Nhà viết kịch Chu Thơm:

"Viết ngu ngơ, mất khách như chơi"

ANTD.VN - Trước khi bắt tay vào viết kịch bản vở tuồng hiện đại “Ao làng”, nhà viết kịch Chu Thơm đã được nhiều người gàn vì loại hình này rất khó để chuyển tải các vấn đề nóng hổi của đời sống. Tuy nhiên, sự xuất hiện của “Ao làng” do các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn đã chứng minh điều ngược lại…

Vở tuồng “Ao làng” thể hiện đề tài nông thôn mới

Buộc phải ham học hơn

- PV: Với “Ao làng”, ông đã chứng minh cho khán giả thấy điều gì? 

- Nhà viết kịch Chu Thơm: Xưa nay khán giả chỉ quen với các vở tuồng cổ. Vì thế, sự xuất hiện của “Ao làng”, vở tuồng đề tài đương đại đã chứng minh ngược lại rằng, một bộ môn nghệ thuật cổ như tuồng cũng có khả năng chạm tới các vấn đề nóng của đời sống. Song để “Ao làng” ra tấm ra món thì người cầm bút như tôi trăn trở rất nhiều.

Cái khó là tìm hướng đi cho tác phẩm sao cho vừa gần gũi với nghệ thuật tuồng vừa đề cập trực diện tới các vấn đề của đời sống. Và câu chuyện thích hợp hơn cả sẽ là về đề tài nông thôn, về làng quê Việt Nam thời kỳ đổi mới. 

- Chỉ xoay quanh cái ao làng, điều gì khiến các nghệ sỹ tuồng phóng tác ý tưởng?

- Vì kịch bản này viết cho tuồng nên tôi đã chủ đích tạo nên các cảnh, các màn để từ đó, người chuyển thể kịch bản tuồng, đạo diễn và diễn viên sẽ bám vào để thể hiện. Tôi cũng thừa nhận mình không phải là người am hiểu về nghệ thuật tuồng nhưng khi bắt tay vào thực hiện, tôi buộc mình phải ham học hơn, đi nhiều hơn và thâm nhập thực tế sâu hơn.

Cũng may, kịch bản  “Ao làng” được đồng nghiệp đánh giá là đáng “đồng tiền bát gạo” mà Nhà hát Tuồng Việt Nam  bỏ ra và qua một vài buổi diễn đầu tiên cũng phần nào đáp ứng kỳ vọng của khán giả. 

- Vậy “Ao làng” mà ông đề cập trong vở có khác với cái ao làng mà mọi người vẫn nhìn thấy không?

- Tôi chỉ mượn cái ao làng để nói chuyện ngày nay thôi (cười). Ao làng của làng quê nước Việt mình là “con mắt” , là linh hồn của làng, là nơi người dân tụ tập, sinh hoạt cộng đồng. Nhưng trong kịch bản, “con mắt” ấy đã bị chính những cư dân của nó làm ô nhiễm nặng khi coi đó là nơi xả rác, xả xác súc vật chết.

Và đứng trước dự án mở đường, tôi đã mượn cuộc tranh cãi của những người dân trong làng, về việc nên lấp hay nên giữ ao để thẳng tay chỉ ra những bất cập trong xây dựng đời sống nông thôn mới. 

Nghĩ về làng, về nước là thuận lẽ thường

- Với vở diễn vừa ra mắt, ông đã thấy thỏa mãn với sự sáng tạo của ê kíp?

- Nhà viết tuồng nổi danh Sỹ Chức đã chuyển kịch bản văn học thành kịch bản tuồng rất ngọt. Đạo diễn Đặng Bá Tài đã chuyển tải được hồn cốt của kịch bản. Tuy nhiên, tôi mong một số cảnh, các nghệ sỹ cần diễn rõ lời và nghệ thuật tuồng cần đậm nét hơn.

Bởi trong vở, có những cảnh lời thoại còn nhiều hơn hát trong khi, đây là một vở diễn của kịch hát dân tộc cần nhiều các cuộc đối thoại được thể hiện bằng văn chương biền ngẫu, thậm chí có thể hát. Êkíp sáng tạo sẽ tiếp tục sửa để vở diễn hoàn thiện. Vì thế, tôi hoàn toàn yên tâm, sau khi được nghe những ý kiến đóng góp từ lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và bạn bè đồng nghiệp “Ao làng” sẽ hoàn chỉnh, nâng cao và hay hơn.

- Trước “Ao làng”, ông từng có nhiều tác phẩm được dàn dựng về đề tài làng quê Việt Nam. Tác giả dường như rất chuộng thể loại này?

- Tôi chỉ có hơn 10 năm sống ở nông thôn nhưng lượng kịch bản tôi viết về đề tài làng quê Việt Nam đã vượt qua con số ấy. Người xưa vẫn bảo, “sống ở làng, sang ở nước”, người Việt Nam đi đâu làm gì rồi cũng nhớ, cũng thương về làng quê mình. Trong “Ao làng”, tôi đã tạo ra cảnh các ông trưởng họ ngồi pha trà uống nước.

Một ông bảo, mình đã đi nhiều nơi nhưng không thấy nơi nào nước pha trà ngon như nước làng mình. Đấy, tôi cũng giống như nhân vật này và bây giờ cũng có tuổi nên nghĩ về làng, về nước cũng là thuận theo lẽ thông thường. Hơn nữa, tôi mệnh thổ, cứ phải gắn với sông với nước mới hợp (cười). 

- Được biết, mỗi kịch bản của ông thường là kết quả của những chuyến “nằm vùng” hàng tháng tại địa phương?

- Tầm tri thức của khán giả ngày nay rất cao, đón nhận thông tin nhanh và tư duy cởi mở. Với những con người thông minh “có sỏi trong đầu”, nếu mình viết kịch mà không hiểu thực tế, viết  ngu ngơ thì mất khách như chơi. Thế nên, dù mình có thể lên mạng internet đọc thông tin rồi hình dung và sáng tạo theo cách riêng nhưng tôi vẫn đánh giá cao sự trải nghiệm.

Khi viết kịch bản “Gió từ cánh đồng”, tôi đã về Hải Dương nằm vùng vài tuần để hiểu về công cuộc “Dồn điền, đổi thửa” của nông thôn mới ngày nay. Đây cũng là chất liệu giúp tôi viết nên kịch bản “Ao làng”. 

- Ông có hy vọng một ngày “Ao làng” sẽ xuất hiện tại thánh đường nghệ thuật như Nhà hát Lớn Hà Nội?

- Với chủ trương mới của Bộ VH-TT&DL cho phép các nhà hát nghệ thuật truyền thống diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi hoàn toàn có quyền hy vọng “Ao làng” sẽ được diễn ở thánh đường nghệ thuật. Tất nhiên, khi diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, sức nặng cũng đặt lên vai của những người sáng tạo và tác phẩm đó bắt buộc phải có chất lượng. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!