"Viết văn là nghề khó nhất!"

ANTĐ - Nghề gì muốn giỏi cũng phải học nhưng nghề viết văn không ai dạy nổi đâu. Tôi xin kể về một người bạn cùng học với tôi thời cấp ba, đó là nhà văn Ma Văn Kháng. 

"Viết văn là nghề khó nhất!" ảnh 1

Biết chục, biết trăm mới viết thành một

Năm 1954 sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm trung cấp Trung ương (Nam Ninh), tôi vì ít tuổi nên được cử về học tiếp Đại học Sư phạm Khoa học tại Hà Nội. Kháng (Đinh Trọng Đoàn) được cử về tiếp quản Thủ đô để dạy cấp II, một vinh dự hiếm có lúc ấy, nhưng Kháng đề nghị cho về Lào Cai. Bạn bè ai cũng nghĩ Kháng quê ở Lào Cai, đâu biết quê Kháng ở ngay ngoại thành Hà Nội.

Kháng xin về Lào Cai vì trong người đã có máu viết văn và nghĩ rằng nơi biên cương với đông đảo bà con dân tộc ít người mới là mảnh đất để tôi luyện ngòi bút. Thời đó, Lào Cai còn loạn lạc, Kháng phải tham gia nhiều công tác tiễu Phỉ, xây dựng hợp tác xã... trước khi trở thành ông giáo. Kháng bám chặt lấy mảnh đất ngồn ngộn tư liệu sống tại nơi ấy trong rất nhiều năm. 

"Viết văn là nghề khó nhất!" ảnh 2

Cuốn sách “Người thợ mộc và tấm ván thiên”

Tôi không muốn kể về thành tựu văn chương của Kháng vì giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng ASEAN và hàng chục luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ khai thác về nhà văn này đã nói lên quá đủ rồi. Tôi viết bài này chỉ vì xúc động khi đọc cuốn tiểu thuyết mà Kháng cho là “có lẽ là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình tặng Lân Dũng”. Tôi đã nói ngay với Kháng: “Mình kém bạn 2 tuổi, lại mang 2 stent trong động mạch vành rồi nhưng không bao giờ mình nghĩ đã viết xong cuốn sách cuối cùng. Nói thế là nói dại. Còn sống còn phải viết, còn phải cống hiến”.  

Đó là cuốn “Người thợ mộc và tấm ván thiên” mà Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành. Cốt truyện quá giản dị về một ông giáo bị trù dập phải đi học nghề mộc để nuôi vợ con và sau cùng là khuyên ông thầy đừng lấy ác để trả thù ác. Chỉ có vậy thôi mà tôi phải đọc rất chậm từng dòng, từng trang vì một lý do khác. Đó là điều tôi muốn tâm sự với các bạn trẻ nào muốn có mộng ước viết văn.

Đó chính là phải biết chục, biết trăm mới viết thành một. Đó là sự tự học suốt đời trong cuộc sống quanh mình, qua kiến thức thu nhận được từ sách vở, từ bạn bè. Nó thấm vào máu thịt và chảy ra ngòi bút đúng lúc, đúng chỗ. Người đọc thấy thú vị đâu ở chỗ biết diễn biến của cốt truyện mà chính là thấy mình học được thêm nhiều điều, khiến kiến thức của mình được bổ sung, tâm hồn mình được tắm mát thêm và niềm vui sống được nhân lên. 

Tôi thật khó dẫn chứng vì từng trang, từng dòng đều có những điều mà tôi chưa biết và muốn biết. Chẳng hạn như nghề mộc, từ chiếc cầu bào, bào thẳm dài, bào cóc ngắn, bào phá, bào thô, bào lấy mặt phẳng đường mực, cái giằng cưa, cưa ngang, cưa dọc, cưa hạt mướp, xẻ đứng, xẻ níu, mộng đơn, mộng kép, mộng mang cá, đầu mộng, cắt mộng, mũi đục bạt, mũi đục tám ly, mở mạch răng cưa, đặt góc, cắt lựa, điều khiển nhiệt để mặt tấm gỗ này cong vênh còn mặt kia phẳng lỳ, rửa cưa bằng giũa, độ giãn cách giữa lưỡi bào và trục bào, phoi bào dài 2 mét không được đứt đoạn... Không phải là một giáo trình khô khan về nghề mộc xen vào mạch truyện mà đưa vào một cách rất tự nhiên, nhuần nhuyễn.

Chức trách cao quý của người cầm bút 

Một câu chuyện về một thầy giáo mà nói lên được biết bao biến động của xã hội trong một giai đoạn khá dài. Từ Hiệu trưởng Hú xuất thân từ bần nông, được bắt rễ trong cải cách, rồi học bổ túc, làm đội phó, dần dần lên tới Trưởng phòng Giáo dục huyện và Hiệu trưởng trường Bổ túc văn hóa công nông. Thông qua một con người ngu dốt, hãnh tiến, gian ác, hèn hạ, thủ đoạn, xảo trá mà ta hình dung ra cả một giai đoạn đất nước gánh chịu biết bao thảm cảnh của những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Kiến thức từ các câu ngạn ngữ trong và ngoài nước, từ các câu vè giản dị của người dân đến những đoạn thơ hay của các nhà thơ nổi tiếng được đưa vào một cách tự nhiên nhưng người đọc hầu như muốn lấy sổ ra để ghi lại.

Trong cuốn truyện này những hình thái, tâm lý, tình cảm của từng nhân vật được lột tả đến mức nếu dựng thành phim chắc chẳng còn mấy khó khăn cho biên kịch và đạo diễn. Biết bao chuyện xấu xa có thực của xã hội trong từng giai đoạn nhưng cũng còn có biết bao  người lao động chất phác, chân thực, quả cảm và đầy nghị lực. Đó là cái tài của người viết mà không dễ mấy ai làm được một cách thật tự nhiên như cuộc sống thực. 

Tôi viết mấy dòng này với mong muốn mọi bạn trẻ nên tìm đọc cuốn tiểu thuyết mà theo tôi là quá hay này.

Các bạn sẽ hiểu hơn xã hội chúng ta cả về thành công và những sai lầm đáng tiếc, hiểu hơn về con người thật với cái tốt, cái xấu đan xen. Từ đó, chúng ta tự hướng mình đến con đường nhân ái, tích cực, tự giác và tránh xa những cạm bẫy không khi nào hết được quanh ta. Điều thứ hai tôi  trộm nghĩ và muốn tâm sự với bạn bè, rằng “viết văn có lẽ là nghề khó nhất trong các nghề khó nhất”.  Viết  văn không phải là một “nghề kiếm sống”  mà là một “nghiệp vẻ vang và vô cùng gian khổ”. Cần sống tốt, cần quan sát kỹ cuộc sống và cần thu lượm càng nhiều càng tốt mọi kiến thức có thể tích lũy được thì may ra mới có thể  hoàn thành được chức trách cao quý của một người cầm bút.

Thiết nghĩ có được những cuốn tiểu thuyết có giá trị như cuốn này và nhiều cuốn khác của Ma Văn Kháng  thật sự là người viết cần có quyết tâm tích lũy từng ngày, từng tháng, từng năm vì một khát vọng thật sự với văn chương.