Việt Trinh: Cám ơn cuộc đời đã cho tôi những cái tát

ANTĐ - Ngôi sao điện ảnh một thời của điện ảnh Việt Nam giờ đã thay đổi nhiều. Việt Trinh tâm sự rằng sự thay đổi của cô là một điều cô cần cám ơn cuộc đời, dù rằng, đôi lúc cuộc đời cũng đã bạc đãi cô.

Tham vọng lớn, tài năng nhỏ

- Cuộc sống của chị bây giờ hẳn nhiên là hạnh phúc chứ, phải không?

Cuộc sống của tôi hiện nay rất ổn và bình an. Kinh tế chắc chắn không bằng trước đây, nhưng cách sống và suy nghĩ đã khác nên thấy đầy đủ, không mong giàu hoặc cực kỳ giàu, chỉ mong đủ là đủ. Thêm nữa, tôi đang cực kỳ hạnh phúc vì có hoàng tử 4 tuổi rưỡi bên cạnh. Đó là gia đình. Còn ở khía cạnh xã hội, tôi có những người bạn tốt cùng đồng lòng làm việc.

- Thường thì, sự thay đổi chỉ đến sau những biến cố. Nhìn lại, chị thấy đời mình may mắn vì những biến cố đó chứ?

Tôi nói với bạn bè rằng, rất cảm ơn cuộc đời đã cho tôi những cái tát. Tôi nghĩ rằng, những cái tát đó là do chính cách mình nghĩ, mình làm mang đến chứ không do ai cả. Những cái tát đó cho tôi ngày hôm nay, mặc dù ngày hôm nay tôi chưa hẳn là người tốt nhưng dẫu sao tôi cũng biết cách soi rọi việc làm tốt và xấu của bản thân sau một ngày qua đi, cố gắng hạn chế xấu, phát huy tốt. Cuộc đời, không phải ai cũng được như vậy, có những cái sân si tham vọng quá lớn rồi vấp ngã. Mà vấp ngã đau mới cho ta bài học lớn.

- Lại là một câu chuyện cũ, với những vất vả ngày cũ?

Đúng, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Lúc tôi còn nhỏ thì gia đình rất cực khổ, một mình mẹ nuôi 7 đứa con. Nhiều lần nhìn mẹ cực khổ như vậy, tôi muốn mình cố gắng làm nhiều tiền lo cho mẹ, mong mẹ bớt khổ. Khi mới 11 - ­12 tuổi tôi đã muốn làm ra tiền, lo phụ mẹ. Lớn lên mộng ước làm ra tiền càng lớn, lên cấp số nhân, tôi muốn thật nhiều tiền, giàu có. Một phần lo cho mẹ, một phần là tham vọng quá lớn mà khả năng mình không được như vậy, nên tôi rơi vào hố sâu, ngoi ngóp trong đống bùn đó một thời gian dài. Khi mà tôi đã cố gắng ngoi lên nhìn mặt trời và không muốn quay lại nhìn quá khứ bùn lầy đó nữa. Đồng tiền vẫn quan trọng với tôi nhưng tôi không muốn phụ thuộc, vì tiền mà đánh mất rất nhiều người bạn thân, những người đã yêu quý mình, nhiều khi còn suýt đánh mất bản thân mình nữa. Tôi muốn nuôi dưỡng tình cảm, vì tiền bạc không mua được ân tình.

Ám ảnh tiền bạc là điều khó dứt ngay được

- Chị đã thực sự thoát ra khỏi sự ám ảnh đó chưa?

