Việt Nam trở thành một điểm đến của FDI công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn về công nghệ như Boeing, SpaceX, Meta, Apple, Lockheed Martin… đến Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh cho thấy Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn với dòng vốn FDI.
Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI công nghệ cao

Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI công nghệ cao

Các “ông lớn” công nghệ liên tiếp tới Việt Nam

Một số hãng truyền thông lớn của thế giới như hãng tin Reuters, Truyền hình CNN vừa thông tin đậm nét về đoàn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã đến Việt Nam để tìm hiểu các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh. Trong đó có những tên tuổi lớn như Boeing, Lockheed Martin, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Meta, Amazon, Apple… Cho rằng đây là phái đoàn kinh doanh lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ tới Việt Nam tìm kiếm, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, truyền thông quốc tế cho rằng, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp nước ngoài nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tầng lớp trung lưu gia tăng. Các tập đoàn, công ty lớn của Mỹ đang hướng đến Việt Nam để đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng.

Truyền thông quốc tế tỏ ra chú ý tới việc trong số các tập đoàn của Mỹ tham gia chuyến đi do Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tổ chức, có nhiều tên tuổi quen thuộc và đều có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và đang lên kế hoạch mở rộng như các tập đoàn lớn: Apple, Boeing, Coca-Cola, PepsiCo, Netflix... Bên cạnh đó, Công ty SpaceX của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk cũng đang tìm kiếm thị trường dịch vụ internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Trong phái đoàn kinh doanh Mỹ còn có những tập đoàn dược phẩm lớn như Pfizer và Johnson & Johnson, thiết bị y tế Abbott hay dịch vụ tài chính Visa và CitiBank… Đặc biệt, có các “ông lớn” công nghệ như đại diện các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn; các công ty internet và dịch vụ đám mây Meta và Amazon Web Services...

Một tập đoàn hàng đầu tham gia chuyến đi tìm kiếm, mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là Boeing. Là tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới, Boeing phát triển, sản xuất và bảo trì máy bay thương mại, các sản phẩm quốc phòng và hệ thống hàng không vũ trụ tại hơn 150 quốc gia. Tại Việt Nam, Boeing đã ký kết cung cấp nhiều máy bay dưới dạng thuê, thuê mua, cung cấp thiết bị động cơ cho các hãng hàng không trong nước. Đại diện Boeing cho biết, các cuộc thảo luận của tập đoàn với các quan chức trong chuyến đi tập trung vào vấn đề phát triển quan hệ đối tác với Việt Nam và các biện pháp tăng cường năng lực hàng không và quốc phòng của Việt Nam. Các hãng công nghệ quốc phòng khác của Mỹ là Lockheed Martin và Bell cũng đã gặp gỡ các đối tác Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong khoảng chục năm qua, các công ty an ninh - quốc phòng của Mỹ quyết định tham gia các phái đoàn thường niên đến Việt Nam, trong đó Công ty SpaceX mong muốn bán dịch vụ Internet vệ tinh cho Việt Nam và các nước trong khu vực.

Truyền thông quốc tế cho biết, phần lớn các công ty tham gia đoàn đang hoạt động tại Việt Nam và đều có kế hoạch mở rộng sản xuất. Một số công ty quan tâm đến Việt Nam như một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng đang tăng lên về số lượng cũng như khả năng chi tiêu. Việt Nam trở thành điểm đến của các tập đoàn, công ty công nghệ cao trên thế giới còn thấy qua chuyến đi hồi tháng 3 này của một phái đoàn khác gồm 10 công ty sản xuất công nghệ cao của Hà Lan đã đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Theo trang tin “Netherland and you”, hầu hết các doanh nghiệp trong đoàn là một phần của chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất thiết bị công nghệ cao gốc lớn trên toàn cầu.

Ưu tiên thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn

Việc các “đại bàng” công nghệ thế giới đến Việt Nam “chọn tổ” và “làm tổ”, theo giới kinh doanh, nằm trong làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu, theo đó đã đưa những tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới tới Việt Nam trong ba năm qua. Trong đó, tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ Apple đã lên kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam trong năm 2023. Làn sóng này mạnh hơn trong năm 2022 vừa qua khi số liệu thống kê cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, trong mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022). Tính lũy kế trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI; trong đó, 274 tỷ USD đã được giải ngân, chiếm 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Trong năm 2022, nhiều dự án được tăng vốn đầu tư từ đầu năm như dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn. Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn hai lần, tăng 920 triệu USD (lần 1) và tăng 267 triệu USD (lần 2); Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex tăng vốn trên 841 triệu USD. Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại tỉnh Bắc Ninh tăng thêm 306 triệu USD, tại Nghệ An tăng 260 triệu USD và tại Hải Phòng tăng 127 triệu USD. Trước khi “người khổng lồ” công nghệ và “khó tính” Apple chọn Việt Nam làm bến đỗ, nhiều “ông lớn” công nghệ thế giới khác như Intel, Samsung, LG, Foxconn... cũng đã đến Việt Nam đặt nhà máy, tổ hợp sản xuất quy mô từ vài tỷ đến vài chục tỷ USD tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng. Đây là tín hiệu rõ về sự thành công trong chiến lược thu hút đầu tư FDI công nghệ cao được Việt Nam đưa ra, thực hiện trong nhiều năm qua.

Phát biểu khi cùng đoàn kinh doanh Mỹ tới Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Michael, Giám đốc Boeing Việt Nam cho biết, có nhiều lý do khiến Việt Nam trở thành đối tác lý tưởng của Boeing: Thứ nhất, Việt Nam có mối quan hệ ngày càng phát triển với Mỹ; Thứ hai, là vai trò hàng đầu của Việt Nam trong số các nước ASEAN; Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, hàng không mở rộng rất mạnh; Thứ tư, vai trò mới nổi của Việt Nam trong ngành sản xuất công nghệ cao; Thứ năm, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).

Trong khi đó, ông Gan Yee Chun, Tổng Giám đốc Công ty Samtec Việt Nam cho biết, ngoài việc tăng thêm vốn đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam, công ty cũng nhận thấy khả năng của người lao động Việt Nam và kiến thức, tay nghề kỹ thuật của họ. Vì vậy, Công ty Samtec sẽ đưa vào một số công nghệ tự động hóa nhẹ để tăng cường năng lực sản xuất tại địa phương. Ông Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công Khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Tập đoàn Meta (tập đoàn mẹ của “ông lớn” Facebook), nhìn nhận, hiện có 60 triệu người Việt Nam thường xuyên sử dụng Internet cho thương mại điện tử và con số đó sẽ tăng lên khi dân số Việt Nam đạt 100 triệu người, phần đông là dân số rất trẻ. Nhấn mạnh về những lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn FDI của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc thu hút nguồn vốn này đang được chọn lọc để nâng chất lượng dòng vốn này. Việt Nam mong muốn thu hút được công nghệ cao, công nghệ nguồn.