành cổ ở Nhật Bản

Vụ việc khiến nhiều người rất bức xúc. Viết bậy lên khu di tích quốc gia tại Nhật Bản được coi là hành vi phá hoại tài sản văn hóa, cần lên án mạnh mẽ. Sự việc vẫn đang được cơ quan chức năng địa phương điều tra. Dù chưa rõ thời điểm thành cổ bị vẽ bậy, nhưng nhiều khả năng, dòng chữ này bị khắc vào ban đêm.

Viết, vẽ bậy thói quen xấu của người Việt

Nếu dạo quanh một vòng những di tích lịch sử xung quanh thủ đô Hà Nội, chúng ta sẽ bắt gặp vô vàn những hình ảnh, những nét khắc trên các di tích lịch sử: Tháp Bút, tháp Hòa Phong, Hoàng Thành Thăng Long, cầu Long Biên… Những nét chữ nguệch ngoạc, những câu nói có thể xem là “vô văn hóa” không còn xa lạ gì tại những nơi này. Điều đáng nói ở đây là mặc dù biết là hành động sai, thiếu ý thức thế nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên đặt bút “in dấu” kỷ niệm.

 

Nhem nhuốc những dòng chữ nguệch ngoạc trên tháp Hòa Phong – Hà Nội

Như báo ANTĐ đã thông tin, tháng 3-2016, bức ảnh chụp cảnh một nhóm bạn trẻ đang vẽ lên bia đá trên núi Bài Thơ (Quảng Ninh) nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Mọi người tỏ ra phẫn nộ và đáng buồn thay cho thế hệ trẻ lại có hành vi thiếu ý thức khi viết, vẽ bậy lên di tích như vậy.

Không những vậy, cây đa hơn 800 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) cũng trong tình cảnh “oằn lưng” với vết dao. Dù đã đặt biển báo ngay bên cạnh nhưng xem ra nó không đủ sức ngăn cản “hứng thú” của một số du khách.

Những di tích đi qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố vẫn vẹn nguyên nhưng lại đang bị làm tổn thương bởi hành động thiếu văn hóa, vô ý thức của một số người.

Phải xử phạt bằng luật để giáo dục và răn đe

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, việc viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử đang là thực trạng nhức nhối ở nhiều di tích trên cả nước. Trong khi đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý thực hiện rất hời hợt. Từ vụ việc xảy ra ở Nhật Bản, cần thiết phải có sự lên tiếng báo động, đặt vấn đề giải quyết từ cấp thiết trước mắt, cho đến giải pháp căn cơ, lâu dài.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoa – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa –Thông tin Thừa Thiên Huế: Trước tiên, các cơ quan quản lý di tích phải có sự phối hợp làm sạch, tẩy xóa một cách triệt để tệ trạng viết vẽ bậy trên các di tích - di vật, tránh trường hợp người dân và du khách đến đó thấy người khác viết được thì mình cũng viết được.

Viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử: Xử lý như thế nào? ảnh 3 

Cột mốc trên đỉnh Fanxipang cũng bị bôi bẩn khiến nhiều du khách bức xúc

Phải có những bảng cấm, cảnh báo nghiêm khắc, đề ra hình phạt theo luật định, chứ không thể là những bảng biển với nội dung rất hiền lành, kêu gọi, nài nỉ như "Xin vui lòng không viết vẽ bậy lên tường"...

Kế đến, tại các di tích - di vật cần có bảng giới thiệu, có thể vắn tắt thôi, về niên đại, các giá trị văn hóa lịch sử... để từ đó người xem hiểu phần nào giá trị và sẽ ngần ngại nếu có ý định xâm hại.

Về giải pháp căn cơ, thứ nhất, cần có những điều chỉnh để pháp luật được thực hiện một cách nghiêm túc, nghiêm khắc.

Để làm được phải có những ràng buộc pháp lý cụ thể và nghiêm khắc như vậy để người ta ngần ngại vi phạm, nhất là khi bắt quả tang phải xử lý nghiêm bằng luật chứ không đơn giản cho qua chuyện.

Căn cơ hơn là phải bắt đầu từ giáo dục, cần phải đưa vào giáo dục nhân cách, hành xử văn hóa, tôn trọng những giá trị di sản văn hóa ngay từ lứa tuổi học sinh bậc mầm non, càng lên các bậc học càng phải có những môn học về văn hóa, văn minh để xây dựng nhân cách văn hóa cho người Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Hiện tại, theo quy định tại Điều 23 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo là phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật.

Nếu chiếu theo Luật di sản văn hóa thì hành vi viết, vẽ bậy lên di sản được khép vào tội “hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa”. Thế nhưng, trên thực tế chưa có vụ việc nào được xử lý triệt để, đủ sức răn đe cho nhiều người khác. Và hành vi viết, vẽ bậy lên di tích quốc gia vẫn tiếp tục tái diễn.

Thế giới phạt nặng, thậm chí bỏ tù đối nếu phá hoại di tích lịch sử

Theo VNE, tại Trung Quốc, những vụ phá hoại công trình cổ, di tích tham quan được pháp luật bảo vệ xảy ra khá thường xuyên tại Trung Quốc do hình phạt thấp, theo China Daily. Nếu thiệt hại không đủ nghiêm trọng để xử phạt hình sự, mức phạt tiền là 200 nhân dân tệ (khoảng 28 USD), hoặc cảnh cáo.

Còn tại Singapore, người vẽ, viết bậy tại nơi công cộng hay các di tích sẽ bị bắt. Mức phạt tối đa cho tội này là 2.000 SGD (khoảng 1.416 USD) hoặc phạt tù tới 3 năm, chịu đánh từ 3 đến 8 roi.

Vào năm 1994 chính phủ Singapore xử phạt một thiếu niên Mỹ Michael Fay, bị quất roi vì phá ôtô và tài sản công cộng. Dù cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton can thiệp, chính quyền Singapore vẫn giữ nguyên hình phạt và giảm số roi cho Fay.

Viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử: Xử lý như thế nào? ảnh 4 

Hồi đầu năm 2015, hai du khách Đức phải ngồi tù 9 tháng và chịu 3 roi vì tội vẽ graffiti lên một đoàn tàu

Tại Thái Lan, với tội phá hoại công trình cổ, người vi phạm có thể phải chịu mức phạt lên tới 10 năm tù và khoản tiền phạt một triệu baht (30.650 USD). Gần đây, hai du khách Furlong Lee - người Anh, và Brittney Lorretta Katherine Schneider - người Canada đã bị bắt vì sơn dòng chữ lên bức tường 800 tuổi thuộc di tích cổng Tha Pae tại Chiang Mai vào hồi tháng 10.

Tại xứ sở kim chi, viết vẽ trái phép lên tài sản công hoặc tư đều bị quy vào tội xâm phạm và phá hoại tài sản, theo Cơ quan Cánh sát Quốc gia Hàn Quốc (KNP). Người phá hoại tài sản có thể bị phạt tới 7 triệu won (6.300 USD) và ba năm tù, còn những đối tượng xâm phạm tài sản đối mặt với mức phạt tới 5 triệu won (4.450 USD) và ba năm tù. Không có trường hợp ngoại lệ cho khách nước ngoài.