Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Việt - Nhật: Không chỉ là đối tác chiến lược, mà còn là bạn chân thành

ANTĐ - Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm nay 15-9, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản. 

Việt - Nhật: Không chỉ là đối tác chiến lược, mà còn là bạn chân thành  ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đại diện một số hãng thông tấn, báo chí lớn của Nhật Bản

Tiếp và trả lời phỏng vấn một số hãng thông tấn, báo chí lớn của Nhật Bản trước khi lên đường đi Tokyo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Việt Nam luôn đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu đó của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, đồng thời luôn nỗ lực sử dụng hiệu quả, minh bạch và đúng mục đích nguồn vốn ODA của Nhật Bản”. 

- Truyền hình NHK, Yomiuri Shimbun: Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Tổng Bí thư. Xin Tổng Bí thư cho biết kỳ vọng của Ngài về chuyến thăm? Những vấn đề nào sẽ được hai bên thảo luận trong chuyến thăm lần này? Thông điệp mà Ngài muốn gửi tới nhân dân Nhật Bản qua chuyến thăm lần này? 

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đúng, đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của tôi trên cương vị Tổng Bí thư theo lời mời của Thủ tướng Nội các Nhật Bản Shinzo Abe.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước chúng ta đang phát triển rất tốt đẹp.

  

Với chuyến thăm này, chúng tôi muốn khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Nhật Bản là một trong những đối tác phát triển quan trọng hàng đầu và lâu dài, thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Với 3 điểm nhấn là thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, tăng cường tin cậy chính trị và đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế, tôi hy vọng rằng, kết quả chuyến thăm sẽ tạo động lực mạnh mẽ, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới.

Như các bạn đã biết, Việt Nam và Nhật Bản vốn có quan hệ gắn bó từ lâu đời; nhân dân hai nước chia sẻ nhiều giá trị văn hóa tương đồng, có tình cảm hữu nghị chân thành với nhau, hai nước có nhiều lợi ích chung to lớn trước mắt và lâu dài. Giờ đây, hai nước không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng mà còn là những người bạn chân thành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam hoan nghênh một Nhật Bản phát triển phồn vinh, đóng vai trò ngày càng tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Nhật Bản là đáp ứng nguyện vọng và phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới.

- Asahi Shimbun: Việt Nam đã thiết lập thể chế chính trị một đảng duy nhất trong nhiều năm lịch sử. Hiện nay, hệ thống chính trị như vậy là rất hiếm trên thế giới. Ngài có tin tưởng rằng hệ thống chính trị độc đáo này sẽ được duy trì lâu dài trong tương lai? 

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thực tiễn lịch sử nhân loại cho thấy, việc hình thành các thể chế chính trị là dựa trên hoàn cảnh, điều kiện lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cụ thể của mỗi quốc gia, không có mô hình duy nhất để áp đặt cho tất cả các nước. Chế độ chính trị của Việt Nam là kết quả của tiến trình lịch sử cụ thể của Việt Nam, trong đó có sự tín nhiệm và ủng hộ rộng rãi của nhân dân đối với vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đổi mới, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Tôi cho rằng, bản chất cốt lõi nhất của dân chủ là bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; thể chế chính trị nào đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đại đa số nhân dân, của dân tộc thì thể chế đó sẽ có sức sống lâu dài, mãnh liệt, không phụ thuộc vào việc có một đảng hay đa đảng. Và vấn đề quan trọng quyết định không phải là ở số lượng mà là ở chất lượng của đảng, tức là đảng đó là đảng của ai, được tổ chức, hoạt động như thế nào và vì lợi ích của ai, mối quan hệ với nhân dân như thế nào, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân ra sao, có được đại đa số nhân dân ủng hộ hay không? 

Trong 85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn phấn đấu theo một tôn chỉ duy nhất, không thay đổi, là phục vụ lợi ích của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, vì lợi ích của đất nước và dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn cầu thị, tự phê bình và đổi mới, khắc phục những hạn chế để không ngừng tự hoàn thiện mình nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ nhân dân giao phó, xứng đáng là đại diện chân chính cho quảng đại quần chúng nhân dân Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam.

Mục tiêu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam ngày nay. Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã và đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân. Sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân là cơ sở quan trọng, quyết định nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết định vận mệnh của mình và chúng tôi tin tưởng rằng đó là sự lựa chọn đúng đắn vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam.

- Yomiuri Shimbun, Kyodo News: Hiện nay thử thách lớn nhất mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt là gì? Đảng sẽ giải quyết thử thách này như thế nào tại Đại hội Đảng lần thứ XII? Xin Ngài cho biết một số nội dung chính mà Đại hội Đảng sẽ bàn thảo? Liệu có sự thay đổi nào về vai trò của Đảng sau Đại hội? Việt Nam sẽ đi theo phương hướng nào? Xin vui lòng cho biết ý kiến của Ngài về chính sách đối nội, đối ngoại, chính sách kinh tế…? 

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra vào thời điểm Việt Nam đi qua chặng đường 30 năm đổi mới. Đây là giai đoạn lịch sử rất quan trọng của Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đại hội XII dự kiến sẽ bàn bạc và quyết định những chủ trương, đường lối lớn về đối nội, đối ngoại của Việt Nam trong 5 năm tới, nhằm đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đại hội sẽ tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới, chỉ ra những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức, trên cơ sở đó sẽ làm rõ hơn những vấn đề lý luận lớn để xác định phương hướng phát triển của Việt Nam trong giai đoạn mới, như: các bước đi của thời kỳ quá độ; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mô hình và phương thức quản lý xã hội; đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế và chính trị; động lực của đổi mới và quá trình phát triển ở Việt Nam trong thời kỳ mới… Công tác xây dựng Đảng cũng sẽ rất được coi trọng, nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới.

Chúng tôi kiên trì thực hiện đường lối Đổi mới đồng bộ và toàn diện nhằm đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự, công bằng xã hội, phát huy dân chủ và nâng cao đời sống của nhân dân. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phát triển, năng suất lao động; thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. 

Về đối ngoại, chúng tôi kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế. Đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng tới đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện; đưa quan hệ với các đối tác, trong đó có Nhật Bản, đi vào chiều sâu; chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn đa phương với tinh thần “Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.