Việt Nam - Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác các lĩnh vực quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo cấp cao hai nước đã khẳng định coi trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng.

Tăng cường kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15-4 đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ra tận sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định kết quả chuyến thăm có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới. Một trong những kết quả nổi bật của chuyến thăm là hai bên nhất trí tăng cường phát triển các lĩnh vực quan trọng. Theo đó, đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong đó ưu tiên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu.

Với sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc và thành lập Ủy ban liên hợp hợp tác đường sắt Việt - Trung. Đây là bước phát triển mới và dấu mốc quan trọng về hợp tác đường sắt, thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Lãnh đạo hai Đảng, hai nước đối với việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hai bên hợp tác xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài gần 391km, khổ 1,435m, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa có tốc độ thiết kế 160km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai đến ga Nam Hải Phòng; tốc độ thiết kế 120km/h với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội; tốc độ 80km/h với các đoạn tuyến còn lại. Chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này đã được Quốc hội nước ta thông qua tháng 2 vừa qua với tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.

Hai bên cũng tăng cường kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế, kết nối các chiến lược phát triển vùng giữa hai nước như Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao, Khu vực đồng bằng sông Trường Giang, mở rộng tuyến Hành lang kinh tế trong khu vực “Hai hành lang, Một vành đai” kéo dài đến Trùng Khánh. Hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Hai bên ủng hộ doanh nghiệp hai nước hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 5G; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch, phát triển xanh, kinh tế số…

Mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp

Những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm rất thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có lĩnh vực kinh tế - thương mại. Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vốn đã phát triển tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp hai nước vì thế sẽ được tăng cường hơn nữa trong tương lai.

Trong hơn 3 thập kỷ gần đây, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ bứt phá hơn 6.400 lần, xác lập đỉnh cao mới, vượt 200 tỷ USD vào năm 2024. Việt Nam duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới; Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Việt Nam, dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới. Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD, tăng 17,46%. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm giới thiệu với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về 45 văn kiện hợp tác mà hai bên ký kết trong chuyến thăm

Tổng Bí thư Tô Lâm giới thiệu với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về 45 văn kiện hợp tác mà hai bên ký kết trong chuyến thăm

Về đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 31,26 tỷ USD. Hai bên đã đạt nhận thức chung về hướng giải quyết đối với một số dự án vướng mắc tồn đọng.

Kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước, nhất là đường sắt đạt nhiều tiến triển quan trọng. Đây sẽ trở thành một động lực phát triển lớn đối với 2 nền kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư. Vì những dự án đường sắt này sẽ giúp cho việc vận chuyển lao động, hàng hoá giữa hai bên thuận lợi hơn. Hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong việc lập Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việt Nam phấn đấu xây dựng tuyến đường sắt này trong năm 2025 cũng như hoàn thành lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội trong năm 2026, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho người dân hai nước qua lại cũng như thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Hai bên sẽ tiếp tục phát huy vai trò cơ chế Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt - Trung, đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh tại các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa, cân nhắc nhân rộng tại các cửa khẩu khác đủ điều kiện, bao gồm cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh.

Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác vận tải đường bộ, đường hàng không, đường sắt; khôi phục vận tải hành khách liên vận quốc tế, mở thêm nhiều chuyến vận tải đường sắt xuyên biên giới Việt - Trung; tạo thuận lợi kiểm nghiệm, kiểm dịch và xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu đường sắt. Trên cơ sở phù hợp quy tắc quản lý giờ cất/hạ cánh của hai bên, tạo điều kiện về gia hạn, bổ sung giờ cất/hạ cánh cho các hãng hàng không hai nước khai thác thị trường của nhau, khuyến khích các hãng hàng không hai nước khôi phục và mở thêm các chuyến bay theo nhu cầu thị trường.

Phát huy vai trò của Nhóm công tác nghiên cứu mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hai bên tích cực nghiên cứu thí điểm triển khai mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cùng xây dựng chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định.

Việc các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết 45 văn bản thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực kết nối đường bộ, đường sắt, kiểm nghiệm, kiểm dịch hải quan, thương mại nông sản, quốc phòng, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, giáo dục, dân sinh, nguồn nhân lực, truyền thông và hợp tác địa phương... đã thể hiện thành quả phong phú, toàn diện mà hai bên đạt được trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.