Việt Nam tìm cách vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù nền kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng chống chịu đại dịch Covid-19 tốt hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc con đường phục hồi sẽ bằng phẳng. Làm sao vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19” đang là vấn đề nổi lên cần lời giải đáp.
Nâng cao chất lượng hàng nội địa để chiếm lòng tin người tiêu dùng sẽ giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn thời Covid-19

Nâng cao chất lượng hàng nội địa để chiếm lòng tin người tiêu dùng sẽ giúp các doanh nghiệp bớt khó khăn thời Covid-19

Nguy cơ kẹt ở mức tăng trưởng thấp trong thời gian dài

Với mức tăng trưởng GDP 0,4% trong quý hai, kinh tế Việt Nam được coi là ngoại lệ trên thế giới ở thời điểm này. Tuy nhiên, đây là kết quả thấp nhất trong vòng 35 năm qua. Nếu tính 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng cũng chỉ đạt 1,8%, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã bị tổn thương nặng nề bởi Covid-19. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), nhờ có thể trạng tốt hơn nên nền kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm đề kháng đại dịch tốt hơn.

Tuy nhiên, quy mô suy giảm kinh tế của Việt Nam cũng tương đương với những gì được chứng kiến ở các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trên thế giới. Cảm nhận mà ai cũng thấy rõ là tình trạng người lao động mất công ăn việc làm và thu nhập suy giảm. Theo ước tính, trên 30 triệu người lao động Việt Nam, tương đương khoảng một nửa lực lượng lao động, bị ảnh hưởng do các biện pháp giãn cách xã hội thời gian vừa qua. Con số thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết tỷ lệ thất nghiệp thành thị tăng 33% trong quý hai, còn thu nhập bình quân của người lao động giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Du lịch với thành tích đón được 18 triệu lượt du khách, đóng góp 8,3% GDP và sử dụng trên 1,3 triệu lao động, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động của cả nước (theo con số thống kê năm 2019), là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020. Lệnh cấm du khách quốc tế và hạn chế vận tải hành khách trong nước trong tháng 3 và 4 đã tác động tiêu cực với ngành. Mặc dù các biện pháp hạn chế trong nước được nới lỏng giúp du lịch nội địa phần nào được phục hồi nhưng chưa thể bù đắp được cho những tổn thất của ngành.

Nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam, vốn phụ thuộc rất lớn vào kinh tế toàn cầu, hiển nhiên không thể đứng ngoài vòng xoáy mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Lâu nay, trụ cột tăng trưởng truyền thống của Việt Nam là sức cầu nước ngoài và tiêu dùng trong nước. Do đại dịch Covid-19, người dân cả trong nước và trên thế giới đều giảm chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh bất định. Sức cầu nước ngoài yếu đi khiến xuất khẩu của Việt Nam bị suy giảm trong sáu tháng qua và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục.

Trong lĩnh vực đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết đạt gần 16 tỉ USD trong sáu tháng đầu năm. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này đồng nghĩa Việt Nam cần phải tìm những động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Thực trạng trên đang đặt nền kinh tế Việt Nam trước cái gọi là “bẫy kinh tế Covid-19”, một khái niệm mới do ông Jacques Morriset - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam đưa ra. Theo ông Jacques Morriset, rơi vào “bẫy” này thì kinh tế Việt Nam sẽ kẹt lại ở mức tăng trưởng thấp trong thời gian dài. Nhiều chuyên gia kinh tế còn lo ngại rằng, nếu không ngăn được Covid-19 tái bùng phát trên diện rộng, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng âm trong năm nay.

Khai thác và nhân lên sức mạnh nội lực

Chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016-2020 từ 6,5 - 7%/năm; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Nếu không có giải pháp thích hợp thời Covid-19, chúng ta khó có thể hoàn thành các chỉ tiêu này.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn có khả năng bị tổn thương với những đợt sóng lây nhiễm virus Corona mới, Việt Nam phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục nền kinh tế. Điểm đáng chú ý là trong điều hành, Chính phủ đã có những điều chỉnh rất linh hoạt và phù hợp. Hồi tháng 4-2020, khi dịch bệnh lan rộng, cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội, khiến tăng trưởng GDP quý II chỉ còn 0,36%. Nhưng nay, quan điểm rất rõ ràng: Chính phủ sẽ không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà “ngăn sông, cấm chợ”. Chiến thuật là khi phát hiện ổ dịch thì khoanh lại, “đám lửa” to thì khoanh to, “đám lửa” nhỏ thì khoanh nhỏ để dập tắt, chứ không thực hiện giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, dẫn đến làm bế tắc hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo phân tích của các nhà kinh tế, để thích nghi với “trạng thái bình thường mới” không phải là điều dễ nhưng Việt Nam có những lợi thế mới. Do sớm hạn chế được tốc độ lây lan của Covid-19, Việt Nam có thể nâng tầm dấu ấn của mình trên thế giới thông qua thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động và giảm thiểu rủi ro với các cú sốc tương lai. Với lợi thế nằm kề bên Trung Quốc, việc chuyển dịch chuỗi cung sang Việt Nam cũng sẽ được nhiều công ty nước ngoài cân nhắc vì quá trình sẽ dễ dàng và tiết kiệm hơn.

Để vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19”, Việt Nam phải biết khai thác và nhân lên sức mạnh nội lực mà mình có. Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân chính là một nội lực quan trọng. Theo đánh giá của WB, với 1/6 dân số Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với mức chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày và mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người nữa tham gia vào nhóm này, thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài.

Nội lực đó là đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn có tâm thế vượt khó. Trong bối cảnh “khó khăn trăm bề” do dịch bệnh, doanh nghiệp có thể tái cơ cấu theo hướng giảm đầu mối, tăng hiệu quả, cập nhật công nghệ, cơ cấu và đào tạo lại nhân lực. Để tránh bị ảnh hưởng bởi những tác động từ bên ngoài, các doanh nghiệp có thể hướng tới phát triển các nguồn nguyên vật liệu trong nước, tìm và thay thế các nguồn nhập khẩu, phát triển các nguồn nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa và liên kết sâu với các nhà cung ứng nội địa để thay thế hàng nhập khẩu.

Trong nguy luôn có cơ. Nếu khai thác tốt nội lực, chúng ta sẽ đối phó thành công với nguy cơ rơi vào “bẫy kinh tế Covid-19”. Dù còn nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá tích cực. Bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng: “Khủng hoảng lần này khác với những lần trước đó và quản lý tốt có thể giúp Việt Nam tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng và trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045”. WB cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020 và sẽ phục hồi lại mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo trên cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.