Chưa hẳn. Không lâu trước đây, khi tôi quyết định bán đi một món đồ làm làm từ thiện, tôi đã không dám nhận tiền từ người mua mà yêu cầu người mua gửi trực tiếp vào trung tâm làm từ thiện. Lý do tôi làm thế là vì khi mình cầm tiền thì mình tiếc, có thể mình sẽ làm ít, có thể chỉ là một nửa thôi. Nói người mua đóng tiền thẳng vào đó là tốt nhất. Đến đó tưởng là thoát hẳn. Nhưng chưa xong, đến một ngày mình cần món đồ đã bán đi, không có tiền để mua lại, lại thắc mắc sao bán đi. Tôi nhận ra "sắc tâm" sinh diệt nhanh lắm nên cố gắng đè bẹp suy nghĩ xấu đó đi. Đến bây giờ chưa chắc đã thoát được, lúc nào trong tâm cũng cố gắng suy nghĩ tốt, để tránh sân si. Thực ra nếu mất hết mọi sân si thì, cũng chưa hẳn tốt, vì mất hết thì không còn là con người nữa, nhưng mình cố gắng nghĩ suy để hướng thiện.

- Điều gì và ai đã giúp chỉ vươt qua được tất cả những điều đó?

Đó chính là con trai của tôi. Bởi vì tôi biết cuộc sống của tôi bây giờ ảnh hưởng trực tiếp đến bé, vì vậy, tôi muốn làm tấm gương cho con. Tài sản để lại không phải là tiền tỉ, là một gia tài lớn, tôi muốn để lại cho bé một tấm lòng nhân ái, biết yêu thương những người khó khăn hơn mình. Chính bởi thế mà ngay khi bé hơn 3 tuổi tôi đã dắt đi làm từ thiện, đến những trung tâm trẻ em mồ côi khó khăn. Tôi nghĩ bé sẽ cảm nhận từ từ, nuôi cho bé một hạt giống tốt trong tâm hồn. Sự thay đổi, cái quan trọng nhất là vì con trai.

- Có bao giờ chị ước như giá có con sớm hơn thì cuộc đời mình đã thay đổi sớm hơn?

Chuyện con cái mình không thể quyết định, nó là cái duyên trời cho. Có người 15, 16 tuổi đã có con (dù chưa đủ tuổi làm mẹ theo luật pháp) nhưng cũng có người gần 50 mới có. Tôi nghĩ rằng, ông trời thấy được sự thay đổi lớn của tôi nên ban tặng đứa con để hoàn thiện đó. Bé rất ngoan, khi ăn bé vét sạch hết những hạt cơm còn trong tô, rất tiết kiệm, cái này tôi nghĩ là thiên tính vì nhà Phật có dặn ăn cơm không được bỏ rơi hạt nào vì đó là hạt ngọc của trời. Con trai một thường nhõng nhẽo, nhưng bé nhà tôi rất tự lập. Đứa con cho tôi thêm tinh thần và sức mạnh để vượt qua những khó khăn, đè bẹp những hạt giống xấu trong con người.

- Vậy ngoài ra, chị còn chờ đợi gì ở con trai nữa, một sự báo hiếu sau này?

Căn bản là con cái mình lớn lên trả hiếu hoặc chỗ dựa tinh thần cho mình, khi có thai tôi thường cầu nguyện như vậy. Nhưng khi đẻ xong, đi làm, gặp những khó khăn thì tôi đã thay đổi, có mơ ước lớn hơn nữa. Tôi mơ ước con trai lớn lên làm một công việc gì đó tạo được nhiều điếu tốt hơn, năng làm những công việc từ thiện, phước đức đó tạo ra cho chính bản thân bé hơn là cố gắng làm những điều không tốt, chỉ nhằm để lo cho mẹ. Có thể lúc đó, tôi cũng không còn sống để hưởng thụ của cải mà "con làm ra đâu, nhưng quan sát con từ một nơi nào đó trên thiên đường, tôi cũng sẽ thấy hạnh phúc.

- Chị có nghĩ khi cuộc sống của chỉ ngày càng duy tâm hơn thì nó cũng đồng nghĩa là những thìa cạnh khác như lý trí sẽ giảm bớt đi?

Nhiều người nói đạo Phật đứng tại chỗ, cái gì cũng được, cũng hoan hỉ. Đúng hay sai, tôi không nói ở đây, mà chỉ muốn nói, mình tin Phật vì tin vào những điều thiện, nghe những lời dạy và áp dụng nó vào cuộc sống. Từ ngày đọc Phật pháp, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn. Trước đây, tôi gặp gì khó khăn thì bỏ qua và hất đổ. Giờ thì tôi dồn hết sức cho công việc đó, không áy náy, không hối hận vì đã cố gắng làm tốt nhất có thể, còn thành công hay không lại là chuyện khác. Cái quan trọng không phải bạn theo đạo giáo nào, mà quan trọng bạn phải trang bị cho mình một niềm tin, để mạnh mẽ vươn lên.

