Nhạc sỹ Trương Quý Hải:

Viết nhạc để trả nợ ân tình

ANTĐ - Nhắc đến Trương Quý Hải, người yêu nhạc nhớ ngay đến những ca khúc bất hủ của anh: “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, “Khoảnh khắc”, rồi gần đây, khán giả truyền hình lại đắm say với những ca từ mộc mạc và sâu lắng của anh “Căn nhà cũ” trong loạt phim truyền hình “Những công dân tập thể”.

Bỗng dưng nổi tiếng

“Là lạ ngồ ngộ thế thôi” đó là tất cả cảm nhận của chính tác giả, khi tác phẩm của anh vừa ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt, khiến cho anh bỗng dưng nổi tiếng. Anh đón nhận sự nổi tiếng với thái độ không quá vui mừng, bởi lẽ anh chỉ định tay ngang một chút để kiếm tìm niềm vui trong cuộc sống, chứ chưa hề nghĩ đến danh tiếng.

Hồi nhỏ, Trương Quý Hải đã từng có thời gian theo học đàn violin, lớn lên dù học tập và làm việc trong các môi trường không liên quan đến âm nhạc, nỗi nhớ âm nhạc vẫn cứ “dày vò” anh, thêm vào đó là mong muốn lưu lại những cảm xúc của mình cùng những người xung quanh nên anh tiếp tục tự học nhạc và sáng tác trong suốt quá trình đi bộ đội, học đại học và khi đi làm sau này. Tuy nhiên phải đến năm 2009, anh mới gác lại mọi công việc “cứ cuốn mình đi” để tập trung hết tâm trí cho âm nhạc.

Nói về quãng thời gian trước đó, một chút tiếc nuối thoáng qua trên gương mặt anh, rất nhanh rồi sự vui vẻ trở lại: “Có thể nếu tập trung làm chuyên về âm nhạc sớm hơn thì tôi có thể cống hiến được nhiều hơn, nhưng tôi không tiếc khoảng thời gian qua vì những công việc tôi làm còn mang đến vốn sống, cảm xúc phong phú để mình sáng tác được tốt hơn”.

Ru con bằng trường ca

Nhắc đến Trương Quý Hải, không thể không nhắc đến “Trường ca người Việt Nam” - một sáng tác anh tâm đắc nhất. Đây cũng chính là tác phẩm anh đầu tư nhiều thời gian cũng như tâm huyết  và cho ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Mong ước sáng tác một trường ca cho đất nước đã được anh ấp ủ từ lâu, nhưng phải mất đến 13 năm mới có thể hoàn thành… 13 năm đau đáu một đề tài và rồi một lúc nào đó, nhìn thấy những con người trẻ tuổi đang làm việc hăng say, nghe một tiếng chuông chùa hay nhìn thấy một chùm pháo hoa ngày thống nhất đất nước… tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ trong anh đã trỗi dậy, mang theo giai điệu, ca từ để anh viết nên những chương “Người Việt Nam”, “Hải đội Hoàng Sa”, “Đoàn viên”, “Đêm trắng”.

Nhưng có lẽ, cảm xúc dạt dào nhất anh dành cho chương 5 “Cho con là người Việt Nam” bởi nguồn cảm hứng để  viết chương này không gì khác chính là con trai anh. Anh tự nhận là một người đàn ông không đủ khéo léo để cho con những lời hát ru ngọt ngào mà buồn man mác như lời ru của mẹ. Cho nên, khi ru con, anh chỉ biết đu đưa theo giai điệu phát ra từ tấm lòng người cha với những khát vọng, nhắn nhủ. Sau này, anh dùng chính giai điệu xúc động đó để kết lại bản trường ca của mình: “… À ời… à ơi… Những màu xanh xanh lúa vươn lên đất cằn, những chồi non sẽ lớn xanh tươi bất tận. Trời đất linh thiêng thương yêu người dân nước Việt, cho lời ru êm ái vơi đi khó nhọc, cho vòng tay vững chãi vươn lên khát vọng. Cha mẹ sinh con ra, cho con là người Việt Nam…”.

Sáng tác để… trả nợ

Nhạc sỹ Trương Quý Hải luôn cho rằng, kể từ khi sinh ra anh đã là một “con nợ”: Nợ cha mẹ công sinh thành, dưỡng dục, nợ đất nước, dân tộc một tâm hồn nghệ sĩ, thậm chí nợ cả bạn bè, đồng nghiệp - những người khơi dậy cảm hứng sáng tác cho anh… Chính vì vậy, anh luôn trăn trở làm sao để đền đáp hết những ân tình mà anh nhận được trong suốt cuộc đời. Và anh cũng chỉ biết một cách tốt nhất, đó là dùng chính âm nhạc do mình sáng tác. Vậy nên, anh sáng tác nhiều về đất nước, về thế hệ trẻ mà các đồng nghiệp của anh… Bên cạnh đó, anh còn có một gia sản nhạc không lời sáng tác cho đồng đội cũ và làm nhạc cho nhiều bộ phim Việt Nam. Sau hơn 30 năm kết thân với âm nhạc, hiện tại anh cũng mới chuẩn bị cho ra mắt một CD riêng vào ngày 13- 9 năm nay, với 13 ca khúc đặc sắc nhất do anh lựa chọn, như một lời tri ân đến những người đã đón nhận và ủng hộ anh trên bước đường nghệ thuật.

Bên cạnh niềm vui sáng tác, Trương Quý Hải còn có nguồn động viên lớn lao là gia đình nhỏ với vợ và con thơ. Tuy mọi người trong gia đình anh không ai có mối duyên nợ với âm nhạc như anh, các con cũng không hào hứng với âm nhạc nhưng anh chẳng vì thế mà phiền lòng. Thậm chí anh còn tự hào khi cô con gái mới học lớp 6 đã đảm đang nữ công gia chánh giống mẹ khiến anh phải phì cười mỗi khi con gọi điện giục anh “mua nước mắm để con nấu cơm”. Anh cũng không cố tình hướng các con theo nghiệp của anh, vì theo anh: “Những phát triển tự nhiên luôn đem lại kết quả bất ngờ, thú vị”.