Chưa phải là đạo diễn thực thụ

- Chị may mắn khi tìm thấy đức tin của mình để cảm thấy mình là người yếu đuối?

Với tôi, đúng là đức tin như một cái phao, có đức tin mới làm cho mình có sức mạnh, nhưng sức mạnh đó nó không theo kiểu mất đồ là vào chùa xin có lại được, hay xin trúng số, công việc ổn định. Đức Phật không dạy điều đó, không mê tín, không dựa dẫm tôi theo đạo Phật một cách khác, mỗi lần gặp những điều gì đó, tôi cố gắng tìm lối thoát, vận dụng nó bằng cả sức mạnh của mình, chứ không phải đến chùa cầu xin vượt qua.

- Nói khó khăn là vậy. Nhưng như chị vừa chia sẻ thì cuộc sống của chị đang rất viên mãn. Chị cảm thấy mình hạnh phúc nhất khi nào?

Đó là lúc tôi mở mắt ra và hít thở, thấy vạn vật xung quanh, thấy mình còn sống và mình nên sống trọn vẹn trong ngày hôm đó. Rồi mai mình tính tiếp.

- Vậy còn những dự định tiếp theo của chị?

Hiện tại, tôi có nhiều dự án ấp ủ, ví dụ như sắp tới đây là dự án phim truyền hình "Trở về 3". Tôi đã làm "Trở về 1" và "Trở về 2". Đây là tâm huyết lớn của tôi, nếu không có gì thay đổi, giữa tháng l0 phim bấm máy. Điều lớn nhất tôi muốn làm là thổi một làn gió mới vào "Trở về 3".

- Chị có thể chia sẻ về những khó khăn, bất lợi mà một nữ đạo diễn gặp phải?

Bất lợi lớn nhất là sức khỏe. Phụ nữ sức khỏe không bằng đàn ông, không thể vượt qua nhiều sương gió bụt đời, leo núi, lội suối băng rừng, nắng gắt dễ như cánh mày râu. Ví du như chuyến đi quay ở Campuchia vừa rồi, rất cực, nhưng chúng tôi vẫn phải vượt qua. Còn lại, tôi thấy nữ giới làm đạo diễn có nhiều điểm có lợi hơn, ví dụ như một đạo diễn nữ thì đoàn làm phim nhẹ nhàng hơn, ít tiếng cãi nhau hơn (cười).

- Còn chuyện nghi ngại về tài năng của chị, có không thưa chị?

Họ có quyền nghi ngại về tài năng của tôi, điều đó không ai cấm cản được. Đồng nghiệp và khán giả có quyền nghi ngờ mình có khả năng hay không và điều đó khiến tôi phải cố gắng làm thật tốt. Nhưng ngay cả bản thân tôi cho đến ngày hôm nay vẫn chưa công nhận mình là một nữ đạo diễn mà chỉ là một nữ đạo diễn đang tập sự, có nhiều nỗ lực vượt qua được. Một ngày nào đó, hy vọng tôi sẽ được công nhận là một nữ đạo diễn đích thực.

- Hẳn nhiên là chị có những lợi thế khi xuất phát điểm của chị là một ngôi sao điện ảnh chứ?

Tôi thấy mình chỉ có một lợi thế duy nhất khi chuyển từ diễn viên sang nữ đạo diễn đó là dễ đi xin bối cảnh để làm phim trường, chỗ nào xin bối cảnh khó, chỉ cần Việt Trinh đến là mọi chuyện dễ dàng hơn. Còn lại, không có lợi thế nào dễ dàng cả, tất cả đều phải cố gắng vượt qua như những đồng nghiệp khác.

- Xin chân thành cảm ơn chị về những chia sẻ chân thành!